Điểm thu hút của Metaverse là xóa nhòa khoảng cách giữa thực và ảo. Để hiện thực hóa điều này, các nhà phát triển cần kết hợp với các công nghệ như AI và blockchain.
Từ khi Mark Zuckerberg đề cập đến Metaverse trong hội nghị Facebook Connect, cụm từ này đã trở thành cơn sốt trên toàn thế giới. Dù vậy, mọi người khó có thể hình dung Metaverse là gì và tiềm năng của nó to lớn đến thế nào. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng Metaverse là một nơi giao nhau giữa cuộc sống ảo và thực thông qua kết hợp giữa công nghệ VR, AR.
Nhưng trải nghiệm trong Metaverse sẽ chân thực đến mức độ nào? Nền tảng "siêu thực" mới này sẽ là gia vị mới trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, hay nó còn biến đổi cả thực tế? Dù vẫn còn xa đến lúc Metaverse phổ biến, đã đến lúc chúng ta buộc phải nhìn lại và đặt câu hỏi: đâu là giới hạn của Metaverse?
Kể từ khi TV và truyền hình trực tiếp xuất hiện, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Khái niệm "siêu thực" cũng xuất hiện lúc đó, khi một thực tại được mô phỏng lại khó có thể phân biệt với thực tế. Khi chiến tranh vùng Vịnh diễn ra tại Trung Đông, ở từng hộ dân trên khắp thế giới cũng có một phiên bản "siêu thực" của cuộc chiến này, được chiếu trực tiếp thông qua màn hình TV.
Ngày nay, mỗi lần xem một bộ phim bom tấn với CGI và VFX chất lượng cao là mỗi lần chúng ta trải nghiệm cảm giác "siêu thực". Để có được những thước phim sống động trong vài phút, các chuyên gia VFX phải mất hàng tháng trời với chi phí khổng lồ để tạo dựng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của AI, việc tạo những nội dung siêu thực như thế đã trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể chụp một tấm ảnh rồi dùng app tích hợp AI để hoán đổi khuôn mặt hay "trẻ hóa" bản thân. Dù chỉ mới ở những bước đầu nhưng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người bình thường cũng có thể tự tạo một bộ phim hay game có nhân vật chính là bản thân.
Trong 10 năm tới, các chuyên gia dự đoán Metaverse sẽ phát triển theo hướng là nền tảng trải nghiệm nhập vai trong môi trường ảo siêu thực với những avatar giống hệt chúng ta. Tuy nhiên hiện tại gần như tất cả avatar hay không gian trong Metaverse đều do người tạo ra. Những món đồ trong Metaverse có thể sinh động, nhưng nó vẫn không giống thứ chúng ta có trong thế giới thực. Người ta có thể tạo ra một avatar theo ý thích và là bất cứ ai ta muốn trong Metaverse, đây là một điểm đáng chú ý của vũ trụ ảo này. Tuy nhiên, về lâu dài, tính chân thực vẫn là điểm thu hút người dùng.
Để mở rộng trải nghiệm và cá nhân hóa nội dung trong Metaverse, những nhà phát triển nên kết hợp với mô hình AI. Trí tuệ nhân tạo sẽ thu thập dữ liệu từ thế giới thực để tạo nên các nội dung chân thực hơn trong Metaverse.
"Siêu thực" có thể là mảnh ghép còn thiếu trong việc thu hút hàng tỷ người bình thường sử dụng Metaverse. AI có thể nhanh chóng tạo ra những nội dung hấp dẫn, sâu sắc mà vẫn mang tính đặc biệt cho từng người trong số hàng tỷ người dùng Internet. Những người sáng tạo nội dung không bao giờ có thể tạo ra đủ avatar hay các trải nghiệm siêu thực cho chừng ấy người. Do đó, AI là mấu chốt trong tiến trình biến Metaverse thành một phần trong cuộc sống của con người.
Một Metaverse "siêu thực" sẽ đầy tiềm năng nhưng cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức. Đầu tiên và cũng quan trọng nhất, Metaverse phải nằm dưới quyền kiểm soát của từng cá nhân. Chúng ta không thể kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình trên những nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay như Facebook, Instagram, Tiktok,... Tuy nhiên, trong Metaverse, mỗi người dùng phải được sở hữu và kiểm soát những dữ liệu sinh trắc học cá nhân khi tạo ra phiên bản siêu thực của họ trong vũ trụ ảo.
Để thúc đẩy điều này, những công nghệ blockchain như NFT là mắt xích quan trọng. Bằng cách liên kết avatar và dữ liệu sinh trắc học của bản thân với ví blockchain, chúng ta có thể kiểm soát danh tính của mình trong Metaverse. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng trong kỷ nguyên số mới, người dùng sẽ được làm chủ dữ liệu cá nhân và Metaverse sẽ là một phần không thể thiếu của kỷ nguyên đó.
Nguồn:TH&PL