"Tôi nhận ra rằng, khi nghề nghiệp của mình bị lên án như vậy thì bản thân tôi càng muốn làm những điều tử tế để khán giả thấy, trong lĩnh vực của chúng tôi vẫn có những điều tốt đẹp, những người đàng hoàng, tử tế" - NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
01/01/2022 - Ngày đầu tiên của năm mới, suy ngẫm về năm cũ. Thấm thoát đã 365 ngày trôi qua, một năm chắc hẳn có nhiều biến động với mọi người vì chúng ta đã cùng trải qua những điều “rất ngoại lệ”. Kết thúc một năm - có điều đã làm được - có điều còn dang dở - có điều còn tiếc nuối, nhưng không sao cả, mong bạn hãy đón nhận mọi thứ một cách trọn vẹn và hân hoan nhất nhé. Reply #haikhonghaimot
2021 - Có lẽ là một bài toán khó với showbiz Việt khi liên tục xảy ra những ồn ào, thị phi - Năm mà người ta gọi là "hạn" của giới nghệ sĩ - Năm mà khán giả có quyền đặt sự hoài nghi ở những người làm nghệ thuật.
Giữa rất nhiều lý do như thế, tôi có một cuộc hẹn với NSƯT Thành Lộc vào thời điểm những ngày cận kề năm mới để kịp nhìn lại về một năm 2021 đã qua. Ở đó, tôi nghe chú nói nhiều về nghề của mình, về đồng nghiệp và cả những suy nghĩ của bản thân về dòng sự kiện rối-như-tơ của showbiz Việt 2021.
- Xin chào NSƯT Thành Lộc, những ngày qua của chú thế nào?
Tôi vẫn đang trong tình trạng khởi động và chờ đợi. Mặc dù phía sân khấu biểu diễn đã được bật đèn xanh để hoạt động trở lại nhưng chúng tôi chưa dám. Chưa dám vì còn sợ. Huống chi lại xuất hiện thêm chủng mới, càng khiến chúng tôi phải dè chừng. Tôi cảm giác không an toàn cho chính mình và cả cho khán giả.
Chúng tôi cũng nghĩ, khán giả vẫn chưa sẵn sàng để mua vé, nếu hoạt động có thể khó đạt doanh thu tốt. Chính vì thế, chúng tôi chưa sẵn sàng để quay trở lại sân khấu, mọi thứ vẫn "án binh bất động". Có lẽ phải đợi đến đầu năm 2022 thì mới có thể sẵn sàng hoạt động trở lại. Hy vọng lúc đó dịch bệnh đã được giảm.
- Tính đến thời điểm hiện tại, chính xác là bao lâu rồi NSƯT Thành Lộc chưa lên sân khấu?
Đã 7 tháng kể từ thời điểm tôi ngồi đây để nói chuyện với các bạn (cười).
- Một nghệ sĩ dành cả đời cho sân khấu, cho nghề nhưng phải chịu "đóng băng" suốt 7 tháng trời. Điều này khó khăn thế nào với NSƯT Thành Lộc?
Tất nhiên bức rức lắm. Những ngày đầu, tôi nhớ công việc chứ. Cái nghề này vốn có mối quan hệ rộng nên tự nhiên phải "đóng băng" khiến tôi khó chịu, cảm thấy như mình bị tách hoàn toàn với xã hội vậy.
Chính vì lẽ đó mà trong đợt giỗ tổ vừa rồi, các anh chị em nghệ sĩ có một hoạt động họp mặt online giữa mùa dịch. Chúng tôi cùng san sẻ, kể chuyện, có nhiều đồng nghiệp đã khóc.
Tôi lĩnh hội được nhiều điều trong câu chuyện của các đồng nghiệp kể. Tôi nghe họ kể về những ngày làm tình nguyện viên mùa dịch, họ "xúng xính" trong những bộ đồ bảo hộ và những câu chuyện nhân văn góp nhặt được trong các công tác thiện nguyện.
Họ kể về những niềm vui, niềm hạnh phúc khi được tiếp tế lương thực cho người dân, được hỗ trợ y tế. Đâu đó cũng có những lúc tủi thân vì chính công việc họ làm. Đấy, chúng tôi san sẻ mọi chuyện như thế và dành sự ngưỡng mộ cho nhau.
