Tranh cãi "làn sóng" quán cà phê từ chối nhận khách dưới 12 tuổi

Một quán cà phê tại Đà Nẵng ra quy định không nhận phục vụ khách hàng dưới 12 tuổi đang là đề tài bàn tán xôn xao trên các diễn đàn.

Hôm 14/12, một quán cà phê tại Đà Nẵng đã đăng tải trên fanpage về việc ngưng nhận khách dưới 12 tuổi đang thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận. Đồng thời việc ủng hộ hay không ủng hộ cách làm này cũng đang là đề tài được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

tranh cai lan song quan ca phe tu choi nhan khach duoi 12 tuoi - anh 0
Quán cà phê tại Đà Nẵng thông báo ngưng nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi.

"Vì quán không có không gian riêng dành cho trẻ em vui chơi. Vì quán sợ tiếng ré, tiếng khóc của trẻ làm ảnh hưởng đến những vị khách đến thư giãn và trò chuyện. Vì quán không có kĩ năng dỗ dành trẻ, giữ trẻ giúp các ba mẹ.Nên kể từ hôm nay quán xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi ạ. Xin cảm ơn!", toàn bộ bài đăng của quán cà phê này.

tranh cai lan song quan ca phe tu choi nhan khach duoi 12 tuoi - anh 0
Toàn bộ bài đăng gây tranh cãi của quán.

Theo đó, nhiều bình luận bày tỏ sự đồng tình với cách làm của quán vì họ có tệp khách hàng rõ ràng, muốn bảo vệ không gian cho đối tượng khách hàng mà mình hướng đến. Tuy nhiên, không ít người thể hiện quan điểm cho rằng quán thiếu tính tôn trọng người dùng, đặc biệt là câu từ sử dụng như ra lệnh chưa được khéo léo, phù hợp trong môi trường dịch vụ.

Thời gian gần đây, nhiều mô hình kinh doanh F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) lựa chọn đi theo hướng chú trọng phát triển không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng cho người dùng. Những cơ sở này hướng đến nhóm đối tượng phần lớn là học sinh, sinh viên, người đi làm, mục đích sử dụng dịch vụ của họ không chỉ để trò chuyện mà còn làm việc, học tập.

tranh cai lan song quan ca phe tu choi nhan khach duoi 12 tuoi - anh 0
Với những người thích không gian thoải mái, yên tĩnh thì quyết định hạn chế trẻ em ở độ tuổi nhất định là hoàn toàn hợp lý.

Nhiều cư dân mạng cho rằng việc quán cà phê Đà Nẵng ra thông báo không phục vụ khách dưới 12 tuổi là quyền lựa chọn trong chiến lược kinh doanh của họ. Một số phụ huynh có con nhỏ cũng thể hiện sự cảm thông với quyết định này của quán, họ hiểu được sự hiếu động của con nhỏ sẽ làm ảnh hưởng đến không gian riêng tư của những khách hàng khác.

- "Mình đồng ý với bài đăng này của quán, mình thuộc tuýp người muốn làm việc tại quán cà phê và ghét tiếng ồn. Quán đưa ra quyết định này, ai cảm thấy phù hợp thì sẽ lựa chọn còn nếu không thì thôi".

- "No kids zone (tạm dịch: Khu vực hạn chế trẻ em) là mô hình được áp dụng nhiều ở nước ngoài rồi. Mỗi mô hình kinh doanh đều có tệp khách hàng riêng, mình là mẹ bỉm nhưng vẫn đồng tình với việc làm của quán vì đôi lúc con nhỏ vô tình làm ồn mình cũng ngại thật".

tranh cai lan song quan ca phe tu choi nhan khach duoi 12 tuoi - anh 0
Trẻ em thường được bố mẹ, người thân đưa đi cùng đến các quán cà phê.

Ngược lại, nhiều người bày tỏ sự bức xúc trước nội dung bài đăng của quán cà phê này. Thay vì gay gắt và tỏ thái độ trong câu chữ như vậy thì quán nên sử dụng một cách khéo léo hơn để không làm mất lòng đôi bên. Đặc biệt quán mắc lỗi lớn trong giao tiếp khi đang hoạt động trong ngành F&B.

- "Mình có thể hoàn toàn đồng ý việc quán từ chối nhận khách dưới 12 tuổi nhưng cách thông báo thế này không thể chấp nhận được. Không khác gì bài đăng dằn mặt khách hàng cả, thật thiếu tôn trọng. Những câu cơ bản như 'mong quý khách hàng thông cảm về sự bất tiện này', 'hy vọng có thể phục vụ quý khách một cách tốt nhất',... cũng không có thì quán hơi dở rồi".

- "Quán có thể không nhận khách dưới 12 tuổi đó là tuỳ thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi quán. Tuy nhiên, hoạt động ở ngành F&B quán cần phải hiểu khách hàng là thượng đế mà cách viết bài như 'giận hờn', 'trách móc' khách như vậy thì không chấp nhận được".

Mô hình "No kid zone" đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới trước đó. Tại các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc,... họ đều khoanh vùng và phát triển loại hình kinh doanh có giới hạn độ tuổi nhất định nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Ngoài ra, một số nước ở châu Âu cũng phát triển mô hình "Adult-only" - khu vực chỉ dành cho người lớn và khá được ưa chuộng. 

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