TOÀN CẢNH: Một tuần truyền thông nói về các cuộc thi hoa hậu!

Từ scandal của Miss World Vietnam 2023 - Huỳnh Trần Ý Nhi, câu chuyện về các cuộc thi hoa hậu đang trở thành "điểm nóng" trên các diễn đàn, mạng xã hội và báo chí.

“Bội thực” hoa hậu

Theo Thanh Niên, sự phản ứng dữ dội của cư dân mạng với hoa hậu Ý Nhi trong thời gian qua là hệ quả từ thực trạng công chúng đã "bội thực" với quá nhiều cuộc thi hoa hậu gần đây, cũng như quá "ngán ngẩm" với những mỹ từ dành cho người thắng giải như "hoa hậu là người đẹp nhất, hoàn thiện nhất về chân - thiện - mỹ, là cô gái tuyệt vời nhất đại diện cho phụ nữ Việt Nam v.v.".

Kể từ khi Nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn ra đời, nhiều quy định cởi mở hơn cho các cuộc thi người đẹp, số lượng cuộc thi cũng nở rộ.

Hiện nay, Việt Nam có gần 30 cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ khác nhau được tổ chức như: Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Sinh thái Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam, Hoa hậu Thời đại Việt Nam v.v..

toan canh mot tuan truyen thong noi ve cac cuoc thi hoa hau - anh 0
 Không như những năm trước, thường 2 - 3 năm các đơn vị tổ chức mới xoay vòng tổ chức lại, hiện tại, nhiều cuộc thi tổ chức thường niên, chưa kể số lượng các cuộc thi mới tiếp tục tăng thêm với hàng loạt tên gọi lạ lẫm hơn được công bố.

Tình hình bùng nổ các cuộc thi hoa hậu hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng nhan sắc, tài năng của thí sinh, kéo theo nỗi lo "loạn" hoa hậu với một "thị trường" nhan sắc có thể nói là "thượng vàng hạ cám", chưa kể những cuộc thi kém chất lượng đã ra đời càng khiến lĩnh vực này thêm bát nháo.

Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu đang dần đánh mất sự quan tâm của công chúng và thậm chí đứng trước nguy cơ "mất giá, hạ nhiệt" vì ngày càng có nhiều cuộc thi "mọc lên như nấm". Nhiều về số lượng dẫn đến khó kiểm soát về chất lượng, vì thế có thể xảy ra việc "chọn nhầm", "trao nhầm" vương miện cho các người đẹp không còn là chuyện hy hữu.

"Hoa hậu cũng chỉ như một người thắng gameshow"

Bà Trang Lê, Chủ tịch Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam, cũng nêu ý kiến: "Công chúng đừng quá coi trọng danh hiệu hoa hậu, không nên xem họ quá cao quý như là đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam, bởi họ chỉ là người được chọn lựa trong phạm vi một cuộc thi, như kiểu họ thắng một gameshow mà thôi. Sao phải kỳ vọng ở hoa hậu, mặc định những trách nhiệm nặng nề cho họ, thần thánh hóa hoa hậu để rồi thất vọng?". 

Bà Trang Lê nói thêm: "Hoa hậu, hoa khôi chỉ là danh hiệu được một ban giám khảo mà một công ty, doanh nghiệp mời đến để lựa chọn ra trong số các thí sinh tham dự cuộc thi.

Người đăng quang có nhiệm vụ phải làm việc, trả quyền lợi cho đơn vị tổ chức, như kiểu nhân viên công ty dưới danh nghĩa hợp đồng quản lý độc quyền. Nếu hiểu rõ được điều này thì khán giả sẽ bớt quan tâm, nghĩ nhiều để mãi bàn luận đến hai chữ hoa hậu. Hãy trả danh xưng hoa hậu về đúng vị trí, nghĩa là như một người thắng gameshow!". 

toan canh mot tuan truyen thong noi ve cac cuoc thi hoa hau - anh 0
Danh hiệu hoa hậu cần được trả về đúng vị trí.

Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Hoa hậu, hoa khôi hay người đẹp cũng là danh hiệu được một ban giám khảo lựa chọn trong số vài chục thí sinh tham dự cuộc thi dưới một cái tên nào đó do một doanh nghiệp tư nhân nào đó đứng ra tổ chức tại một địa phương nào đó.

