Sinh viên đi làm thêm có cần chuyên nghiệp hay chỉ viện cớ là “tấm chiếu mới chưa từng trải”

Sinh viên thuộc thế hệ Gen Z là những người có thể tự vực dậy bản thân và độc lập hơn rất nhiều so với thế hệ trước.

Sinh viên thuộc thế hệ Gen Z là những người có thể tự vực dậy bản thân và độc lập hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Đa phần trong quá trình học đại học, các bạn luôn tìm cho mình một công việc part- time để có thêm nguồn tài chính ở nơi “đất khách quê người”. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn, công việc làm thêm không được ai xem có trách nhiệm. Có bạn dậy sớm không nổi thì báo xin nghỉ; có hẹn cà phê với bạn bè đột xuất bỏ ca giữa giờ; thích thì làm không thích thì nghỉ. Và tất cả những hành động đó xuất phát từ một câu nói “sinh viên như tấm chiếu mới chưa từng trải”.

sinh vien di lam them co can chuyen nghiep hay chi vien co la tam chieu moi chua tung trai - anh 0

Sinh viên và muôn vàn công việc đi làm thêm ở thời đại học

Đối với mỗi người, sinh viên là hai từ khơi lại trong ta nhiều kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời. Bởi lẽ, đây là khoảng thời gian chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, mỗi cung bậc cảm xúc gắn với những câu chuyện về những ngày yêu đương chớm nở, che chiếc ô khi những trận mưa sang. Là câu chuyện về những màu áo xanh tình nguyện, đi khắp thôn, bản, xóm, làng làm nên những điều nhỏ bé. Là câu chuyện dở khóc, dở cười trên giảng đường vui vẻ, thi văn nghệ rồi thuyết trình bản sắc văn hóa quê hương. Và mỗi người, đều đã trải qua những tháng ngày làm part time “mở bát” cho quá trình đi làm của mình.

Sinh viên ngày nay đi làm thêm không chỉ dừng lại ở việc tích lũy kinh nghiệm mà còn đi làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và phục vụ cho những sở thích, đam mê và ước mơ của mình. Những công việc part time được đa số các bạn chọn để làm trong khoảng thời gian này như là: nhân viên phục vụ ở các quán cà phê, hay làm nhân viên soát vé ở các rạp chiếu phim. Một vài bạn có ngoại hình đẹp, gương mặt xinh xắn có thể làm người mẫu ảnh cho các cửa hàng thời trang hoặc làm mẫu trang điểm cho các viện đào tạo học viên. Đa phần các bạn chọn những công việc này là bởi một phần sắp xếp được thời gian, một phần không bị gò bó bởi các nguyên tắc nơi làm việc.

sinh vien di lam them co can chuyen nghiep hay chi vien co la tam chieu moi chua tung trai - anh 0

Tuy nhiên, cũng có một vài bạn chọn những công việc về trí lực để làm thêm trong quãng đời sinh viên của mình. Những bạn giỏi ngôn ngữ hay có học lực khá ổn trong những năm tháng cấp 3 có thể làm gia sư tại các trung tâm hay gia sư tại nhà với mức lương khá ổn định. Đối với những bạn có tư duy sáng tạo, yêu thiết kế hoặc viết lách thì có thể làm những công việc của 1 freelancer. Freelancer là những người làm công việc tự do, có thể là một designer, copywriter hoặc một cộng tác viên của một dự án. Đây là công việc phổ biến ở thế hệ GenZ. Bởi lẽ, GenZ là thế hệ có khối óc sáng tạo và là thế hệ có thể vừa học tập, vừa mua sắm, vừa tán gẫu chỉ bằng một chiếc điện thoại. Việc tiếp xúc sớm với mạng internet đã thúc đẩy sự phát triển tư duy sáng tạo của họ.

Các bạn sinh viên GenZ ngày nay luôn ý thức được trong việc kiếm tiền để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Việc tạo ra tài chính bằng thể lực hay trí lực đều là những hành trang kinh nghiệm đáng quý cho việc đi làm sau này. Tuy nhiên, có một thực tế đáng e ngại đối với sinh viên ngày nay đó chính là sự thiếu trách nhiệm và không xem trọng nguyên tắc trong công việc part time.

Câu chuyện thiếu chuyên nghiệp và lý do muôn thuở “tấm chiếu mới chưa từng trải”

“Sinh viên đi làm thêm chỉ để học hỏi kinh nghiệm, kiếm vài ba đồng lẻ tiêu vặt thì cần chuyên nghiệp để làm gì?” hay “Em chỉ mới là sinh viên, em chưa trải qua bất cứ ngành nghề nào nên em không biết đi làm phải thế này thế kia”,... Một số bạn trẻ đưa ra trăm ngàn lý do để bao biện cho sự thiếu trách nhiệm của mình trong những công việc part time. Ở từng giai đoạn cuộc đời, công việc đầu tiên giống như vạch xuất phát, một số người sẽ tự ý thức và thực hiện thành công, cũng có người thất bại để rồi không xây dựng được cho mình tính kỷ luật khi đi làm.

sinh vien di lam them co can chuyen nghiep hay chi vien co la tam chieu moi chua tung trai - anh 0