- Vậy đồng nghiệp của chú dạo này thế nào?
Tôi mừng khi nghe một số anh em nghệ sĩ đã được hoạt động trở lại, vì họ có phim. Còn đối với các đồng nghiệp sân khấu thì đến bây giờ họ vẫn chịu cảnh "đóng băng" và làm những công việc khác, trong đó có cả việc làm shipper.
Tôi nghĩ chuyện này hoàn toàn bình thường, khi hoàn cảnh đưa chúng ta đến những điều khó khăn, bằng mọi cách chúng ta phải bươn chải để tồn tại. Đó là sự linh hoạt của con người, chứ không có một sự than vãn nào ở đây.
- Còn khó khăn của NSƯT Thành Lộc là gì?
Dĩ nhiên, tôi có khó khăn về kinh tế. Nhưng may mắn tôi thuộc thế hệ nghệ sĩ biết tích lũy cho bản thân. Nhờ vậy mà trông suốt 7 tháng qua, tôi sống nhờ vào số tiền tiết kiệm. Và tất nhiên tài khoản thì chỉ âm dần chứ không thêm gì cả.
Khi Thành phố hết chỉ thị 16, tôi nhận được một số công việc khác, cũng có đồng ra đồng vô, còn thu nhập chính về sân khấu hoàn toàn không.
- Nghệ sĩ sân khấu có đủ tài năng, bản lĩnh nhưng hầu như cả về mặt tiếng tăm và thu nhập đều khập khiễng so với diễn viên điện ảnh. Chú nghĩ sao về vấn đề này?
Không chỉ riêng ở Việt Nam mà bất cứ nơi đâu trên thế giới, người nghệ sĩ sân khấu đều có thu nhập thấp hơn một nghệ sĩ điện ảnh. Đó chính là điều tôi đã trải nghiệm qua hiểu rõ điều đó.
Một đêm diễn thành công có thể thu hút được 1000 ghế khán giả nhưng một bộ phim thành công sẽ thu về 1.000.000 vé bán trong một đêm. Chính vì thế, nghệ sĩ điện ảnh có thu nhập cao hơn nghệ sĩ sân khấu là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, ở góc độ của tôi, tôi không xem nghề nào là khổ hơn - vất vả hơn, ở mỗi vai trò đều có cái thú vị riêng.
- Điểm thú vị giữa hai sự khác biệt trên là gì?
Ở mỗi loại hình có đặc thù riêng, quan trọng nằm ở bản lĩnh nghề nghiệp của người nghệ sĩ đó. Tôi đồng ý nhận định, khi bạn diễn trên sân khấu, bạn chỉ được diễn một lần cho vở kịch của mình, thế nhưng, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho khả năng diễn xuất của bạn: ánh sáng, âm nhạc, bạn diễn,... giúp bạn dễ dàng nhập tốt vai.
Những yếu tố này lại không có khi bạn diễn xuất trước ống kính, bạn phải tập trung lấy cảm xúc một mình, âm nhạc hay ánh sáng là thứ được lồng ghép vào sau. Điều này có thể thấy, người diễn viên đứng trước ống kính đôi khi đòi hỏi họ phải có sự tập trung cao hơn.
Nghệ sĩ trước sân khấu hay trước máy quay đều có cái khó riêng. Miễn sao bạn có nội lực tốt thì mới làm tốt công việc của mình. Tôi nghĩ diễn ở đâu cũng cho mình cảm xúc hạnh phúc. Thế thôi!
- Cảm xúc hạnh phúc của NSƯT Thành Lộc khi gắn bó với sân khấu được miêu tả cụ thể thế nào?
Tôi vẫn nói mình thích diễn trên sân khấu hơn là bởi nó có rất nhiều yếu tố thiêng liêng. Tôi có thể biến hóa đa dạng hình ảnh của mình, hôm nay diễn thế này, ngày mai diễn kiểu khác, tôi nhận được hiệu ứng trực tiếp từ khán giả, tôi được tung hứng nét diễn xuất của mình.
