Hà Nội luôn là một trong những đề tài xuyên suốt trong âm nhạc của cố nhạc sĩ Phú Quang.
"Tôi yêu Hà Nội cực đoan"
Chính tình yêu có phần cực đoạn này của nhạc sĩ Phú Quang, đã làm nên rất nhiều giai điệu đẹp về Hà Nội, mà có lẽ, bất kỳ người con nào của Hà Nội cũng yêu nơi này, họ tự hào và đồng cảm hơn với các ca khúc của ông.
Cố nhạc sĩ Phú Quang khi được hỏi lý do viết về Hà Nội nhiều đến thế đã trả lời rằng: "Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Tôi viết nhiều về Hà Nội vì rất đơn giản thôi, tôi coi Hà Nội là quê hương của mình".
Trong kho tàng 600 ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang đã đưa vào chất tình, chất thơ của Hà Nội theo góc nhìn của mình, những ca khúc ấy không chỉ có sức sống nhất thời mà nó tồn tại mãi theo thời gian, khi lắng nghe giai điệu đẹp ấy, những ca khúc này vẫn không làm khán giả cảm thấy nó đã xưa cũ.
Những ca khúc như: Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Hà Nội và em khi thu chớm đông sang...và tất nhiên không thể không kể đến Nỗi nhớ mùa đông.
Mùi của Hà Nội, níu chân những kẻ yêu thương tha thiết
Một trong các sáng tác nổi bật của Phú Quang, được phổ nhạc từ thơ Phan Vũ: Em ơi, Hà Nội phố là điển hình của nỗi nhớ quê hương. Nhạc sĩ Phú Quang rời Hà Nội năm 37 tuổi, sau 3 tháng vào Sài Gòn, ông tha thiết được quay trở về quê hương, và khi lắng nghe bài thơ từ nhà thơ Phan Vũ, ông đã rất xúc động.
Những khổ thơ mà ông phổ nhạc gợi một cảm giác da diết, yêu thương như một kẻ si tình, mà tình yêu đó dành riêng cho Hà Nội.
"Em ơi, Hà Nội phố.
Ta còn em mùi Hoàng Lan.
Ta còn em mùi Hoa Sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ.
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm..."
Mở lời bằng những điều rất đặc trưng của Hà Nội, những mùi hương không thể tìm ở một nơi nào khác và cách gọi Hà Nội là "em" đã khiến nhiều khán giả cảm thấy bồi hồi. Người con xa quê hương, tìm kiếm nỗi nhớ của mình và gợi tả nỗi nhớ ấy bằng chính những từ ngữ cụ thể nhất, Hà Nội như một người tri kỷ rất nên thơ và thanh lịch khi "chờ đợi" những người xa xứ quay về.
Em ơi, Hà Nội phố là ca khúc khắc hoạ nhiều hình ảnh văn học, mỹ thuật, lời thơ đẹp như một bức tranh, một ký ức của người nghệ sĩ về một Hà Nội những năm bom đạn, còn chất nhạc tô điểm thêm nỗi nhớ của một người xa quê, khao khát được quay về với tình yêu của mình.
Hà Nội, nơi có những mùi hương, hình bóng quen thuộc những điều mà "người nghệ sĩ lang thang" bị níu chân, trái tim luôn có một tình yêu cháy bỏng.
"Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng trải qua thời niên thiếu và cả một quãng đời tuổi trẻ ở đất Hà thành, tôi yêu Hà Nội vì đó là một phần máu thịt cuộc đời tôi, làm nên cốt cách và âm nhạc của tôi", cố nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ như thế trong một bài phỏng vấn.
Người yêu Hà Nội, đã mất vào một ngày mùa Đông
"Chiếc lá thu vàng đã rụng,
Chiều nay cũng bỏ ta đi..."
Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang làm nhiều người gợi nhớ đến ca khúc Nỗi nhớ mùa đông, đây cũng là ca khúc mà nhạc sĩ sáng tác khi đang ở Sài Gòn. Ông bắt gặp được những dòng thơ từ Không đề gửi mùa đông của thi sĩ Thảo Phương, thêm ca từ và hoàn thiện sáng tác này.
"Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa Đông Bắc se lòng
Chiếc lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi"
Những ca từ rất nên thơ vẽ nên một ký ức mơ hồ "dường như", về điều đang hiện lên rõ ràng trong tâm trí người nhạc sĩ, nhưng chẳng thể nào chạm tay vào.
"Làm sao về được mùa Đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về"
Đoạn điệp khúc của Nỗi nhớ mùa đông đã thể hiện rõ hơn cảm xúc da diết, khát khao mãnh liệt của nhạc sĩ Phú Quang trở về nơi có một mùa đông rất thơ với "dòng sống đôi bờ cát trắng", tiếng chuông chiều xa vắng...
Xuyên suốt bài hát, nhạc sĩ đã khéo léo đưa nỗi nhớ từ chỗ mơ hồ đến tận cùng, những hình ảnh ngày càng rõ nét hơn về Hà Nội - nơi nắm giữ trái tim ông. Để rồi không chỉ có những người xa quê hương mà ngay cả những ai đang ở Hà Nội cũng thấy thêm yêu hơn không khí này, tuy lạnh nhưng rất đáng để tận hưởng.
Suốt cuộc đời, ông say mê với vẻ đẹp phong cảnh và cốt cách của con người Hà Nội, để rồi biến những thứ đó thành lời ca và những giai điệu, nhạc sĩ Phú Quang đã có những cống hiến lớn cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật của Hà thành và cả đất nước.
Xin cúi đầu chào tạm biệt người nghệ sĩ tài hoa. Ông vẫn sẽ sống mãi trong lòng những người mộ điệu, bằng thứ âm nhạc dung dị, chân thành và thật lòng của mình.
Nguồn: TH&PL