Các chương trình tìm kiếm người mẫu, nay có thêm tìm kiếm hoa hậu đều sử dụng chung một cách để thu hút người xem - đi lên bằng drama, tranh cãi hoặc những người có sự ngây ngô, hài hước hơn là tài năng. Số phận những chương trình đó rồi sẽ đi về đâu?
Các chương trình giải trí đang trở nên ngày càng phổ biến và được ưa chuộng. Tuy nhiên, việc lạm dụng các tình huống gây sốc và drama để tạo sự chú ý và tăng lượt xem có thể gây ra nhiều tác động xấu. Ngay cả khi phải "diễn" theo kịch bản hoặc tiết lộ đời tư cá nhân, nhiều thí sinh vẫn sẵn sàng để tạo nên hiệu ứng gây sốc trên truyền hình và mong muốn trở nên nổi tiếng. Thị phi trở thành một "đặc sản" trong các chương trình giải trí thực tế.
Show thực tế về người mẫu "chết mòn" vì bội thực drama
Khi nhắc đến drama, không thể không nhắc đến những chương trình thực tế như Vietnam's Next Top Model hay The Face. Thời kỳ đỉnh cao của các chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm người mẫu rơi vào giai đoạn 2010 - 2016. Rất nhiều cái tên tài năng được biết đến trong giai đoạn này. Và khi đó, khán giả được trông thấy những góc khuất trong nghề, những thử thách đầy chuyên môn và hành trình chinh phục danh hiệu cao nhất của các thí sinh.
Chẳng hạn mùa đầu tiên của Vietnam's Next Top Model, Diệp Lâm Anh và Trang Khiếu cũng xảy ra xích mích. Tuy nhiên khán giả khi đó cho rằng đó là những cô gái đang sống đúng với chính mình.
"Không biết đây là lần thứ bao nhiêu tôi nghe thấy một vị giám khảo trong những phần thử thách có lời khen về Trang Khiếu. Cá nhân tôi không ghét Trang Khiếu. Cho dù cô ấy có cố gắng nhưng nhìn nhận của chúng tôi về kết quả của cô ấy là không có", Diệp Lâm Anh bày tỏ. Trang Khiếu cảm thấy buồn nhưng cô cho rằng đây là cảm xúc cá nhân của Diệp Lâm Anh nên cô có quyền bộc lộ. Hành trình nỗ lực của Trang Khiếu sau này đã được đền đáp xứng đáng bằng kết quả lên ngôi Quán quân.
Hay như khi "The Face Vietnam" đã tạo một tiếng vang rất lớn với mùa giải đầu tiên.Với 3 huấn luyện viên Hà Hồ - Phạm Hương - Lan Khuê, những màn tranh đua chiến lược tđầy drama nhưng vẫn cực "sang". Cho đến nay, The Face Vietnam đã trải qua thêm một vài mùa nhưng vẫn chưa thể vượt qua sức hút của mùa đầu tiên.
Các nhà sản xuất gameshow giải thích rằng họ đang đối diện với áp lực lớn về tính hấp dẫn của chương trình. Nếu chương trình không thu hút được đông đảo khán giả, điều này có nghĩa là khó để bán quảng cáo, doanh thu sẽ giảm và ít lợi nhuận. Tuy nhiên, việc lạm dụng yếu tố drama đã khiến nhiều chương trình truyền hình trở nên thiếu chất lượng, mất sự tôn trọng khán giả.
- Drama Vietnam's Next Top Model mùa All Stars: Khoảnh khắc kịch tính xô xát giữa người mẫu Nguyễn Hợp với các đối thủ đã khiến dư luận dậy sóng vì hai bên sẵn sàng có những hành động "đáp trả" chưa từng có trong lịch sử chương trình. "Team Sang" tạt nước vào Nguyễn Hợp khiến đội ngũ sản xuất chương trình phải tổ chức họp để can thiệp. Ngay cả cảnh Thùy Dương bắt Chà Mi bóp chân cũng khiến khán giả không khỏi bức xúc vì màn "hạ thấp danh dự" của nhau.