Có thể, tôi là người "tham lam", nhưng tôi thích sàn diễn của mình chỉ gói gọn trong vài ba mét vuông, người xem tôi diễn chỉ có vài chục người và tôi thích tận hưởng không khí khán giả chiêm ngưỡng mình trực tiếp hơn là qua màn hình. Tôi thích cảm giác được hòa mình vào ánh đèn sân khấu hơn là sự khô khốc của phim trường, của tiếng máy quay rè rè.
Khoảnh khắc khi 2 tấm màn sân khấu được vén ra để gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với khán giả vô cùng đẹp trong mắt tôi. Khoảng cách giữa cánh gà và sân khấu chỉ có một gang tấc, nhưng nó thiêng liêng lắm. Ở cánh gà chính là con người thật của mình nhưng khi bước qua ranh giới của sân khấu thì mình là người của vai diễn, người của khán giả. Sân khấu cho tôi một sự phiêu lưu tâm hồn nhiều hơn.
- Rõ ràng chúng ta có thể thấy, về mặt tài chính một nghệ sĩ sân khấu chịu thiệt thòi hơn so với một diễn viên điện ảnh, Thành Lộc có bao giờ nghĩ, giá mà mình lựa chọn gắn bó với việc đóng phim nhiều hơn thì có thể cải thiện tài chính cho bản thân?
Tôi thấy suy nghĩ này cũng đúng. Điển hình như việc trong 7 tháng qua, tôi sống hoàn toàn nhờ vào tiền tích lũy từ việc đóng phim điện ảnh. Còn về mảng sân khấu thì hoàn toàn thua, đây là thực tế.
Chính vì thế, tôi không dám so sánh diễn ở đâu mang lợi ích hơn. Mỗi công việc sẽ cho tôi cảm xúc thăng hoa riêng, lợi ích riêng nhưng việc gắn liền với sân khấu thì nó đồng hành với tôi cả đời rồi. Tôi không lấy giá trị vật chất để "cân đo đong đếm".
- Nhắc đến bất kỳ vở kịch sân khấu nào, người ta luôn kỳ vọng sẽ có sự tham gia của Thành Lộc, thậm chí, người ta còn khẳng định, không cần biết vở kịch đó hay - dở nhưng có sự tham gia của Thành Lộc thì tất nhiên sẽ hay. Việc luôn được mọi người kỳ vọng và đặt niềm tin, áp lực thế nào với chú?
Tôi hạnh phúc lắm chứ, người ta đến rạp và mong chờ sự xuất hiện của mình thì chứng tỏ Thành Lộc đã trở thành thương hiệu với khán giả. Và song song cũng là trọng trách của mình.
Đâu đó tôi cũng từng nghe, không biết vở diễn đó "hay hoặc dở" miễn có Thành Lộc, đó là vở kịch đáng xem. Có thể tôi có lòng tin với khán giả trong việc tạo ra sản phẩm nhưng đó là một quá trình dài để xây dựng.
Điều này giống như việc bạn lựa chọn mua nước hoa, có thể mùi hương đó bạn không cảm thấy thích nhưng thương hiệu đó luôn luôn tạo niềm tin để bạn chọn lựa.
- Còn áp lực về vai chính - vai phụ thì sao?
Chất lượng vai diễn tạo nên thành công chứ không nằm ở việc vai chính- vai phụ. Nói nhớ câu nói của một bậc thầy người Nga - K.S. Stanislavski: "Không có vai diễn lớn chỉ có người diễn viên nhỏ bé mà thôi". Khi bạn được phân cho bạn một vai diễn chứng tỏ bạn hợp với nó chứ không phải vì bạn là một đại tài tử hay một nghệ sĩ lớn.
Bước vào nghề này, dù là vai lớn hay vai nhỏ đều phải cố gắng làm cho hay. Nếu chẳng may vở diễn đó không hay ít ra khán giả cũng phải tìm được nét nổi bật từ vai diễn của bạn. Dù là sản phẩm nghệ thuật nhưng chúng tôi bán vé mà, khán giả bỏ tiền để mua vé thì phải có cái hay.
- Theo Thành Lộc, sự tương giao của nghệ sĩ và khán giả được thể hiện như thế nào?
