Màn thể hiện ca khúc "Lời của gió" của ca sĩ Thu Phương và nhạc sĩ Tú Dưa đang được chia sẻ lại và gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Mới đây, clip hai ca sĩ Thu Phương và Tú Dưa thể hiện ca khúc Lời của gió của nhạc sĩ Duy Thái trong một đêm nhạc diễn ra vào năm 2023 gây sốt trở lại trên mạng xã hội.
Cụ thể, trong đoạn băng hình, giọng ca gạo cội của làng nhạc Việt cất lời: "Anh có nghe thấy em nói gì không?"; Tú Dưa lập tức hát nối tiếp: "Có lúc nghe thấy, có lúc thì không" (Lời gốc: "Em có nghe thấy gió nói gì không").
Bất ngờ trước sự thay đổi ca từ của đồng nghiệp, Thu Phương cười lớn, sau đó chắp tay thể hiện sự bái phục, rồi cô hát tiếp: "Anh không nghe thấy thì em vẫn nói" (Lời gốc: "Anh đã thương nhớ gửi vào trong gió").
Dân Việt đưa tin, đoạn video gây sốt trên TikTok, tạo ra hàng loạt tranh cãi trái chiều. Trong khi nhiều người bày tỏ sự thích thú bởi màn tương tác của hai nghệ sĩ, khen Thu Phương nhanh trí ứng biến, không ít ý kiến cho rằng đây là hành vi cợt nhả, thiếu tôn trọng khán giả và đặc biệt là tác giả ca khúc.
Trước đó, Thu Phương cũng từng chế lời bản hit See Tình của Hoàng Thùy Linh trên sân khấu. Cụ thể, câu hát đúng của ca khúc này như sau: "Xem cưới ngày nào thì nhà mình đông con vậy" thì chủ nhân đoạn clip lại tiết lộ Thu Phương đã hát thành: "Tìm bùa yêu để gia đình mình đông con yê yê..", rất có thể đây chính là sự nhầm lẫn của Thu Phương khi quá hăng say biểu diễn ca khúc này.
Theo Người Lao Động, việc biến tấu ca khúc đôi khi được xem là cách sáng tạo của giới trẻ đối với tác phẩm vốn có giá trị nhất định trong lòng công chúng. Tuy nhiên, biến tấu, làm mới thế nào cũng cần phải tôn trọng quyền tác giả, tôn trọng sự sáng tạo, chất xám của chủ thể.
Mới đây, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - bức xúc lên tiếng về việc ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn" của cha bà bị biến tấu theo chiều hướng sai so với bản gốc.
Theo nhà báo Phạm Hồng Tuyến, trên mạng xã hội đang lan truyền bài hát phái sinh "Chú voi con ở Bản Đôn" với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc. Điều đáng nói là những biến thể này lại được nhiều người lựa chọn.
Năm 2013, ca sĩ Yanbi và rapper Mr.T từng nhận án phạt 10 triệu đồng khi chế lời tục tĩu ca khúc Thu cuối - bài hát làm nên tên tuổi của họ trong một đêm nhạc. Để khuấy động không khí, Yanbi - Mr.T đề nghị khán giả hát theo mình. Đến đoạn điệp khúc, một số khán giả trẻ Hải Phòng đã dùng từ tục để chế lời bài hát Thu cuối. Thay vì sửa lại, Yanbi - Mr.T đã hát theo.
Thậm chí, đến những lời hát sau đó, hai anh chàng này còn hưởng ứng và hát lại những lời này một cách thái quá. Màn biểu diễn của hai ca sĩ cũng bị phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội.
So với hành vi hát sai lời thường thấy trên sân khấu, việc ca sĩ chế lời thường bị khán giả chỉ trích nặng nề hơn, bởi người xem cho đó là hành vi cố ý, tạo nên sắc thái hoàn toàn khác của một ca khúc trên sân khấu.
Theo Người Lao Động, theo các nhà chuyên môn, trong âm nhạc, biến tấu là cách sáng tác dựa vào một chủ đề trong một tác phẩm đã có từ lâu và sáng tạo ra một tác phẩm mới. Người biến tấu sẽ phải thể hiện việc tôn trọng quyền tác giả bằng cách ghi rõ biến tấu này dựa theo chủ đề nào, tác phẩm nào của tác giả nào. Với những nhà soạn nhạc là tác giả của tác phẩm gốc, nhạc sĩ muốn sáng tác phái sinh phải đến gặp hoặc trao đổi trực tiếp để xin ý kiến trước khi làm việc này.
Những người trong cuộc cho rằng việc biến tấu bất kỳ một ca khúc hay một tác phẩm âm nhạc nào đó đều có thể xem là một cách để người trẻ sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng quyền tác giả là việc cần phải lưu tâm.
"Một sản phẩm phái sinh dù có hướng đến mục đích lợi nhuận hay không thì việc lan tỏa những tác phẩm này vẫn đòi hỏi một lối hành xử văn minh, cụ thể là tôn trọng quyền tác giả" - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ.
Nguồn: TH&PL