Sở đề xuất thành phố tạm không thu học phí đồng thời, đề xuất miễn học phí học kỳ I như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông.
Tại kỳ họp thứ hai Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng ngày 24/8 đã có những đề xuất về học phí. Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết thực hiện theo các quy định và nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính với phụ huynh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sở GĐ&ĐT đã đề xuất UBND TP.HCM giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2020-2021 áp dụng cho năm học mới và đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã phối hợp các sở, ngành liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026 và các công văn hướng dẫn khác liên quan khoản thu cho đến khi có hướng dẫn mới thay thế.
Tuy nhiên, trước tình dịch bệnh kéo dài, buộc năm học 2021-2022 phải thực hiện dạy học trên Internet, ông Hiếu cho hay sở đã có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM giãn thời gian thu học phí.
Trước mắt, sở đề xuất thành phố tạm không thu học phí học kỳ I, đồng thời, đề xuất miễn học phí học kỳ I như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông. Đề xuất này đang chờ chỉ đạo từ Thường trực UBND TP.HCM.
Toàn thành phố có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên). So với năm học trước, học sinh tăng thêm 31.000, trong đó khối trường công lập tăng 28.000 em.
Năm học mới tại TP.HCM sẽ bắt đầu ngày 1/9 với học sinh THCS, THPT và 8/9 với học sinh tiểu học mà không có ngày tựu trường, khai giảng.
Ngày 1/9, học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên sẽ làm quen lớp, thầy cô mới, củng cố kiến thức để ngày 6/9 bắt đầu chương trình học chính thức.
Học sinh tiểu học sẽ làm quen học trực tuyến, tổ chức lớp vào ngày 8/9. Ngày 19/9, các em chính thức bước vào chương trình năm học.
Trên tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết phụ huynh, học sinh đang khó tiếp cận sách giáo khoa. Theo thông tin từ các nhà xuất bản, hơn 90% sách giáo khoa đã chuyển cho trường, từ lớp 3 đến lớp 12. Riêng lớp 1, lớp 2 và lớp 6, việc bố trí, phân phối sách giáo khoa còn nhiều khó khăn, hiện có hơn 50% sách đã chuyển đến các trường.
Sở GĐ&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn phụ huynh đăng ký cho nhà trường, xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương bố trí thời gian nhận sách phù hợp, lộ trình đảm bảo phòng chống dịch.
Ngoài ra, sở cung cấp bản điện tử sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12 trên Internet, thông tin đến tất cả phụ huynh biết để tạm sử dụng trong thời gian đầu còn khó khăn.
Nguồn: TH&PL