Tôi muốn miêu tả mối quan hệ này bằng cụm từ "chúng tôi cần nhau". Khán giả tìm đến một sản phẩm nghệ thuật vì có nhu cầu hưởng thức, khai sáng tâm hồn. Ngược lại, chúng tôi cần có khán giả đến với sản phẩm của mình. Tôi nghĩ, đó là một mối tương quan rất chặt chẽ của các thành tố để tạo nên xã hội - Chúng ta cần nhau.
Khán giả cảm ơn vì chúng tôi đã sáng tạo ra những giá trị tinh thần, sản phẩm nghệ thuật. Và chúng tôi tri ân, biết ơn vì khán giả đã tìm đến mình.
- Có vẻ như mọi thứ đang diễn ra rất thơ, rất đẹp trong mắt NSƯT Thành Lộc, tuy nhiên, nó có bao giờ bớt đẹp trong mắt chú?
Thật ra không hẳn là bớt đẹp, nhưng có từng làm tôi tổn thương không, thì chắc chắn có. Chúng ta nói với nhau về những điều lý tưởng nhưng để có được những điều lý tưởng này, chúng ta luôn luôn phải tự hoàn thiện mình.
Phải có những tổn thương, những va chạm trong hành trình đi tìm những điều lý tưởng thì mọi thứ mới đẹp, mới thơ được. Tất nhiên, trong sự nghiệp của tôi, đôi lần cũng gặp những khán giả không lý tưởng nên vô tình làm tổn thương nhau.
Chúng tôi cũng có những người nghệ sĩ không thực hiện tốt sản phẩm của mình, không hoàn thiện bản thân nên khiến mất lòng tin nơi công chúng. Và khi đã khiến công chúng mất lòng tin thì đồng nghĩa với việc người ta sẽ đào thải mình. Đây là chuyện mà nghệ sĩ phải đương đầu.
- Trong năm 2021 showbiz Việt "dấy" lên không ít những ồn ào, thị phi, từ đó khiến công chúng hoài nghi lòng tin dành cho nghệ sĩ. Là một "cây đa - cây đề" trong nghề, chú nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Tôi thích mình đứng ở góc độ trung gian hơn để nhìn nhận vấn đề. Nghề nghệ sĩ vốn có tính đặc thù riêng nên luôn đứng ở trung tâm của vùng sáng, "nhất cử nhất động" của chúng tôi luôn được khán giả soi rất rõ.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn là người bình thường mà, có ưu – khuyết điểm, môi trường làm nghệ thuật vẫn có người xấu – người tốt. Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy thôi, đều có thành phần xấu, tuy nhiên, công việc của họ không đứng trong ánh sáng hào quang nên họ an toàn, còn chúng tôi thì không. Chính vì thế, tôi nghĩ khán giả nên công bằng với nghệ sĩ hơn.
Khán giả luôn đánh giá chúng tôi bằng việc, nghệ sĩ phải là người hoàn hảo nhưng thực chất chúng tôi cũng là người bình thường. Nghệ sĩ có đam mê, có khát vọng và cả tham vọng. Thậm chí, khi sự tham vọng lấn át có thể khiến họ sẽ làm những việc đáng lên án. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói, ai làm sai thì phê phán người đó chứ đừng lên án nghề nghiệp của họ hay cả tập thể nghệ sĩ.
"Một doanh nghiệp làm sai đâu thể lên án một đám doanh nghiệp – Một bác sĩ làm sai chúng ta không thể phê phán cả một đám lương y".
Cho nên bây giờ người ta cứ nói "Nghệ sĩ toàn là lừa đảo" thì oan cho chúng tôi quá. Ai làm sai thì lên án người đó thôi.
- Thành Lộc giải oan điều này như thế nào?
Tôi lựa chọn chấp nhận. Nhưng tôi nhận ra rằng, khi nghề nghiệp của mình bị lên án như vậy thì bản thân tôi càng muốn làm những điều tử tế để khán giả thấy, trong lĩnh vực của chúng tôi vẫn có những điều tốt đẹp, những người đàng hoàng, tử tế.
Chắc chắn, tôi có tổn thương chứ nhưng tôi không thể lên tiếng vì nghề mình là vậy rồi. Điều tôi mong là thời gian có thể thay đổi cách nhìn nhận của mọi người. Tuy nhiên, tôi tin rằng, không phải ai trong xã hội cũng có cách nhìn tiêu cực như vậy, chỉ có một số thành phần đang thao túng xã hội thôi.
