Tết Nguyên đán năm nay, từ phim chiếu rạp đến sân khấu nhỏ ở TP.HCM đều sôi động với đa dạng nội dung, thể loại.
Cuộc chạy đua màn ảnh rộng cho Tết
Theo VOV, những năm gần đây, khán giá ít có lựa chọn khi đi xem phim Tết vì chỉ có lác đác 1-2 bộ phim Việt công chiếu. Thế nhưng, Tết Nguyên đán năm nay lại khác, khi có đến 4 bộ phim Việt cùng ra mắt gồm: Gặp Lại Chị Bầu của đạo diễn Nhất Trung, Mai của đạo diễn Trấn Thành, Trà của đạo diễn Lê Hoàng và Sáng Đèn của đạo diễn Hoàng Tấn Cường.
Sau 3 năm trở lại với việc làm phim, đạo diễn Nhất Trung cho biết, Gặp Lại Chị Bầu là bộ phim anh làm về gia đình, có yếu tố hài hước, dựa trên câu chuyện cá nhân của đạo diễn Nhất Trung với mẹ của mình. Bộ phim có thông điệp rõ ràng, phù hợp để chiếu trong dịp Tết. Cùng với đó là dàn diễn viên như: Diệu Nhi, Anh Tú, Lê Giang, Ngọc Phước, Quốc Khánh, Kiều Minh Tuấn, Mạc Văn Khoa và một số khách mời như: Ca sĩ Đan Trường, Ngọc Sơn,…
Đạo diễn Nhất Trung chia sẻ: "Có thể nói đây là một năm có nhiều phim Việt cùng ra mắt như thế. Đứng ở phía khán giả, khán giả sẽ có nhiều sự lựa chọn. Trung hy vọng rằng, tất cả các phim đều tốt để khán giả có cái nhìn tốt về thị trường. Ngày Tết suất chiếu, số lượng khách đến rạp nhiều, đó vừa là cơ hội cũng như thách thức. Bộ phim của bạn phải thực sự chạm đến khán giả thì khán giả mới chọn bạn".
Trong 4 bộ phim chiếu dịp Tết này, Sáng Đèn của đạo diễn Hoàng Tấn Cường được xem là khá đặc sắc với thể loại hài – tình cảm. Phim lấy bối cảnh những năm 1990-2000 xoay quanh giai đoạn chuyển giao thịnh - suy, giao thời của cải lương với những gánh hát lưu diễn khắp miền Tây. Bộ phim không đi theo mô tuýp chỉ dàn dựng các trích đoạn cải lương mà sẽ tập trung sâu về câu chuyện hậu trường đời sống của một gánh hát.
3 năm gần đây, đạo diễn Trấn Thành luôn góp mặt trong đường đua phim Tết. Nếu như năm 2023, Trấn Thành có Nhà Bà Nữ với lượng doanh thu khủng thì năm nay, Mai được kỳ vọng sẽ đạt được những kỷ lục mới.
Mai là bộ phim kể về chuyện đời cô gái tên Mai, do Phương Anh Đào thủ vai làm nghề massage kiếm sống. Từ khi gặp Dương, do Tuấn Trần thủ vai, mảnh ghép quá khứ đen tối của Mai dần được lật mở, cùng với đó là khao khát được sống hạnh phúc, được yêu thương như bao người bình thường khác.
Cũng như đạo diễn Nhất Trung, Trấn Thành cho rằng, việc bộ phim của mình ra mắt cùng thời điểm với những bộ phim khác không hẳn là sự cạnh tranh: "Thị trường Tết thì ai cũng muốn được đi chơi, các nhà làm phim ai cũng muốn ra rạp đón khán giả. Thành nghĩ đó là một thị trường lớn và nhiều nhà làm phim đều mong muốn đến thị trường đó. Thành cũng nghĩ mình không đối đầu ai hết, mình chỉ vô tình ra rạp chung đón khán giả chung, mở các gian hàng ra, ai được khán giả mua nhiều thì cảm ơn khán giả, ai được ít hơn thì cố gắng lần sau chứ không đối đầu gì nhau hết".
Kịch tết cũng rộn ràng
Không chỉ trên màn ảnh mà còn ở các sân khấu kịch cũng sôi động không kém. Nhiều nhà hát kịch cũng tung ra những vở diễn mới phục vụ cho mùa Tết này.
Tại Nhà hát kịch Idecaf, Tết này sẽ phục vụ 4 vở diễn trong đó có hai vở mới dành cho sân khấu kịch Tết là Vàng ơi là vàng và Tấm Cám đại chiến. Idecaf cũng cho tái xuất chương trình Chuyện thần tiên với vở Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê sau 14 năm tạm ngưng. Đồng thời tại nhà hát Thanh niên, cũng cho ra mắt vở mới là Bảy yêu nhền nhện bên cạnh các vở hút khách trước đó như Lạc lối ở Bangkok, Thanh xà bạch xà,…
Ngoài ra, các sân khấu: Thế giới trẻ, Hoàng Thái Thanh, Thiên Đăng cũng chuẩn bị từ 4-5 vở kịch Tết. Bên cạnh hài kịch, kịch thiếu nhi, kịch tâm lý thì thể loại kịch kinh dị cũng được giới thiệu mùa Tết này. Sân khấu Trương Minh Hùng cho ra mắt vở Lụa máu bên cạnh các vở kịch như Tết lẹ lẹ trễ phà, Thiên thần kinh, Truy lùng thái tử.
Trước đó, các sân khấu kịch cũng đã công bố lịch diễn các vở xuyên suốt Tết, hầu hết đều bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết đến hết mùng 9 Tết (trung bình mỗi ngay 2 suất diễn/sân khấu). Một số đơn vị còn tổ chức diễn 3 suất/ngày như sân khấu Hồng Vân, nhà hát Thanh niên, Thế giới trẻ, đặc biệt là các suất diễn kịch cho thiếu nhi.
Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP.HCM với thế mạnh là kịch thiếu nhi, Tết này cũng mang đến vở kịch mới Thế giới đồ chơi và câu chuyện Chú bé rồng với sự tham gia của nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm vào vai Tiểu Long Nhân. Ngoài ra, nhà hát cũng sẽ còn thêm các vở thiếu nhi cũ như Đại náo Long cung, Bộ lạc nanh trắng,…
Khi nhận lời dàn dựng vở kịch Thế giới đồ chơi và câu chuyện Chú bé rồng có cốt truyện đầy tính nhân văn, đạo diễn Minh Quốc cho biết, anh phải thêm một số chi tiết cho thêm màu sắc để hút khán giả nhí từ đầu đến cuối.
Đồng thời qua đó giúp cho các bạn nhỏ hiểu đủ và đúng thông điệp của vở diễn: "Đối với thiếu nhi, các em thường không thích ngồi 2 tiếng hoặc tiếng rưỡi đồng hồ để nghe một câu chuyện kịch. Mình đã truyền đạt lại với ekip để có thêm những tình huống, câu chuyện giao lưu được với các em nữa".
Có thể thấy cả ở màn ảnh rộng lẫn sân khấu đều nắm bắt được thị hiếu của người dân những ngày tết với nhu cầu giải trí tăng cao. Các bộ phim đến các suất diễn đều tăng hơn so với mọi năm, hứa hẹn một thị trường giải trí tết sôi động và một năm mới khởi sắc của các loại hình nghệ thuật.
Nguồn: TH&PL