Cơn sốt vé của 'Đào, phở và piano', bộ phim lịch sử được nhà nước đầu tư 20 tỉ đồng, đặt ra nhiều vấn đề về phát hành phim do nhà nước đặt hàng.
Phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn, được đầu tư kinh phí 20 tỉ đồng, do Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đặt hàng, Công ty CP Phim truyện 1 sản xuất.
Phim hay, khán giả muốn xem cũng… chịu
Phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946 đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội với câu chuyện tình yêu của anh dân quân (Doãn Quốc Đam đóng) và cô tiểu thư (Cao Thùy Linh đóng). Tham gia diễn xuất còn có NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, ca sĩ Tuấn Hưng...
Phim khởi chiếu từ mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 10-2) với hình thức bán vé duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Sau hơn 1 tuần lặng lẽ, Đào, phở và piano đột ngột gây sốt khi một số khán giả có những bài viết và bình luận tích cực trên mạng xã hội. Những bài khen này nhanh chóng được quan tâm, chia sẻ đến mức trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị quá tải do lượng người đặt mua vé xem phim này.
Trung tâm phải tăng từ 3 suất chiếu lên 18 suất/ngày. Theo Box Office Việt Nam, doanh thu của Đào, phở và piano tính đến ngày 20-2 là hơn 505 triệu đồng. Riêng ngày 20-2, phim thu về hơn 166 triệu đồng, bán được 3.322 vé với 16 suất chiếu.
Box Office Việt Nam cho rằng Đào, phở và piano là trường hợp đặc biệt nhất khi chỉ chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và tạo nên cơn sốt phòng vé.
"Tắc" ở khâu phát hành phim
Trước khi bộ phim được phát hành vào dịp Tết Giáp Thìn, Bộ VH-TT-DL đã có Quyết định số 316 /QĐ- BVHTTDL ngày 6-2-2024 phê duyệt kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, với phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, mục tiêu hướng đến là phải tối ưu hóa các phương thức phát hành phổ biến như trong rạp chiếu phim, trên không gian mạng, các địa điểm chiếu phim công cộng; tuyên truyền trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, cân đối giữa 2 nhiệm vụ chính trị và phát hành thương mại, doanh thu từ bán vé sẽ được nộp vào ngân sách.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng phát hành, phổ biến các phim có chủ đề, nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc có bối cảnh quay tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trên sóng truyền hình từ quý II/2024 đến hết ngày 30-12-2025. Cục Điện ảnh sẽ gửi công văn, ký thỏa thuận hợp tác với các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình trên toàn quốc.
Với quyết định này, có thể hiểu quan điểm của cơ quan quản lý là phim do nhà nước đặt hàng chủ yếu đáp ứng yêu cầu tuyên truyền. Đó cũng là lý do phim thiếu quảng bá, chưa quan tâm phát hành ở hệ thống rạp. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng không phải Bộ VH-TT-DL không muốn phổ biến phim rộng rãi mà do các phim sử dụng ngân sách như Đào, phở và piano bị vướng cơ chế, chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất chứ không có tiền cho quảng bá, phát hành.
Hệ thống rạp lớn hầu hết là của tư nhân hay liên doanh với nước ngoài nên muốn phát hành ở các rạp đó thì phim phải phân chia lợi nhuận, nhưng doanh thu của phim do nhà nước đặt hàng lại phải nộp vào ngân sách. Đến nay vẫn chưa có quy định về trích tỉ lệ % phát hành phim do nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp.
Đừng để lãng phí
Cơ chế này cho thấy dù giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam 2023 ở TP Đà Lạt nhưng Đào, phở và piano lại được rất ít người biết. Trước đó, buổi chiếu ra mắt phim tại Hà Nội vào tháng 9-2023 cũng khá âm thầm. Một đạo diễn cho rằng nút thắt đáng tiếc của việc phát hành phim do nhà nước đặt hàng cần phải được tháo gỡ để phim hay đến được với khán giả, thay vì xếp kho như những năm qua.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, cho rằng vấn đề vướng mắc lâu nay là chưa có cơ chế bảo đảm cho các bên liên quan đều có lợi ích khi phát hành phim do nhà nước đặt hàng dẫn đến gặp khó khi đưa phim ra rạp.
"Cần có chính sách khuyến khích để có thêm các công ty phát hành, rạp chiếu, kể cả tư nhân và nước ngoài, tham gia tích cực hơn vào việc phát hành phim do nhà nước đặt hàng. Chỉ có như vậy, các tác phẩm này mới không bị lãng phí về đầu tư, đồng thời quảng bá những giá trị nhân văn, lịch sử cách mạng đúng với mong muốn đặt hàng của nhà nước" - PGS-TS Sơn khẳng định.
Khuyến khích tư nhân phát hành phim nhà nước đặt hàng
Ngay sau khi Đào, phở và piano gây sốt, Cục Điện ảnh đề xuất Bộ VH-TT-DL phát hành phim rộng rãi trên toàn quốc. Đã có 2 cụm rạp là Beta Media và Cinestar chủ động liên hệ với cơ quan chức năng bày tỏ nguyện vọng được chiếu Đào, phở và piano tại các cụm rạp của mình. Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group, cho hay toàn bộ các chi phí liên quan trong quá trình chiếu phim sẽ do công ty chịu trách nhiệm. Tất cả doanh thu bán vé Beta Group sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi các cụm rạp do nhà nước quản lý thì có thể nộp toàn bộ doanh thu vào ngân sách, trong khi các rạp chiếu phim tư nhân phải đầu tư nhiều chi phí để vận hành. Vì vậy nhà phát hành không thể chiếu phim "không công" cho nhà nước mãi và nếu phim do nhà nước đặt hàng được chiếu thương mại thì cũng cần trích tỉ lệ % cho đơn vị phát hành.
Nguồn: NLD