Việc hai Á hậu Phương Nhi và Đặng Thanh Ngân được gọi là Hoa hậu trước khi đại diện Việt Nam đi thi quốc tế được nhiều người quan tâm. Netizen chia nhiều luồng dư luận khi các đơn vị tổ chức lập lờ, đánh tráo các khái niệm danh xưng.
Giá trị của danh xưng Hoa hậu đã thay đổi ít nhiều trong bối cảnh mở cửa hiện tại. Tuy nhiên, số đông vẫn đồng tình danh hiệu này chỉ nên được ghi nhận khi một cô gái đó giành chiến thắng cuộc thi sắc đẹp có quy mô xứng tầm.
Thực trạng này càng khiến các danh hiệu càng trở nên mất giá trị bởi sự bát nháo, lộn xộn - vốn đã tồn tại trong các cuộc thi nhan sắc thời gian qua.
Nội dung liên quan
Thực tế trên thế giới, việc một người đẹp đại diện quốc gia đi thi sắc đẹp quốc tế được gọi là "Miss" (Hoa hậu) không phải chuyện hiếm và cũng không gây tranh cãi.
Ví dụ, người đẹp Luiseth Materán đại diện Venezuela tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2021 ở Israel. Trên các phương tiện truyền thông quốc tế, cô sẽ được gọi là Miss Universe Venezuela 2021.
Luiseth Materán chỉ lọt top 5 tại Miss Venezuela 2020 nhưng việc cô được gọi là Hoa hậu Hoàn vũ Venezuela lại không gây tranh cãi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này có phần khắt khe hơn. Các người đẹp chỉ được gọi bằng Hoa hậu nếu họ đăng quang một cuộc thi nhan sắc quy mô ở trong nước. Việc các đại diện đi thi quốc tế tự phong mình là Hoa hậu ít có tiền lệ.
Ví dụ, Á hậu Hoàng Thùy đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2019 nhưng cho đến nay cô vẫn chỉ được gọi là Á hậu - danh xưng cô đã giành được ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Kim Duyên đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Siêu quốc gia 2022 và giành ngôi Á hậu 2 nhưng khi về nước cô vẫn chỉ được gọi là Á hậu.
Trước đây, trường hợp của siêu mẫu Minh Tú tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2018 cũng gây tranh cãi với việc sử dụng danh xưng Hoa hậu.
Tại cuộc thi năm đó, Minh Tú vào top 10 và giành giải thưởng phụ Hoa hậu Siêu Quốc gia châu Á - Miss Supranational Asia 2018. Tuy nhiên sau khi về nước, việc Minh Tú được gọi là Hoa hậu gây tranh cãi.
Nhiều khán giả cho rằng Minh Tú chỉ đạt được giải thưởng phụ, không phải giải cao nhất của cuộc thi nên việc gọi cô là Hoa hậu không thỏa đáng. Hơn nữa, Minh Tú cũng chưa từng giành được danh hiệu Hoa hậu ở bất kỳ cuộc thi sắc đẹp trong nước.
Dễ thấy qua những trường hợp trên, khán giả Việt Nam khá khắt khe với việc sử dụng danh xưng hoa hậu ở thị trường trong nước. Nhiều người đánh giá đây là điều cần thiết để tránh làm giảm giá trị của danh hiệu cao quý này.
Thêm vào đó, Vbiz gần đây có những cuộc thi xét về quy mô, cách thức tổ chức, sự chuyên nghiệp thì cái tên "Hoa hậu" vẫn là chiếc áo quá rộng. Điển hình như những cuộc thi vốn chỉ là hoa khôi cấp vùng nay được "nâng cấp" thành Hoa hậu.
Mong muốn đạt được danh hiệu hoa hậu của các cô gái không xấu. Việc tổ chức thi hoa hậu, miễn đúng luật, cũng sẽ được chấp thuận.
Tuy nhiên, việc BTC các cuộc thi dùng những thao tác, thủ thuật... để một cô gái có được danh xưng Hoa hậu nhưng kèm theo chỉ trích, chê bai của dư luận, liệu có đáng?
Khi khán giả không ủng hộ thì danh hiệu, danh xưng "ảo" này cũng không có ý nghĩa.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL