Không ai không có tổn thương, cũng chẳng ai có thể lắng nghe nổi đau đó rõ ràng chân thực bằng chính bản thân chúng ta và Tuệ Nhi cũng thế.
11 Tháng 5 Ngày là một bản hòa ca giữa những tổn thương, những câu chuyện giữa các thế hệ. Họ khác biệt từ tính cách, lối suy nghĩ đến châm ngôn sống thế nhưng điều kỳ lạ rằng họ là gia đình. Tuệ Nhi sinh ra và lớn lên trong sự mất mát quá lớn. Mẹ cô mất sớm, trong cô luôn ám ảnh nỗi đau khi nhìn mẹ vì bà nội mà phải sinh con trai nối dõi cho đến chết.
Cô nàng tiểu thư tưởng chừng như đỏng đảnh khó gần nhưng ẩn sâu bên trong là tầng tầng lớp lớp những tổn thương đang dày vò. Bị gia đình quay lưng, bị tình yêu phản bội còn gì đau bằng. Có thể nói Tuệ Nhi là đại diện cho những cô gái hiện đại, muốn vượt ra khỏi vùng cấm, khao khát sự công bằng.
Thế nhưng đôi khi trong mắt mọi người cô là đứa không hiểu chuyện, trẻ con. Nếu ngẫm lại loạt thoại đầy tổn thương của Tuệ Nhi chúng ta có thể thấm thía một phần nào nỗi đau đang ngày càng lớn dần.
''Bà không có quyền, bà đã tặng đôi khuyên tai này cho mẹ, không ai có quyền đưa nó cho người khác cả. Hay là người đã mất không có quyền lên tiếng ạ''.
Đôi với Nhi, mẹ là tất cả! Mất mẹ từ sớm cô bắt đầu sống tự lập với cuộc sống một mình, mặc dù được bố nuông chiều nhưng chưa bao giờ cô quên được mẹ. Ngay khi bà nội tặng chiếc khuyên tai của mẹ cho người phụ nữ khác, Tuệ Nhi không chỉ đau khổ vì bà dễ dàng chấp nhận người khác mà hơn thế cô đang từng ngày cảm nhận mẹ đang dần mất đi trong căn nhà này.
''Con sẽ nói cho bà biết rằng mẹ sẽ không bao giờ bị lãng quên''.
Sự lãng quên của bố và bà về mẹ, khiến cho Nhi thất vọng tột cùng. Đơn giản cô thật sự sợ rằng một ngày nào đó bản thân cũng sẽ quên mất mẹ như thế nào. Chính vì thế cô luôn muốn mẹ ở xung quanh mọi người, mong ai đó hãy nhớ đến mẹ của cô.
''Khi đã vượt qua những nỗi đau lớn nhất thì chẳng gì có thể khiến anh gục ngã được. Mà nếu có gục ngã thì cứ đứng dậy phủi tay và bước tiếp vì chẳng có ai mà lau nước mắt cho anh''.
Rời khỏi nhà để bắt đầu cuộc sống mới, Tuệ Nhi chật vật với cậu Tiến lấy hết tiền bỏ đi, bị hủy hôn, người yêu thì có người mới. Đúng rằng, nếu ngay lúc này cô gục ngã thì sẽ chẳng ai đỡ cô dậy. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, ngay lúc Tuệ Nhi nói câu này là lúc cô đau khổ, tuyệt vọng nhất.
''Tại sao tôi phải khóc, khóc vì cái gì, vì ai? Gia đình, tình yêu, quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tất cả mọi thứ đều quay lưng với tôi, tại sao tôi phải khóc vì họ cơ chứ''.
Tình yêu là thứ có giới hạn, khi chúng ta bước ra khỏi giới hạn đó có nghĩ là tình yêu tan vỡ. Nhi và Thuận đã bước ra khỏi giới hạn của mối tình 3 năm, để rồi họ nhận lại chỉ là đau khổ, tổn thương và uất ức.
''Cuộc sống không ai giống ai và cuộc sống của chúng ta không ai giống nhau''.
''Con là ai, con ở đâu trong trái tim lạnh lùng của bố. Hay là đối với bố con chỉ là thứ đáng để vứt đi''.
Từ khi mẹ mất, Nhi ám ảnh với những đau thương. Sự chăm sóc của bố chẳng thể nào bằng tiếng gọi của mẹ, cô luôn khao khát bố một lần thôi hãy hiểu cho mình, hãy hiểu cho đứa con gái nhỏ bé nhưng đổi lại bố chỉ nghĩ đến bà.
''Những người hay nói đạo lý thường sống như... Thính bã đừng thả lung tung, coi chừng có ngày anh tự nuốt phải bã đấy sếp ạ!''.
Ngoài loạt thoại thấm thía, Tuệ Nhi còn gây ấn tượng với màn đáp trả cực căng khi sếp Dũng phản bội Thục Anh để tán tỉnh cô. Câu nói này đã khiến cho tên Dũng sở khanh một phen ''muối mặt''.
11 Tháng 5 Ngày phát sóng trên VTV3 vào 21h40 các tối thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư hàng tuần.
Nguồn: TH&PL