Published Mon Aug 23 2021
Không nghiệp vụ sư phạm, kiến thức sai, làm trò lố lắng nhưng "thầy cô giáo online" vẫn thu hút học viên và thu về cả trăm triệu.
IELTS, TOEIC là hai chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến tại Việt Nam. Đây cũng là tiêu chuẩn đầu ra của nhiều trường đại học. Ngoài ra, hai loại chứng chỉ này còn là tấm vé nhận học bổng, xin visa du học. Nhiều phụ huynh, học sinh không ngại bỏ hàng chục triệu đồng để ôn luyện IELTS, TOEIC.
Hiện nay, nhiều trung tâm tiếng Anh bắt đầu chuyển khai hình thức dạy và ôn luyện trực tuyến. Những buổi livestream giảng dạy không còn quá xa lạ. Hình thức này đã đánh dấu sự ra đời của hàng ngàn "thầy, cô giáo mạng". Những người tự xưng là giáo viên, vừa giảng dạy vừa giao lưu với các em học sinh.
Nghề "sư phạm online" có vẻ chưa bao giờ thịnh hành và... hái ra vàng như hiện nay. Các giáo viên không biết bằng cấp ra sao, kinh nghiệm như nào, dường như chỉ cần xây dựng hình thức trên mạng xã hội thật tốt là đã trở thành nhà giáo.
Gần đây nhất là Minh Thu - giáo viên dạy vật lý tự xưng. Minh Thu nổi lên trong giai đoạn trước thềm thi đại. Nhờ ngoại hình xinh xắn, livestream dạy học của cô đã đạt hàng ngàn người tham gia. Tuy nhiên, "cô giáo mạng" lại có những hành động và thái không hề đúng với cái danh tự xưng của mình.
Minh Thu chửi bậy, dụ học trò chơi game, viết tên người xem livestream trên bảng và nhận tiền donate. Sau cùng, cộng đồng mạng vỡ lẽ: Minh Thu chưa tốt nghiệp Sư phạm Vật lý.
Kiều Trang - giảng viên kiêm CEO của trung tâm tiếng Anh Elight từng vướng phải nhiều lùm xùm liên quan đến lừa đảo, dạy sai. Dù trước đó, cô đã được nhiều người yêu mến và ủng hộ.
Bảo Bảo - một người dạy tiếng Anh nổi lên từ những video bốc phốt các trung tâm tiếng Anh trên TikTok. Với tư cách là một người giảng dạy, Bảo có phần kệch cỡm và thiếu sự chuyên nghiệp. Trên trang cá nhân, anh liên tục dùng những từ ngữ thiếu phù hợp với môi trường giảng dạy.
Anh còn liên tục giả gái khi quay clip TikTok. Không biết chất lượng dạy học ra sao nhưng trình độ cà khịa, cạnh khóe của "người thầy" đã được cả cộng đồng mạng ngán ngẩm.
Một giáo viên tiếng Anh giảng dạy tại trung tâm IELTS Tuấn Quỳnh ở Hà Nội từng bị bóc phốt vì làm giả bảng điểm IELTS. Cụ thể, nữ giáo viên này đã photoshop bảng điểm từ 6.5 lên 8.0 IELTS để tăng danh tiếng và mức học phí.
Để giảng dạy trong môi trường giáo dục chính quy, giáo viên phải mất ít nhất 4 năm học tập trong môi trường Sư phạm. Chưa hết, các giáo viên phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, thi đánh giá và tập huấn. Giáo viên cũng cần học cao lên để nâng cao trình độ giảng dạy.
Còn các thầy cô giáo online, họ giảng dạy hàng ngàn học sinh nhờ vào sự nổi tiếng trên mạng. Chỉ cần một video viral trên mạng xã hội, thầy cô sẽ mở khóa học, livestream, in sách để kiếm tiền. Con số kiếm được lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng.
Nguồn thu của các giáo viên online còn cao hơn cả việc giảng dạy chính thống:
Dao động trong khoảng từ 500k - 3,5 triệu/combo/năm (bao gồm tài liệu học, các video). Mỗi khóa lại được chia thành nhiều cấp độ như khóa Cơ bản, Nâng cao, Chuyên nghiệp.
Các dạng tài liệu được gửi dưới dạng file tập nén qua gmail. Giá trung bình khoảng 300k/file. Cũng có nhiều giáo viên online viết sách rồi tự in, với giá lên đến cả triệu đồng/cuốn.
Nội dung liên quan
Tuy nhiên, những thầy cô này lại mất thiên chức của một "người lái đò". Họ chú tâm vào đồng tiền và danh tiếng hơn bao giờ hết. Chặt chém, bốc phốt, quay video đáp trả nhau trên mạng xã hội là những gì thầy cô này làm. Thay vì tập trung vào việc nâng cao kiến thức của bản thân để bớt giảng dạy kiến thức sai lệch.
"Đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp; có ý thức xây dựng tập thể tốt để cùng thực hiện mục tiêu giáo dục. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; sống trung thực, lành mạnh, là tấm gương tốt cho học sinh..."
Đây là hai trong những tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cần có (chưa xét đến giảng viên đại học). Nhưng dường như các giáo viên online đều đã bỏ qua những tiêu chuẩn này.
