Tượng đài bị giật đổ, sóng sau không còn xô sóng trước, chẳng thể khỏa lấp dư luận… là những diễn biến lạ trong truyền thông giải trí Việt Nam.
Truyền thông giải trí được xem là một lĩnh vực truyền thông rất đặc thù, và nhất là tại Việt Nam. Không phải ai làm tốt ở các mảng khác cũng có thể làm được. Có rất nhiều nguyên tắc ứng xử, địa vị… cần phải biết để tránh vạ miệng hay đưa ra tư vấn sai lầm cho thân chủ. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, showbiz mấy nay dường thay đổi rất nhiều. Những nguyên tắc này một phần có được nhờ hào quang nghề nghiệp của các nghệ sĩ.
Tượng đài bị giật đổ
Trong suốt 30 năm làm nghề, anh đã xây dựng được cho mình một, hai hay ba; thậm chí là nhiều thế hệ cùng yêu mến mình. Nhiều nghệ sĩ đi sau coi anh như người thầy, xin lời khuyên từ anh trong các ứng xử nghề nghiệp.
Không chỉ giới nghệ sĩ, những người làm truyền thông giải trí tại Việt Nam đều dành tình cảm rất lớn với anh. Trong đó đa số đều cảm nhận được sự chân thành khi giao tiếp. Họ cũng dành nhiều sự ưu ái cho anh. Hai yếu tố tạo nên thành trì vững chắc cho sự nghiệp của Hoài Linh. Ở đây, tôi xin phép dùng chủ quan ý kiến để gõ ra những dòng vừa rồi.
Chính vì vậy, theo quan sát, sự kiện vừa qua với nghệ sĩ Hoài Linh là sự cố truyền thông lớn nhất trong giải trí Việt Nam suốt nhiều năm; nói không ngoa thì đây là khủng hoảng truyền thông lớn nhất giới giải trí từ trước đến nay. Số lượng bài viết tiêu cực trên các nền tảng về một nghệ sĩ lớn hơn bao giờ hết. Thậm chí từ khoá “Hoài Linh 14 tỷ” trên Google có hơn 24,7 triệu kết quả.
Còn trên công cụ Google Trend, trong giai đoạn từ 23-29/5, cụm từ Hoài Linh được tìm kiếm nhiều kinh khủng, đạt điểm 100 (mức tối đa) trong khi các giai đoạn trước đó chỉ 5-6.
Sự cố này gần như xóa nhòa khái niệm “tượng đài” vốn dĩ được mặc nhiên sóng yên bể lặng. Điều này khẳng định rằng mọi nghệ sĩ đều có thể trở thành một “con tốt” trên các trận chiến truyền thông.
Sóng sau không còn xô sóng trước
Công thức im lặng để scandal tiếp theo sẽ khỏa lấp đi sự kiện trước đó được sử dụng có chủ đích lẫn không chủ đích khá nhiều trong truyền thông giải trí ở Việt Nam. Còn nhớ gần 3 năm trước, một nam ca sĩ bị tố gạ tình một biên đạo sau khi đưa ra lời xin lỗi không được công chúng đánh giá là chân thành. Thông tin này bị chìm vì một luồng scandal khác nhen nhóm. Nhưng dường như lần này, sức công phá của khái niệm “cộng đồng mạng” mạnh hơn rất nhiều.
Một lúc “cộng đồng mạng” có thể đồng thời tấn công đến hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi, thuộc hàng cây đa, cây đề như NSND Hồng Vân, NSƯT Trịnh Kim Chi… Một nhóm người không xác định được là ai chĩa mũi tên bắn vào các chủ thể xác định. Các ngọn sóng này quá nhỏ bé so với tượng đài bị giật đổ nên rất khó có thể kéo giảm mức độ quan tâm của công chúng.
Thậm chí, các ngọn sóng lăn tăn như trường hợp của NSƯT Đức Hải cũng được xem là “xui” khi phát xuất thông tin trong lúc “cộng đồng mạng” đang trong cơn hăng máu.
Điểm chung của các trường hợp truyền thông trên đây đều đã quen cách ứng xử im lặng như truyền thống của giới giải trí Việt Nam bao lâu nay. Và như vậy họ đã mất thời cơ vàng trong xử lý khủng hoảng. Trong đó có Đức Hải, nam nghệ sĩ, lại chọn hình thức trả lời với công chúng vòng vo. Kéo theo dư luận càng thêm phẫn nộ.
Chính vì vậy, thế hệ công chúng hiện nay đã khác trước. Nên chăng nghệ sĩ Việt Nam cũng nên thay đổi cách ứng phó với khủng hoảng. Sự phản biện kịp thời với luồng thông tin xấu góp phần ngăn chúng lan toả, diễn giải ngày càng phức tạp hơn.
Nguồn: TH&PL