Đi du lịch "sống ảo" là chuyện thường tình, nhưng nên dừng lại ở mức nào?
Sau một thời gian dài "chôn chân" vì dịch Covid-19, dịp lễ tết là cơ hội để các bạn trẻ "vùng vẫy" tại những địa điểm du lịch trong mơ. Trong bối cảnh nhu cầu du lịch đang dần tăng trở lại, bên cạnh những vấn nạn kẹt xe, kẹt phòng và quá tải khách nổi cộm hiện nay thì cũng có một chủ đề khác được đưa lên giàn tranh cãi.
Nếu thường xuyên lướt TikTok, nhiều người sẽ phát hiện ra một trend mới dành cho những bạn trẻ đến Đà Lạt du lịch là check-in cùng chiếc gương ngoài trời với view sống ảo cực chất. Trend này thường thu hút hàng nghìn lượt view và tương tác trên xu hướng TikTok, chủ yếu là những video ghi lại cảnh các cặp đôi dắt nhau đi qua chiếc gương lớn và phía sau là view bầu trời xanh đẹp mắt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều người đổ bộ lên Đà Lạt du lịch hiện nay, không tranh khỏi việc "tranh giành" check-in tại các địa điểm hot. Chính vì thế, trend đi qua gương của giới trẻ bỗng trở nên "kém duyên" khi phản chiếu hàng dài người đứng nắng chỉ để chờ tới lượt check-in cùng chiếc gương này. Điều này làm nhiều người thắc mắc: Vì sao có thể thoải mái tạo dáng, quay clip trước ánh nhìn của hàng người đang đợi phía sau như thế? Và tại sao lại phải xếp hàng để chờ check-in với cái gương thì mới được?
Đi du lịch chỉ để "sống ảo"?
Cứ vào độ hè đến hay các kỳ nghỉ lớn trong năm, đạo một vòng khắp Facebook của các bạn trẻ thật không khó để nhìn thấy những tấm ảnh du lịch "chanh sả" với "nghìn like". Sống cùng mạng xã hội, nhiều người trẻ thường có thói quen giơ điện thoại lên sống ảo mọi lúc mọi nơi khi đi du lịch, mục đích tham quan, khám phá lùi về phía sau mục đích chính là có những bức ảnh đẹp để đăng lên MXH cho người khác "trầm trồ".
Đây không hẳn là một thói quen xấu, đôi khi việc chụp ảnh chỉ với mục đích lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong từng chuyến đi, nhưng sự "bất chấp" để sống ảo của giới trẻ khiến nhiều người bắt đầu ngán ngẩm: "Đi chơi hay đi cùng... mạng xã hội?".
Sự việc check-in tại chiếc gương hot nhất Đà Lạt hiện nay càng làm dấy lên tranh cãi về sự việc này. Chia sẻ với , bạn Ca Ly (23 tuổi) một tay phượt cuồng chân đã nói rằng: "Mình thích đi du lịch đó đây và cũng thích chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm, với mình đó là một điều rất bình thường. Nhưng sẽ bất thường khi nhiều người bất chấp sống ảo và không cần quan tâm đến hoàn cảnh, bối cảnh như thế nào và còn quá hời hợt với những lựa chọn du lịch của mình. Việc xếp hàng chờ check-in với gương tại Đà Lạt là một ví dụ".
Thông qua những chuyến đi mình từng trải nghiệm và chứng kiến, Ca Ly cho biết có không ít bạn trẻ đi du lịch nhưng không tìm hiểu những giá trị lịch sử, nét đẹp văn hoá vùng miền mà mình đang tới nhưng lại chỉ chăm chăm vào làm thế nào để mình có một bức ảnh đẹp nhất. Nhưng thật chất đằng sau những bức ảnh lại vô cùng trống rỗng, đi nhưng không biết là mình đi đâu, chụp nhưng không biết mình chụp gì và rất nhiều điều không biết...
Du lịch là để trải nghiệm, không phải cảm nhận tất cả qua ống kính
Dẫu biết rằng, đi du lịch là để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ với địa điểm trong mơ mà mình được đặt chân đến nhưng nó không đồng nghĩa với việc nhìn ngắm và cảm nhận mọi thứ chỉ qua chiếc camera.
"Mình vừa có một chuyến đi du lịch Côn Đảo, nhưng cảm thấy khá khó hiểu khi một số người 'đụng đâu selfie đó' từ nhà tù đến nghĩa trang... Theo cảm nhận cá nhân của mình, xu hướng này có lẽ đến từ cách làm du lịch chưa đúng cách khi chính những địa điểm du lịch lại đang cổ suý cho hành động sống ảo của du khách. Lướt vài bài quảng cáo trên mạng của những điểm du lịch, không thiếu những đoạn tít gắn liền địa danh với những cụm từ như "1001 góc sống ảo cực chất" hay "những điểm checkin tuyệt vời". Có qua thì cũng có lại...", bạn Hồng Hạnh, (24 tuổi) hiện đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM chia sẻ.
Phải chăng chính những địa điểm du lịch lại đang quá tập trung vào việc thu hút du khách bằng những tiểu cảnh nhân tạo, đẹp đẽ và sống ảo hợp trend thay vì phải đầu tư vào những nội dung mang giá trị lịch sử và văn hoá riêng của mình? Chính lối suy nghĩ này đang khiến một tệp khách hàng khi đến với các địa danh chỉ muốn hỏi câu "Có chỗ nào sống ảo đẹp không?" thay vì hỏi "Nơi đây có những gì, người dân nơi đây ra sao?".
Du lịch ngày nay có thể nói là một trào lưu, thậm chí đó là mục đích để người ta ra sức kiếm tiền để được trải nghiệm và chu du khắp nơi. Tuy nhiên, hãy để mỗi chuyến đi trở thành một bài học với nhiều "sàng khôn" thay vì vội đến vội đi và chỉ lưu giữ mọi khoảnh khắc qua những tấm ảnh. Đi để khám phá, đôi khi đi cũng là đi tìm bản ngã, những điều mỗi người chợt nhận ra sau rất nhiều tầng lớp văn hóa và trải nghiệm.
Nguồn: TH&PL