Sự nghiệp NSND Diệp Lang - Đại thụ của sân khấu Việt Nam

Lại một huyền thoại cải lương vừa ra đi khiến giới nghệ thuật nghẹn ngào, xót xa.

Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương Việt Nam

NSND Diệp Lang, tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Ngoài lĩnh vực chính là cải lương, ông còn tham gia vào nhiều bộ môn nghệ thuật như: kịch nói, điện ảnh, chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn. NSND Diệp Lang có trên 20 năm đảm nhiệm vai trò là thành viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh.

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Lên 8 tuổi, ông đã theo cha là thầy đàn Ba Diệp đi theo Đoàn Cải lương Tam Phụng. Nhưng cha của NSND Diệp Lang không muốn con trai nối nghiệp đàn, vì người đàn chỉ ngồi sau cánh gà sân khấu, nên ông đã tìm thầy dạy hát cho Diệp Lang và cho con trai học đóng những vai phụ. Vai kép độc ghi dấu ấn đầu tiên của nghệ sĩ Diệp Lang là ở đoàn Kim Chưởng, trong vở Hai chiều ly biệt. Nghệ sĩ Diệp Lang được xếp vào hàng các kép độc hay nhất của sân khấu cải lương. 

Nhắc đến NSND Diệp Lang, không thể không nhắc đến các vai diễn ấn tượng như hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Quý (Tâm sự Ngọc Hân), Trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm), ông nội (Cây lẻ bạn), ông Hai (Đàn ca tri kỷ), ba của The/Hương (Nửa đời hương phấn),...

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng và được soạn giả Thu An giao cho vai ông già 70 tuổi (người cha trong vở Người anh khác mẹ). Đó là vai diễn ghi dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của ông với Giải thưởng Thanh Tâm năm 1963, cùng năm với các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài. 

Hơn 50 năm hoạt động trên nhiều lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, ông đã đoạt nhiều danh hiệu cao quý. Đến năm 2003, ông được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. 

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Trong ấn tượng của nhiều khán giả thuở ấu thơ là... ghét Diệp Lang. Bởi ông đóng nhiều vai phản diện, vai nào cũng đi đến tận cùng cảm xúc khiến người xem đã nhầm lẫn giữa diễn viên và nhân vật. Một số khán giả bày tỏ rằng dù ghét vẫn ghiền coi ông diễn. Và dù là người đóng vai phản diện thuộc bậc thầy nhưng khán giả mê mệt với từng trạng thái cảm xúc của ông.

Định cư ở Mỹ từ lâu nhưng Diệp Lang luôn đau đáu nhớ sân khấu trong nước. "Có đêm tôi mơ thấy mình còn đi hát. Nhiều khi giật mình tỉnh giấc tưởng đang hát sai tuồng. Tôi vui nhất khi nghe tiếng vỗ tay khán giả và buồn nhất khi tấm màn nhung sân khấu khép lại", NSND Diệp Lang tâm sự.

Sau này, con trai nghệ sĩ Diệp Lang là Diệp Tiên cũng nối nghiệp cha theo đuổi nghệ thuật sân khấu với vai trò đạo diễn.

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Người thầy lớn của nhiều nghệ sĩ lớn

Đối với nhiều nghệ sĩ lớn, NSND Diệp Lang là một tượng đài, một người thầy đáng kính, một người ơn mà suốt đời này khó lòng quên được. NSND Lệ Thủy đã có nhiều kỷ niệm cùng với ông trong đoàn cải lương 2-84 khi họ đi lưu diễn ở Tây Âu năm 1984, và một khoảng thời gian dài họ gắn bó trên sân khấu đoàn cải lương 2-84.

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

NSND Lệ Thủy cho biết không bao giờ quên cái ơn to lớn của NSND Diệp Lang dành dành cho mình: "Những vai diễn để đời của Lệ Thủy ở đoàn 2-84 từ Kim Anh, Tô Ánh Nguyệt, Xuân Tự, Lỗ Tứ Phượng, Trà Việt Nữ, Hương… đều có sự chỉ dẫn và đạo diễn của anh hai Diệp Lang. Nhờ anh mới có sự hình thành nên những nhân vật được khán giả yêu thương đến ngày hôm nay".

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

"Cây đại thụ" Diệp Lang cũng là một tấm gương để nghệ sĩ Hữu Quốc noi theo và phấn đấu không ngừng. Hữu Quốc cho biết ai cũng bảo rằng "thằng Hữu Quốc" sau này sẽ đi theo đường của ông Diệp Lang.

Nghệ sĩ Hữu Quốc chia sẻ: "Con đã và đang phấn đấu từng ngày để được một phần nhỏ của chú về cách ca diễn, dàn dựng. Chú và các bậc tiền bối đã vạch ra một con đường vô cùng lý tưởng cho con và những bạn khác đi theo khi mình không diễn được vai kép đẹp mà vẫn được khán giả yêu thương".

Anh tâm sự thêm từng được may mắn làm việc với nghệ sĩ Diệp Lang trong một số vở kịch, cải lương và được ông khuyên chuyện đời, chuyện nghề. "Con mãi nhớ ơn chú, người nghệ sĩ lớn của nền sân khấu nước nhà, tấm gương sáng về cách làm nghề và đạo đức, luôn khiêm tốn với đồng nghiệp và khán giả" - Hữu Quốc nói.

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Hay NSND Hồng Vân cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ NSND Diệp Lang từ những ngày đầu xây dựng sân khấu kịch. Không những vậy, sau này, ông còn giao lại con trai là Diệp Tiên tiếp tục đồng hành cùng nghệ sĩ Hồng Vân.

