Việc xuất hiện các trang "review phim" - thực chất spoil tuốt tuồn tuột nội dung - mang đến sự tiện lợi giả tạo, khiến người xem bận rộn tự đánh mất thú vui xem phim.
Không thể phủ nhận sự tiện dụng của các clip "review" nhan nhản trên mạng, khi người quan tâm một bộ phim chỉ cần một 3-5 phút để biết tác phẩm mình quan tâm có nội dung gì.
Trên thực tế, khán giả không thể gọi các clip này là "review" - bình luận - phim, khi giọng đọc chỉ đơn thuần tóm tắt từ đầu đến cuối phim. Nhiều khi để câu view, họ còn để twist (tình tiết bất ngờ) lên tựa đề.
Cách tiếp cận lệch lạc "nghệ thuật thứ bảy"
Thử lướt TikTok hay một số nền tảng cung cấp clip có thời lượng ngắn, người dùng không khó bắt gặp các đoạn phim có phần tiêu đề to như muốn che nửa màn hình điện thoại, với lời dẫn quen thuộc: "Chàng trai này là một cảnh sát", "Người cha đau đớn phát hiện người tình lâu nay là con ruột của mình",... Như vậy, thay vì được đi qua hành trình của nhân vật theo cấu trúc chương hồi trong mỗi bộ phim, khán giả lại tự đặt mình ở điểm đích, sau đó như con rối "nhảy cóc" liên hồi theo sự định hướng có giọng dẫn trong các clip.
Phim ảnh thường được gọi bằng cái tên mỹ miều "nghệ thuật thứ bảy", với hàm ý việc tự nghiền ngẫm khi xem phim là một cách thưởng thức nghệ thuật. Như vậy, việc nhờ người khác xem phim hộ, cũng giống như đọc sách hộ, tức là một người tự tước đi một đặc quyền cho tâm hồn mình. Với cách tiếp cận kể trên, khán giả không có cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn tác phẩm, bởi một bộ phim không chỉ có cao trào mà còn có những khoảng trầm, qua việc sắp xếp khéo léo hay không của người dựng phim sẽ trở thành kiệt tác hoặc thảm họa.
Giả sử có một đoạn phim tóm tắt việc chú người máy Wall-E nhảy múa ngoài vũ trụ với cô robot Eve, song không nói gì về hành trình cô độc trước đó của chú ta, sẽ không thể lấy được những giọt nước mắt chân thành từ khán giả. Hay như phim mới dựa trên tiểu thuyết Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát vừa chiếu rạp, cả tác phẩm sẽ bị phá hỏng nếu kết cục bí ẩn được ai đó tiết lộ ngay từ đầu phim. Điều tương tự cũng xảy ra nếu những tổ chức truyền thông "bẩn" spoil cái kết của những phim kinh điển như Oldboy, No Country For Old Men, khiến việc thưởng thức phim của những khán giả chân chính trở nên vô nghĩa.
Tự tước đi quyền được "chữa lành"
Trong mắt một số người yêu phim, đời thực có thể quá nhàm chán hoặc quá tàn nhẫn. Đó là lý do chúng ta thu tâm trí vào khoảng hai tiếng thời lượng phim, để các tổn thương tâm lý được chữa lành, để từng thước phim gấp đôi cánh giấy mang con người đến những thế giới đẹp hơn, nơi phép màu có tồn tại và người lương thiện sống đến cuối cùng.
Như vậy, những khán giả chủ đích hoặc vô tình xem phải các dịch vụ "xem phim hộ" như bị cướp đi đặc quyền tinh thần này. Một bộ phim hay và cảm xúc có thể vực dậy và cứu sống nhiều người, nhưng không ai nói điều tương tự với một "review phim".
Trong Nope của đạo diễn Jordan Peele, "khán giả" được hình tượng hóa thành sinh vật ngoài hành tinh hùng mạnh, toàn quyền sinh sát các "diễn viên". Tuy nhiên, nó có yếu điểm là "ăn" vô tội vạ, nuốt vào miệng mọi thứ bắt mắt mà không màn hậu quả. Những con ngựa gỗ, những cái đinh, những chất độc được sinh vật mù quáng hấp thụ, để rồi tình trạng sức khỏe có nó ngày càng tệ hơn, giúp các nhân vật chính có cơ hội đánh bại thực thể này.
Giờ hãy hình dung các "review phim" là chất độc không có lợi, vậy chúng sẽ tổn hại chúng ta - người xem - như thế nào? Đầu tiên, chúng ta hấp thụ những chất giọng méo mó, cố tình gây cười nhưng nội dung rỗng. Đầu óc chúng ta thêm mụ mị. Khi có cơ hội thưởng thức phiên bản đầy đủ của tác phẩm, người xem review dạo dễ từ chối với lý do "khó tập trung", "lười", "đã biết cái kết".
Ngoài ra, cảm xúc của khán giả còn bị chơi đùa, khi chúng ta không được đi theo trọn vẹn hành trình của nhân vật. Người xem không cảm nhận được sự giận dữ, nỗi niềm tiếc nuối, tự tổn thương,... nên đến khi cảm xúc tích cực xuất hiện và chữa lành nhân vật chính, điều tương tự không đến với người xem. Điều này giống như khi bạn đã quá quen ăn các thực phẩm chế biến sẵn, não bộ bạn sẽ đánh đồng "đồ ăn lành mạnh" bằng "nhạt nhẽo", "không ngon",... dù thực tế không phải vậy.
Khó để một người quen ăn thực phẩm ăn liền tiếp cận đồ ăn lành mạnh, cũng giống như khó khôi phục niềm vui thưởng thức phim của những khán giả quen xem review dạo - nhưng không phải không thể!
Nhiệm vụ của một bộ phim hay là khiến khán giả đồng cảm, chứ không đánh đố người xem. Chỉ cần bỏ dần thói quen xem các clip tóm tắt phim, để chúng tự "chết" vì không còn khách hàng, điện ảnh sẽ trở lại vai trò và cốt cách vốn có.
Nguồn: TH&PL