Có thể vì sự phát triển của mạng xã hội, con người ta bắt đầu cho mình cái quyền thể hiện quan điểm cá nhân, từ đó mới có những thành phần lôi kéo xã hội để nhìn nhận sai vấn đề.
- Chú bắt đầu chấp nhận từ khi nào?
Từ khi tôi dấn thân vào nghề. Gia đình tôi vốn có truyền thống làm nghệ thuật nên tôi hiểu rõ, xã hội từ thời phong kiến đến giờ, người ta luôn "ngưỡng mộ" song hành "thành kiến" với các nghề này.
Chính vì thế, bản thân tôi luôn giữ sự tự trọng trong nghề nghiệp, trọng bản thân mình và trọng nghề để khán giả sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về giới nghệ sĩ. Riêng về lùm xùm trên mạng, tôi luôn cố gắng gạt sang một bên để không phải nhọc lòng suy nghĩ.
- Khi nhắc đến một nghệ sĩ có cuộc đời thanh bạch người ta thường nghĩ ngay đến NSƯT Thành Lộc? Bản thân mình được đặt niềm tin như thế, chú có cảm thấy áp lực?
Tôi chỉ là một người bình thường và cũng có những nhược điểm riêng của bản thân. Tuy nhiên, tôi luôn muốn vươn mình để hướng tới những cái điều tốt đẹp nhất, hoàn thiện bản thân hơn.
Tôi không dám nhận mình là người hoàn hảo, tuy nhiên, tôi thích tất cả mọi người đến với nhau bằng cái tâm hướng thiện, để cuộc sống luôn vui vẻ.
- Lời khuyên của chú dành cho thế hệ trẻ trong việc giữ "tự trọng" với nghề?
Đối với tôi, việc cho lớp trẻ lời khuyên có vẻ khó. Giữa thế hệ của tôi và các bạn trẻ có nhiều sự khác nhau, động cơ đến với nghề cũng khác nhau. Tôi không dám cho lời khuyên nhưng tôi cũng mừng vì được trở thành nguồn cảm hứng với một số bạn trẻ làm nghề.
Thế hệ của tôi, chúng tôi đến với nghệ thuật đều có lý tưởng – không quan tâm đến vấn đề danh vọng và quyền lợi vật chất nhiều. Còn thời đại bây giờ, tôi không biết nên khuyên gì, đôi khi một số người không hiểu lại nói mình là ông già lẩn thẩn, bị cỗ hữu.
Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ bước vào con đường nghệ thuật này vì tôi, vì từng ngưỡng mộ tôi thì hãy cứ giữ vững đam mê. Đam mê nghệ thuật trước rồi hãy đam mê mình sau.
Tôi xin phép được nhắc tiếp câu nói của Stanilapxki: "Hãy yêu nghệ thuật trong mình chứ đừng yêu mình trong nghệ thuật". Thời đại mọi thứ sẽ khác, khi làm nghề các bạn có quyền nghĩ đến quyền lợi vật chất, giá trị thụ hưởng nhưng đừng bao giờ bán rẻ tâm hồn của bản thân.
- Hoài bão lớn nhất của NSƯT Thành Lộc với nghệ thuật là gì?
Tôi muốn mình có nhiều sức khỏe, tuổi tác có thể lên cao nhưng sức khỏe phải tốt. Tôi nhận thức được giá trị bản thân – người truyền lửa cho các thế hệ trẻ yêu mến mình. Chính vì lẽ đó, tôi vẫn muốn mình được khỏe mạnh để tiếp lửa cho các bạn. Thậm chí, tôi rất mừng nếu có nhiều nghệ sĩ trẻ vượt mặt Thành Lộc.
Nói một cách thẳng thắn, hoài bão của tôi là muốn mình được sống dai – sống lâu – có nhiều sức khỏe để làm nhiều sản phẩm tử tế. Tôi mong thế hệ trẻ cũng có thể giữ vững đam mê với nghề, cống hiến với nghề.