- "Thánh chửi" Phạm Thoại vào nhà chung: Có một số ý kiến cho rằng Văn Thoại không phù hợp để tham gia một chương trình truyền hình thực tế vì anh đã gây chú ý với những clip bán hàng chửi khách. Có ý kiến cho rằng ban tổ chức Vietnam's Next Top Model 2019 đã chọn Văn Thoại để tạo drama và thu hút sự chú ý.
- Chuỗi drama tại "Quý ông hoàn mỹ" 2021: Từ việc những siêu mẫu kỳ cựu làng giải trí là Xuân Lan và Hà Anh không hề nể nang nhau ngay họp báo, màn sexy dance phản cảm của thí sinh Hải Anh, Hà Anh tố Xuân Lan chơi xấu khiến thí sinh đội mình xuống tinh thần.
Hiện tại, khán giả rất thông minh. Họ không dễ bị "dắt mũi" bởi những scandal tai tiếng. Điều níu kéo họ ở lại chương trình là những giá trị nhân văn. Dù có là chương trình thiên về giải trí thì vẫn phải giải trí một cách văn minh, mang đến sự dễ chịu cho khán giả.
Hiện Vietnam's Next Top Model đã ngưng sản xuất còn The Face Vietnam cũng chứng kiến màn "trì hoãn" chưa từng có tiền lệ.
Show thực tế hoa hậu và nhiều nguy cơ
Á hậu Mai Ngô và Á hậu Thuý Vân là nạn nhân của những chiêu trò thu hút "bẩn".
Chẳng biết có phải vô tình hay cố ý mà ngay tại thời điểm Mai Ngô quyết định trở lại với "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017" thì cuộc thi được chuyển sang hình thức truyền hình thực tế. Vốn là một cô nàng cá tính, nhưng khán giả lại thấy Mai Ngô ngang ngược và tự cao trong chương trình. Nhiều người cho rằng việc cắt ghép đã làm hình ảnh của Mai Ngô bị ảnh hưởng trước công chúng.
Đã 3 năm kể từ khi "Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019" kết thúc, fan sắc đẹp ở thời điểm hiện tại vẫn thường nhắc đến drama giữa siêu mẫu Vũ Thu Phương và ứng viên "nặng ký" Thúy Vân. Nhiều khán giả cho rằng người đẹp bị chèn ép để tạo kịch tính cho chương trình. Đến tận thời điểm hiện tại, một bộ phận người hâm mộ vẫn cho rằng vì lẽ đó mà Á hậu Thúy Vân đã vuột mất vương miện dù đã thể hiện vô cùng xuất sắc.
Tìm kiếm đại diện Việt Nam đi thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới, Hương Giang đã quyết định tổ chức dưới dạng một show thực tế. Thế nhưng, cả "Đại sứ Hoàn mỹ" lẫn "Miss International Queen Vietnam" đều vấp phải những tranh cãi về drama lẫn chất lượng thí sinh.
Trường hợp đầu tiên, ồn ào nhất chắc chắn là Đào Anh - thí sinh bị loại khỏi top 55 trong tập 1 của chương trình. Người đẹp này còn tố Hoa hậu Hương Giang hét giá cát xê lên đến 50 triệu khi được mời tham gia một chương trình của cộng đồng LGBT.
Huỳnh My - cô nàng thị phi của mùa giải Miss International Queen Vietnam 2023 cũng như thế. Cô nàng từng "gào khóc" không muốn tham gia thi thêm ở mùa trước. Sự trở lại của Huỳnh My ở top 20 như thể tăng tính giải trí.
Mỗi cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế đều có luật chơi riêng. Nhưng khán giả chính là những người có cái nhìn công tâm nhất. Tính giải trí phải luôn đi kèm với sự tôn trọng khán giả và cần là một cuộc thi công bằng. Bơi những chương trình thu hút bằng drama sẽ có cái kết không mấy tốt đẹp về lâu dài.
Nguồn: TH&PL