Sắc màu cô liêu trong những tác phẩm của Yasushi Inoue

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Yasushi Inoue thì “Súng săn” và “Bọ tuyết” là 2 tác phẩm mang phong cách viết hoàn toàn khác biệt.

Điểm chung duy nhất của hai tác phẩm này, và cũng là đặc trưng không thể nhầm lẫn trong các sáng tác của Yasushi Inoue là sắc màu của buồn thương, của tịch liêu. 

sac mau co lieu trong nhung tac pham cua yasushi inoue - anh 0
“Súng săn” và “Bọ tuyết” là 2 tác phẩm mang phong cách viết hoàn toàn khác biệt của Yasushi Inoue.

Sắc màu của buồn thương, của cô tịch cô liêu nhắc đến trong Súng săn cũng là đặc trưng trong sáng tác của Inoue thường được giới phê bình văn học trên toàn thế giới nhắc đến. Đó là sắc màu của một nét văn chương đậm chất Nhật Bản, đậm sắc sabi của một nỗi buồn tịch liêu.

Trong tác phẩm đầu tay Súng săn, sắc màu của buồn thương gần như bao trùm lên toàn bộ cuộc đời của các nhân vật được nhắc đến.

Khi biết đến sự thật về mối tình sai trái của mẹ mình, con gái Shoko không còn có thể nhìn thế giới này theo cách bình thường nữa. Cô luôn cảm thấy thế giới mà cô thấy bị nhuốm một sắc màu lạ, một sắc ủ dột như thể mặt trời đang lặn.

sac mau co lieu trong nhung tac pham cua yasushi inoue - anh 0
  Sắc màu của buồn thương trong "Súng săn" cũng là đặc trưng trong sáng tác của Inoue.

Đó chính là màu của buồn thương. Inoue đã sử dụng rất nhiều gam màu dữ dội để miêu tả tâm lý nhân vật trong Súng săn nhưng đều mang một điểm chung là để thể hiện những nét buồn thảm trong tâm lý con người.

Với Midori - người vợ trong câu chuyện, được Inoue miêu tả là "một con rắn nhỏ màu nâu đỏ, sinh trưởng ở vùng đất phương Nam nào đó", với những nọc độc chết người tiềm tàng bên trong, sẵn sàng khiến ai đó phải bỏ mạng.

Cô giấu kín chuyện ngoại tình của chồng và chị họ như một bí mật khôn cùng, cay nghiệt bắn ra những ẩn ý về phía chị gái họ, thầm lặng giả lả với người chồng ngoại tình. Cô là người lạ, là người cô đơn trong chính gia đình của mình.

Khác với Súng săn, gam màu của Bọ tuyết mang nhiều nét tươi sáng hơn, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những nét màu buồn thương và cô đơn.

sac mau co lieu trong nhung tac pham cua yasushi inoue - anh 0
  Khác với "Súng săn", gam màu của "Bọ tuyết" mang nhiều nét tươi sáng hơn.

Đằng sau những khung cảnh thiên nhiên gắn liền với thời thơ ấu của lũ trẻ cũng là những chi tiết thể hiện nỗi sợ và buồn thương trong số phận của cậu bé Kousaku.

Trong tuổi thơ của Kousaku, cậu bé không chỉ trải qua những gì là êm đềm và vui vẻ mà còn phải chứng kiến cả những tan vỡ và chia ly. Giống như hình ảnh bọ tuyết mà Inoue miêu tả, "không trắng muốt mà có lẫn một chút màu xanh biếc. Lúc trời còn sáng trông chúng trắng, nhưng khi bóng tối dần phủ xuống, sắc xanh của chúng rõ nét hơn", "dập dờn bay múa giữa khoảng không bắt đầu nhuốm màu bóng tối", nét buồn tịch liêu bàng bạc đặc trưng của Inoue đã thể hiện rất rõ ở đây.

Qua Bọ tuyết, Yasushi Inoue đã tái hiện trong tâm trí độc giả một tuổi thơ mà ông đã từng sống, mang những gam màu trong sáng và phóng khoáng bên người thân, bên gia đình và bạn bè dẫu cho cuộc sống của ông thời nhỏ vẫn còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, cùng nhiều nỗi lo và nỗi buồn khắc khoải về gia đình và thế giới ngoài kia. 

sac mau co lieu trong nhung tac pham cua yasushi inoue - anh 0
Yasushi Inoue.

Yasushi Inoue là văn sĩ người Nhật chuyên sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Dù bắt đầu sự nghiệp sáng tác tương đối muộn, Yasushi Inoue nhanh chóng trở thành một trong những cây bút xuất chúng của nền văn học hiện đại Nhật Bản, để lại một khối lượng tác phẩm vô cùng phong phú. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh.

Các tác phẩm tiêu biểu của Yasushi Inoue có thể kể đến: Đấu bò, Súng săn, Tường băng, Mái ngói Tempyo, Đôn Hoàng, Bọ tuyết, v.v.. Súng săn là tác phẩm đầu tay của Yasushi Inoue, được xuất bản sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Bọ tuyết là tiểu thuyết tự truyện của Yasushi Inoue.

'Cứu Con Mèo!' - sách dạy viết kịch bản nổi tiếng đã tới Việt Nam

Ra mắt sách 'Tật xấu người Việt' của nhà văn Di Li

Ra mắt tập di cảo 'Anh hùng còn chi' của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