Không phải nhà nước hay một tổ chức do nhà nước ủy thác đứng ra tổ chức để tìm kiếm một người con gái đẹp nhất đại diện cho phụ nữ Việt Nam hay cho một địa phương nào, một nhóm hội nào. Trên thế giới cũng vậy.

Cuộc thi nào cũng có người đẹp nhất, nhì, ba. Nhưng cần nhớ rằng họ chỉ đẹp nhất của cuộc thi đó tại thời điểm đó thôi.

Mọi người nên hiểu đúng hơn về hoạt động thi hoa hậu. Đó chỉ là một hoạt động giải trí như tất cả các chương trình giải trí khác trong xã hội, ai thấy phù hợp thì đến và không phù hợp thì từ chối".

"Thương mại hóa hoa hậu đánh mất ý nghĩa tôn vinh phụ nữ"

Theo quan điểm của ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT tập đoàn truyền thông Lê: "Các cuộc thi hoa hậu cũng chỉ là sản phẩm thương mại. Người ta cần tạo ra những nhân vật có ảnh hưởng, tạo ra những giá trị thương mại".

Được biết, các cuộc thi nhan sắc thu hút số tiền tài trợ "khủng" từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho các cuộc thi nhan sắc ngày càng nở rộ bất chấp sự phản ứng của dư luận hiện nay. 

toan canh mot tuan truyen thong noi ve cac cuoc thi hoa hau - anh 0
Cuộc thi hoa hậu là một hình thức kinh doanh.

Tại một cuộc thi hoa hậu gần đây, trong số 6 thành viên ban giám khảo thì có tới 4 người liên quan đến công ty tổ chức cuộc thi đó. Vì thế công chúng hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về chất lượng và sự phân minh của các cuộc thi hoa hậu theo kiểu "tự đá bóng, tự thổi còi" như thế này?

Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam đặt câu hỏi: Liệu trong các cuộc thi nhan sắc, thứ mà Ban Tổ chức quan tâm nhất có phải là tìm và tôn vinh cái đẹp hay là giá trị thương mại mà những cái đẹp này mang lại?

Theo VTV News, nhiều người chỉ coi các cuộc thi hoa hậu là một hoạt động biểu diễn giải trí, hãy để quy luật thị trường sàng lọc. Đơn vị nào làm tốt thì tồn tại, đơn vị nào tổ chức kém chất lượng, tạo ra những người đẹp không được dư luận ủng hộ thì sẽ bị đào thải.

toan canh mot tuan truyen thong noi ve cac cuoc thi hoa hau - anh 0
 Phong trào Hoa hậu thoái trào có thể làm mất cơ hội đổi đời của một vài cô gái. Nhưng nhìn về mặt tích cực, điều đó lại giúp họ trút đi những hệ lụy của chiếc vương miện, những điều chính họ cũng không lường hết.

Danh hiệu tự thân cũng đã là một giá trị. Do vậy, bất cứ danh hiệu nào cũng cần đảm bảo những chuẩn mực cộng đồng tối thiểu. Cho dù là một cuộc thi sắc đẹp cũng không thể hạ thấp vai trò tri thức ở dưới mức bình thường.

Một số chuyên gia văn hóa đề xuất cần có tiêu chí nhất định với ban giám khảo của các cuộc thi sắc đẹp, sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan chức năng. Sắc đẹp cũng là một tài sản. Nếu thương mại thái quá sẽ đánh mất ý nghĩa của các cuộc thi nhan sắc là tôn vinh người phụ nữ.

Theo Lao Động Thủ Đô, các cuộc thi hoa hậu vẫn có sức hút đối với rất nhiều cô gái, không chỉ vì danh hiệu mà còn vì cơ hội mở ra, như khám phá bản thân, phát triển sự tự tin và thể hiện cá nhân.

Đã đến lúc ngành Văn hóa phải đúc kết lại, mục tiêu của các giải hoa hậu là gì? Cả nước có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu là đủ. Cứ kiểu trăm hoa đua nở, các cuộc thi không những ngày một nhạt, chất lượng tổ chức cuộc thi chưa cao và hơn hết "tổ chức" quá nhiều cuộc thi hoa hậu để làm gì?

Loạn thi hoa hậu, hậu quả sẽ ra sao?

Thủy Tiên là á hậu 2 cuối cùng của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

H’Hen Niê - Khánh Vân là giám khảo của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2023

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