"Con cảm ơn chú đã đồng hành cùng sân khấu kịch Phú Nhuận từ những ngày đầu thành lập. Tiếp theo đó chú lại giao em Diệp Tiên - cục vàng của cô chú tiếp tục đồng hành cùng con. Phú Nhuận tạo được thương hiệu là nhờ một phần của chú và em Tiên, ơn này con mang theo suốt đời chú ơi!" - NSND Hồng Vân bày tỏ.

Một huyền thoại ra đi với "hành trang" rất nặng

Nhiều năm qua, NSND Diệp Lang mắc bệnh Parkinson, thỉnh thoảng lúc nhớ, lúc quên.Ông bị bệnh tim, vôi hóa mạch máu, phải uống thuốc hàng ngày, chứng Parkinson khiến tay, chân run rẩy.

Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, ông hội đồng Thăng của cải lương "Đời cô Lựu" qua đời ở tuổi 82 vào khoảng 6 giờ (giờ California) ngày 11/3 sau một cơn đau tim.

Sự ra đi của NSND Diệp Lang là một mất mát lớn của sân khấu Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ niềm yêu kính và thương tiếc với người nghệ sĩ tài hoa, là đại thụ của làng cải lương nước nhà. Diệp Lang đã về cõi mênh mông nhưng làng sân khấu, khán giả vẫn mãi nhớ về ông với những vai diễn như tạc, như in vào tâm trí người mộ điệu cải lương.

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

NSND Bạch Tuyết - người đóng cô Lựu trong tác phẩm cải lương kinh điển - cho biết bà không thể chợp mắt khi nghĩ về ông. Ở tuổi 79, chứng kiến người thân, bạn bè lần lượt qua đời, Bạch Tuyết quen dần với điều đó nhưng "vẫn day dứt và đau lòng khó tả".

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết xót xa viết trên trang cá nhân: "Trong cuộc đời của cô Lựu (vở cải lương Đời Cô Lựu) có rất nhiều lần kết hợp với ông Hội Đồng (đều là những nghệ sĩ tên tuổi và giỏi nghề). Ấy vậy mà, chỉ riêng ông Hội Đồng của anh là khiến cho cô Lựu đau đớn và nặng lòng nhất với từng câu thoại rất ư là "hội đồng Thăng"".

Đó còn là lời tiễn biệt đầy trân quý bà dành cho người nghệ sĩ đàn anh: "Hành trang trong chuyến di cư lần này của anh rất nặng, chứa đầy ắp tình yêu thương của gia đình, bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là tấm chân tình của quý khán giả yêu nghệ thuật cải lương suốt mấy mươi năm qua. Từng câu ca, từng vai diễn của anh sẽ còn sống mãi và đi cùng năm tháng… Anh đã là một huyền thoại của sân khấu Việt Nam.

Chào anh, kính tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa và luôn tâm huyết với nghệ thuật cải lương Việt Nam".

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Trấn Thành cũng xúc động chia sẻ: "Lại thêm một cây đại thụ nữa về với đất trời! Con lớn lên trong những vai diễn ấn tượng của ông. Không ai đóng vai ác mà làm người ta mê như ông. Coi cải lương mà chỉ hóng tới khúc chú DIỆP LANG ra diễn mới phê thôi! 

Xin ngả mũ, cúi chào, tiễn biệt ông "hội đồng Thăng" về với đức Phật. Ông rời khỏi chốn tạm này để ở mãi trong dòng thời gian và ký ức của tất cả những khán giả mộ điệu cải lương. Kiếp phụng sự ông đã hoàn thành mỹ mãn.  Đến lúc nghỉ ngơi rồi ạ! Con chào ông hội đồng!!!"

su nghiep nsnd diep lang dai thu cua san khau viet nam - anh 0

Nghệ sĩ cải lương Chí Tâm bày tỏ: "Thương tiếc xót xa cho một nghệ sĩ tài hoa, một cây đại thụ, một bậc thầy đáng kính. Sống tận tụy với nghề, hiền hòa thân thiện, bình dị đơn sơ. Khán giả ghét chú vì nhân vật trong tuồng, nhưng khi màn nhung khép lại ai cũng chặc lưỡi, vỗ tay kính phục, tôn vinh tán thưởng tài diễn xuất của chú".

NS Hữu Quốc chia sẻ: "Con lặng người khi đọc những tin nhắn lúc rạng sáng hôm nay về sự ra đi của chú. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là lẽ thường của nhân thế, nhưng sao con lại ngẩn người thương tiếc. Con cũng là lứa nghệ sỹ trẻ may mắn được diễn cùng chú trong những vở cải lương và bên sân khấu kịch của chị Hồng Vân, con được chú dạy khuyên chuyện nghề, chuyện đời nhiều lắm.

Con mãi nhớ ơn chú, người nghệ sỹ lớn của nền sân khấu nước nhà, tấm gương sáng soi về cách làm nghề và đạo đức, khiêm tốn với đồng nghiệp và khán giả. Con xin cúi đầu tạm biệt cây đại thụ của sân khấu Việt".

Nghệ sỹ Minh Nhí bày tỏ tiếc thương: "Em lại kính tiễn biệt người anh của em, NSND Diệp Lang. Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương, mãi nhớ anh, người anh đáng kính". 

Người ra đi cũng cần sự riêng tư

Sao Việt sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm: Hồ Ngọc Hà được hẳn thai đôi, Thanh Ngọc 3 lần đau đớn

Toàn cảnh sự nghiệp NSƯT Vũ Linh - “ông vua không ngai” của nghệ thuật cải lương

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