Những câu nói “Tại sao em đi làm part time thôi mà chỗ làm việc phải bắt em phải làm việc như một nhân viên thực thụ?”, “Nhân viên part time có việc học đột xuất thì tự ý nghỉ mà quên báo cũng đâu có sao!”,... xuất hiện nhan nhản trong các nhóm sinh viên, bàn luận về công việc part time. Thực tế rằng, sinh viên đi làm thêm thường hay than vãn và đưa ra nhiều lý do với câu nói “sinh viên như tấm chiếu mới chưa từng trải”. Sinh viên là những bạn trẻ vừa rời khỏi sự bao bọc của cha mẹ. Khoảng thời gian học cấp là khoảng thời gian vô lo vô tư đã ưu ái cho các bạn những suy nghĩ và hành động có phần cậu ấm cô chiêu. Chính vì thế, khi lên đại học và bắt đầu đi làm thêm, các cậu ấm cô chiêu vẫn còn quen “nhung lụa” mà thường không tự trách nhiệm với công việc của mình.

“Trên đời này có bao nhiêu công việc part time nên không cần bó buộc bản thân vào mỗi công việc này để kiếm mớ đồng lương ít ỏi”. Đây là quan niệm làm việc của sinh viên khi đi làm thêm ở thời đại học. Tất nhiên đây cũng chỉ là một lý do mà thôi, mặt khác, có nhiều bạn hay chán nản công việc. Các bạn vội vàng xin việc khi vừa thấy bản tuyển nhân viên rồi cũng mơ màng đi học việc, thử việc, rồi thấy không vui, thấy chán phèo lại tự ý bỏ ngang. Và lại vội vàng tìm công việc tiếp theo để làm bán thời gian. Khi không có tính kỷ luật và tôn trọng nguyên tắc nơi làm việc thì dù cho có làm bất cứ ngành nghề nào, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời khiến cho quá trình tích kỹ kinh nghiệm nghề nghiệp dở dang.

Hãy bỏ tư duy “đang là sinh viên” và trở thành một nhân viên chuyên nghiệp

Khi bắt đầu lao vào môi trường làm việc, bạn sẽ nhận ra rằng kiếm được đồng tiền chẳng dễ chút nào. Chẳng thể làm việc qua loa, đại khái mà đòi lương cao ngút ngàn. Vậy nên, làm thêm bất kỳ công việc gì dù là chân tay hay đầu óc, việc hình thành thói quen tốt khi làm việc là điều rất cần thiết. Bởi lẽ, công việc part time ở thời sinh viên là nền tảng cho quá trình tiệm cận với sự nghiệp đầu tiên của cuộc đời. Đây có thể chỉ là một công việc bán thời gian nhưng khi bạn rèn luyện được tính kỷ luật cao, biết tiếp nhận và lắng nghe thì nó sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu hình thành nên phong cách của một nhân viên chuyên nghiệp. Khoảng thời gian đại học, sinh viên cũng có rất nhiều cơ hội đi làm để tích lũy kinh nghiệm, để học hỏi và tiếp xúc với những khó khăn đầu đời.

sinh vien di lam them co can chuyen nghiep hay chi vien co la tam chieu moi chua tung trai - anh 0

Hầu hết các nơi làm việc chọn nhân viên part time là sinh viên là để cho các bạn có cơ hội được học hỏi và có thêm thu nhập. Dù đây là một môi trường để học hỏi, nhưng đó là trường đời chứ không phải trường học, quản lý không phải là giáo viên, đồng nghiệp không phải bạn cùng lớp mà có thể sẵn sàng bao dung hay tha thứ cho nhiều lỗi lầm xảy ra của các bạn. Hãy cảm thấy biết ơn sau những lần nhắc nhở, kiểm tra công việc của bạn, đừng coi đó là điều hiển nhiên. Đừng cau mày nhăn nhó sau những lời càm ràm của khách hàng vì nó sẽ giúp bạn có những bài học đầu tiên trong kỹ năng xử lý phàn nàn của khách. Nên nhớ rằng, công việc sẽ mang đến trải nghiệm và nó sẽ giúp bạn tích góp kinh nghiệm. 

Là một sinh viên làm việc bán thời gian, các bạn hãy tự ý thức được công việc mình đang làm. Hãy phân bổ thời gian một cách hợp lý, cân bằng giữa việc đi học và đi làm. Nhưng hãy nhớ rằng, việc đi học là việc quan trọng nhất trong thời điểm này. Trong môi trường làm việc, hãy thật sự nghiêm túc với công việc đang làm, đừng làm việc với thái độ nửa vời hay làm việc với thái độ “thích thì làm, không thích thì nghỉ”. Mặt khác, hãy biết bảo vệ bản thân trước những chiêu trò chiêu dụ sinh viên, đừng vì một vài phút nông nổi của những trò lừa bịp mà bán rẻ đi tuổi trẻ. Bởi vì, tuổi trẻ đáng quý hơn bất kỳ thứ gì mà chúng ta đang nắm giữ. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn thuận tiện hơn trong việc tổng kết và phát triển bản thân khi cần thiết

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