- Ở tuổi 60, Thành Lộc vẫn lựa chọn cuộc sống độc thân và hài lòng theo cách riêng. Liệu có một sự buồn tủi nào mà khán giả chưa được biết?
Tôi thấy mình đang hạnh phúc lắm chứ. Đừng ai thấy Thành Lộc khổ hay "tội nghiệp" gì cả. Mọi người mà thấy "tội nghiệp" tức là đang tổn thương tôi đó. Thay vào đó, các bạn nên mừng vì nền nghệ thuật vẫn tồn tại một nghệ sĩ tuổi 60 nhưng vẫn hết mình cống hiến với nghề.
Tôi nhớ mình từng đọc một bài chia sẻ của người bạn viết về tôi, anh ấy viết: "Phát hiện các nếp nhăn bắt đầu hằn trên trán của Thành Lộc, tuổi già đang đến với Thành Lộc và cảm thấy thương xót".
Đọc được dòng chia sẻ đó, tôi giận lắm. Tại sao phải thương xót trong khi tôi thấy cuộc sống của mình rất tốt. Lẽ ra anh ấy nên xem sự lạc quan, yêu đời của tôi là nguồn cảm hứng tiếp lửa nghề mới đúng chứ. Tại sao phải thương hại tôi, tôi không cần điều đó.
Mọi người cứ phải mặc định ở tuổi của tôi cần phải có một gia đình trọn vẹn, có vợ, có con và phải an phận thủ thường, nhưng nếu tôi làm điều đó tức là nghệ thuật sẽ thiệt thòi.
Tôi cũng không thấy mình nghèo, thu nhập của tôi có thể thấp hơn nhiều nghệ sĩ khác nhưng tôi không nghèo. Tôi không đặt giá trị vật chất lên cuộc đời mình, nên đối với tôi bây giờ mọi thứ rất ổn định.
- Điều tiếc nuối đối với chú là gì?
Tôi tiếc nuối hai chữ "thời gian". Thời gian trôi đi một cách vô tư đến mức cho người ta thấy nó quá vô tâm. Nó trôi nhanh nên tôi cảm giác chưa làm hết những điều mình mong mỏi.
Điển hình như 2 năm qua, tôi đổ lỗi một phần do dịch bệnh cứ kéo dài khiến tôi phải hoãn lại rất nhiều công việc, đôi khi khiến tôi bị thoái chí.
- Trải qua biến cố dịch bệnh hơn 2 năm qua, Thành Lộc nhận ra giá trị gì cho bản thân?
Thành thật mà nói, tình hình dịch bệnh thế này khiến tôi vẫn còn e dè lắm. Tuy nhiên, tôi phải lạc quan, sự lạc quan của mình còn cần thiết cho người kế bên nữa. Điều tôi đau buồn nhất là dịch bệnh đã ảnh hưởng quá nặng nề với kinh tế, đời sống của tất cả mọi người.
Trải qua biến cố dịch bệnh, tôi luôn tâm niệm mình không nên bất hòa, đôi co hay lớn tiếng với ai nữa. Bây giờ có chuyện gì khiến tôi giận, tôi đều sẽ bỏ qua. Tôi quý trọng các mối quan hệ hơn.
- Dự định mà NSƯT Thành Lộc vẫn đang ấp ủ?
Tôi muốn làm đạo diễn thêm một vở kịch, trước đó, tôi còn dang dở vở Thiên Nga – vở diễn được nhiều khán giả đón nhận nhưng do dịch nên phải ngưng. Năm nay cũng là kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu nên tỉnh Bến Tre sẽ làm rất lớn sự kiện văn hóa này, chúng tôi cũng sẽ cố gắng phục dựng vở kịch Thiên Nga để chuẩn bị cho sự kiện.
- Điều gì khiến nghệ sĩ Thành Lộc ở tuổi 60 nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời như thế?
Có lẽ một phần do tôi độc thân, tôi không vướng bận chuyện vợ con, chuyện cơm áo gạo tiền như bao người. Tôi có thể nói luyên thuyên về lý tưởng nghệ thuật vì tôi không vướng bận chuyện gia đình của mình.
- Cảm ơn những chia sẻ của NSƯT Thành Lộc về buổi trò chuyện!
Nguồn:TH&PL