"The Menu" và bi kịch của nghệ nhân thiên tài

Bằng những thước phim chỉn chu, The Menu khắc họa thành công chân dung một nghệ nhân thiên tài đang vùng vẫy trong địa ngục chính ông ta tự tạo ra.

The Menu mở đầu bằng hình ảnh một nhóm thượng lưu lên tàu để đến Hawthorne - một nhà hàng xa xỉ nằm trên một hòn đảo biệt lập. Họ đến đây để thưởng thức bữa ăn được thực hiện bởi đầu bếp nổi tiếng Julian Slowik (Ralph Fiennes), với mức giá 1,250 đô cho một người. Buổi tối hôm đó, bếp trưởng Slowik xuất hiện với thực đơn có một không hai dành cho những thực khách của mình. Một Slowik quỷ quyệt và những món ăn bất thường của ông ta dần khiến những vị khách hoảng loạn. Họ nhận ra mình đang buộc phải sắm vai trong một tấn bi kịch - hay trò hề được dàn dựng bởi vị đầu bếp điên loạn.

the menu va bi kich cua nghe nhan thien tai - anh 0

Một bộ phim chỉn chu

The Menu sở hữu những khung hình được đầu tư chỉn chu về màu sắc và bố cục. Kiến trúc của nhà hàng Hawthorne lấy cảm hứng từ trường phái biểu hiện Đức. Với những hành lang biến dạng, hay việc sử dụng nhiều đường thẳng trong việc xây dựng bối cảnh, Ethan Tobman đã truyền vào nhà hàng Hawthorne một sự lạnh lùng và những áp lực căng thẳng. Đây cũng là cảm giác mà Slowik tạo ra cho những thực khách của mình xuyên suốt bữa ăn.

The Menu còn có sự liên kết chặt chẽ về mặt chủ đề. Để đồng nhất với "concept" thực đơn, các bước ngoặt của bộ phim cũng được đánh dấu bằng thứ tự phục vụ các món ăn, với độ "nặng đô" tăng dần. Bên cạnh đó, đạo diễn Mark Mylod còn cung cấp cho người xem những kiến thức xoay quanh ẩm thực và lịch sử.

Các món ăn được thực hiện bởi Slowik cũng đi theo "concept" chung và giàu tính kể chuyện, đơn cử có thể kể đến là món chính đầu tiên - The Island, mô phỏng hòn đảo nơi nhà hàng Hawthorne tọa lạc. Nó được lấy cảm hứng từ một món ăn có thật tại nhà hàng Atelier Crenn, và do chính bếp trưởng Dominique Crenn đảm nhiệm phần thiết kế.

the menu va bi kich cua nghe nhan thien tai - anh 0

Khắc họa nhân vật thông minh

The Menu có cách khắc họa nhân vật không quá mới mẻ, nhưng vẫn thông minh và đủ hiệu quả. Một nhóm người bị nhốt ở nơi biệt lập và những sự kiện rùng rợn diễn ra là một motif không quá mới lạ trong văn chương hay điện ảnh. Những tác phẩm có thể kể đến như And There Were None, Perfect Strangers, hay gần đây nhất là Triangle of Sadness cũng đều đi theo motif này. Số lượng nhân vật của The Menu lên tới con số 12, thế nhưng đặc trưng của từng người vẫn được khắc họa rõ rệt, bất chấp việc bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Nếu coi ẩm thực là một kiểu nghệ thuật, thì mỗi vị khách tại nhà hàng Hawthorne lại tượng trưng cho một kiểu người thưởng thức nghệ thuật. Tyler (Nicholas Hoult) yêu nghệ thuật mù quáng, Lilian Bloom (Janet McTeer) là nhà phê bình cực đoan, tự cao rằng mình hiểu rõ về nghệ thuật. Cặp vợ chồng tỷ phú không quan tâm đến ẩm thực, tìm đến Hawthorne để mua sự thượng lưu,... Giữa vô vàn những kẻ tự nhận là "kẻ sành ăn" nhưng không hiểu rõ về bản chất của ẩm thực, Margot Mills (Anya Taylor Joy) là người bình thường duy nhất.

Thông qua việc tương tác với Margot, những trăn trở của bếp trưởng Slowik dần hiển lộ.

the menu va bi kich cua nghe nhan thien tai - anh 0

Bi kịch của nghệ nhân

Lộ trình tâm lý của Slowik được dẫn dắt khá hợp lý. Diễn xuất, đặc biệt là biểu cảm gương mặt của Ralph Fiennes đã khắc họa trọn vẹn một vị bếp trưởng khắc nghiệt, nghiêm túc với nghề tới mức điên loạn.

The Menu xây dựng hình tượng Julian Slowik là một nghệ nhân đang rơi vào đau khổ khi chứng kiến nghệ thuật của mình bị bóp chết. Ông và các cộng sự của mình đã dần quên đi niềm vui khi làm nghệ thuật. Họ giao tiếp với thực khách thông qua thức ăn. Thế nhưng thực khách của họ lại không thực sự "ăn" những món đó, mà chỉ tìm đến chúng để có được cảm giác thượng lưu và sành sỏi.

Thông qua những trò đùa được đặt giữa một câu chuyện đẫm máu, The Menu mỉa mai thói trưởng giả học làm sang, bất chấp chạy theo những thứ phù phiếm của người tiêu dùng thời nay. Chính điều này đã đầu độc ngành dịch vụ và tạo ra những người kiêu ngạo, cực đoan như Slowik.

Bản thân đạo diễn Mark Mylod khi thực hiện The Menu cũng đã tới các nhà hàng đặc biệt sang trọng để trải nghiệm, và ông chia sẻ rằng bản thân cảm thấy vô cùng áp lực.

Đằng sau bi kịch của Slowik, The Menu thể hiện một sự thật cay đắng rằng nghệ thuật và thương mại là hai thứ không thể tồn tại song song. Và trong thời buổi hiện giờ, thì sự thành công của nghệ thuật được cho là nhờ có sự hỗ trợ của kinh tế.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