Khi lướt TikTok, YouTube hoặc Facebook, thi thoảng bạn sẽ bắt gặp những video dạy tiếng Anh. Nhân vật trong video thường có gương mặt xinh đẹp, nụ cười tỏa sáng cùng chất giọng bắt tai. Khi nhấn kênh TikTok đó, bạn sẽ phát hiện người này đang giảng dạy tại một trung tâm bất kỳ hoặc đang có những khóa học online của riêng mình.
Minh Thu, Kiều Trang Elight từng là hai "giáo viên" xinh đẹp, gây được sự chú ý của cộng đồng mạng. Dùng nhan sắc để kéo học sinh là chiêu bài muôn thuở vì con người thường yêu cái đẹp.
Đây là chiêu trò phổ biến nhất của các giáo viên tự phong. Những giáo viên sẽ nêu bật lên tầm quan trọng của việc học tiếng Anh nói chung và lấy bằng ngoại ngữ nói riêng. Sau đó, họ sẽ giới thiệu những ngành nghề chỉ cần giỏi ngoại ngữ là có thể kiếm từ 50 triệu đồng/tháng mà không cần bằng đại học.
Tuy nhiên, những nghề nêu trong video không chỉ cần ngoại ngữ là đủ. Tiếp viên hàng không không cần bằng đại học nhưng phải được đào tạo khắt khe từ cách ăn nói, tác phong đến kiến thức và nghiệp vụ. Sau quá trình đào tạo gắt gao, các tiếp viên hàng không sẽ nhận được chứng chỉ (tương tự như một bằng tốt nghiệp).
Hơn nữa, các học viên tham gia đào tạo phải đóng trước một khoản phí (có thể trả lại sau khóa học).
Bartender giỏi không chỉ cần tiếng Anh. Một người pha chế giỏi cần có kiến thức sâu rộng về các loại rượu, nguyên liệu và vị giác tốt.
Phát voucher trước trường học là cách marketing thường được các trung tâm tiếng Anh sử dụng. Khi đem phiếu giảm giá này đến trung tâm, bạn sẽ được các nhân viên tư vấn. Số học phí sau khi tư vấn lên đến 50 - 60 triệu đồng/khóa học (dù đã áp dụng phiếu giảm giá).
Nếu bạn bảo rằng bản thân không đủ tiền, tư vấn viên sẽ bảo rằng bạn có thể đóng trước một ít phí. Mức phí này sẽ giúp bạn giữ chỗ trong khóa học. Họ sẽ tìm mọi cách để lôi kéo bạn đóng tiền vì khi bạn tham gia học tại trung tâm, tư vấn viên sẽ nhận được phần trăm hoa hồng.
Tâm lý chung của người học ngoại ngữ là được giao tiếp với người bản xứ, được giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Từ tâm lý đó, nhiều trung tâm tiếng Anh đã thuê những người ngoại quốc giảng dạy tiếng Anh.
Điều đáng nói những người nước ngoài không hề có bằng cấp hay nghiệp vụ giảng dạy. Họ chỉ biết nói tiếng Anh và có ngoại hình không phải của người châu Á. Hai đặc điểm này đã giúp họ và trung tâm dễ dàng qua mặt được phụ huynh và học sinh.
Chuyện sinh viên không thể tốt nghiệp vì thiếu bằng tiếng Anh không còn xa lạ. Đến bây giờ, ngôn ngữ này vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Vì vậy, nhiều sinh viên chỉ mong lấy được chứng chỉ ngoại ngữ để tốt nghiệp, chứ không thật sự muốn học tiếng Anh.
Nhiều trung tâm đã đánh vào tâm lý này. Họ cam kết học viên tham gia khóa học sẽ đạt chứng chỉ như mong muốn. Nếu không, học viên sẽ được họ lại hoàn toàn miễn phí.
Và cách những trung tâm này sử dụng là giải đề và dùng mẹo. Họ sẽ chỉ học viên mẹo để làm bài thi. Người học sẽ được giải nhiều dạng đề khác nhau để làm quen với đề thi. Thay vì tập trung vào nền tảng kiến thức, người học chỉ nghĩ đến việc làm sao để thi đậu. Họ không quan tâm bản thân có nhận được kiến thức gì hay không.
Cũng vì điều này, nhiều cơ sở bằng giả xuất hiện hàng loạt. Những trung tâm chuyên dự đoán đề thi cũng phổ biến.
Tình trạng này dẫn đến việc học sinh, sinh viên có bằng tiếng Anh nhưng không biết dùng tiếng Anh. Nhiều người không thể giao tiếp với người ngoại quốc dù đã bỏ nhiều tiền học ngoại ngữ. Một số khác sẽ gặp khó khăn khi đi làm trong môi trường quốc tế vì có bằng tiếng Anh nhưng không biết dùng.
Để tránh tình trạng như trên, mỗi người học tiếng Anh cần hướng đến giá trị của việc học thay vì bằng cấp và chứng chỉ. Ngoài ra, học viên cần lựa chọn và tìm hiểu kỹ về những khóa học online.
Social Talk là tuyến bài đặc biệt của . Nơi tác giả thể hiện góc nhìn đa diện, nhiều chiều về các vấn đề đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Mỗi bài viết dựa trên đánh giá chủ quan của tác giả, đồng thời lồng ghép các ý kiến, chia sẻ của cộng đồng xoay quanh tranh cãi.
Nguồn:TH&PL