Review “Tro Tàn Rực Rỡ": Rệu rã bản tình ca người phụ nữ

“Tro Tàn Rực Rỡ" đưa hơi thở văn chương đượm buồn của Nguyễn Ngọc Tư lên màn bạc, kể câu chuyện tình yêu lứa đôi đậm chất đời sống lẫn “mùi” rệu rã của thân phận người phụ nữ.

*Bài viết tiết lộ nội dung phim.

Phim được chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư gồm Củi Mục Trôi Về và Tro Tàn Rực Rỡ. Lấy bối cảnh xóm nghèo Thơm Rơm, phim đưa đến vùng đất đặc quánh nghĩa tình người Nam Bộ. Nơi cất giữ câu chuyện tình đầy khắc khoải của những thân phận phụ nữ, suốt một đời chỉ hướng về người đàn ông đã chọn.

review tro tan ruc ro reu ra ban tinh ca nguoi phu nu - anh 0

Tro Tàn Rực Rỡ dưới sự thai nghén của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên suốt 7 năm và nhận sự hỗ trợ sửa thoại trực tiếp từ Nguyễn Ngọc Tư, phim đã chính thức ra mắt khán giả Việt sau khi chiến thắng hạng mục danh giá Khinh Khí Cầu Vàng (Montgolfière d'or/ Golden Balloon) tại Liên hoan phim Ba lục địa lần thứ 44.

review tro tan ruc ro reu ra ban tinh ca nguoi phu nu - anh 0

Phim là những mảnh vụn vặt xoay quanh gia đình, tình yêu của ba người phụ nữ ở xóm Thơm Rơm là Nhàn (Phương Oanh Đào), Hậu (Bảo Ngọc) và Loan (Hạnh Thuý). Mỗi thân phận là một câu chuyện riêng, mang nỗi oai oái khổ đau giữa đời sống này.

Tương phản thân phận "đàn ông" - "đàn bà"

Từ những biến chuyển tâm lý cho đến các góc quay, Tro Tàn Rực Rỡ mang đến cái nhìn rệu rã dành cho người phụ nữ. Nhàn với chấp niệm tình yêu của mình, rực rỡ như tro tàn sót lại sau đám cháy thế nhưng chằng chịt vết bỏng trong lòng. Cô sẵn sàng làm mọi thứ để mua vui cho người đàn ông của mình, cam chịu một đời trần tục nhỏ bé. Dù trải qua bao trận cháy đi nữa, Nhàn vẫn thế. 

Hậu với tất cả tấm chân tình đã mặc nhiên trở thành người đàn ông trong gia đình, sống và yêu và tường thuật là 3 động từ nói về Hậu. Cô hướng về tòa thành trong lòng, nơi cất giấu người mình đơn phương nay đã làm chồng trên danh nghĩa bằng tất cả những gì mình có. Đó là hạnh phúc cũng là khổ đau cho kiếp đàn bà của Hậu.

Loan, một phận phụ nữ khác, sống cuộc đời ngây dại sau khi bị cưỡng hiếp nhưng vẫn nuôi nấng cảm xúc về người đó. Tình yêu của Loan như một cơn mưa, đủ ướt át và đủ gió rít để động tới cảm xúc và chạm đến ý tứ của sự ngây dại. Và rồi, người phụ nữ này cũng không thoát khỏi sự cô quạnh, đớn đau chỉ vì yêu.

review tro tan ruc ro reu ra ban tinh ca nguoi phu nu - anh 0

Trái ngược với hình tượng người phụ nữ, đàn ông trong tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên sống động hơn. Mặc dù vẫn là nỗi quằn quại, khổ đau đó nhưng được phô bày rõ nét trên màn ảnh. Và ít ra, bên cạnh họ, đằng sau họ còn có bóng lưng của những người phụ nữ. 

Mất đi người thân, không có được tình cảm người mình thương, đối diện với người vì mình mà khổ sở,... có đau khổ, có vật vã nhưng những điều này không được Hậu nhìn thấy để kể lại. Những người đàn ông trong Tro Tàn Rực Rỡ liệu đáng thương hay đáng trách, liệu họ có đứng ngoài đám cháy số phận đang ngùn ngụt khói kia không?

Đàn ông ở xó quê thường sẽ hành hạ đàn bà bằng 2 cách: một là vũ lực, hai là lặng thinh. Ở Tro Tàn Rực Rỡ, sự lạnh nhạt thật sự là một đòn chí mạng đối với một mối tình. Cả ở Hậu và Nhàn, họ đều nghĩ rằng nhiệm vụ của vợ là làm cho chồng vui dù phải đánh đổi niềm vui ấy bằng niềm đau chính mình.

review tro tan ruc ro reu ra ban tinh ca nguoi phu nu - anh 0

Không đánh đố, rất đời thường

Chất liệu trong Tro Tàn Rực Rỡ là hơi thở phảng phất mùi gỗ mục, mùi mưa dầm, mùi củi cháy,... Ở làng quê nghèo đó, không ai có quá nhiều sự lựa chọn, thế giới quan của họ xoay quanh những gì gần gũi và nhỏ bé. Có người để tang cuộc tình vì không cưới được người thương ở thanh xuân, cũng có người khờ dại đến cuối đời vì siết chặt mảnh tình vô âm. Những câu chuyện điển hình trong tình yêu mà người ta dễ cảm thấy và đồng cảm với nhân vật.

Mạch truyện được thiết kế chậm rãi, từng khung hình lắng đọng, có chiều sâu về mắt thị giác lẫn cảm giác. Lửa là đại diện cho thời kỳ huy hoàng của bất kỳ câu chuyện nào, nó sáng và rực rỡ như ai cũng từng sống cuộc đời hạnh phúc thoáng qua. Biết đâu, Nhàn ở trong đám cháy đó Tam sẽ yêu cô như xưa. Lửa cháy thành tro tàn, tàn phai mái ấm êm đềm lẫn tàn lụi một cuộc tình, một con người. Các cảnh cháy trong phim không làm người ta cảm thấy bị dàn dựng mà chân thật, dù phim cháy và cháy rất nhiều lần.

review tro tan ruc ro reu ra ban tinh ca nguoi phu nu - anh 0

Một lời khen cho Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vì khéo léo truyền tải được thứ ngôn ngữ điện ảnh thi vị hoá nhưng sến súa và dài dòng. Phim còn rất đời khi pha nhiều miếng cười tự nhiên trong bối cảnh đáng nhẽ cần sự nghiêm túc, tiếng "Đụ má" của con chim Hậu nuôi chất đầy nét đặc trưng giao tiếp của người Nam bộ.

Các diễn viên cũng là mảnh ghép hoàn hảo giúp phim thành công, Juliet Bảo Ngọc Doling vừa vặn với vai diễn dù đài từ có đôi khi lộ điểm yếu. Phương Anh Đào mãi mới trở lại với vai diễn bứt phá và phô bày các kỹ năng điện ảnh, cô đã có sự mềm mại hơn so với các dự án trước. Hạnh Thuý là điểm sáng của bộ phim với lối diễn xuất chắc tay dù thủ một vai nặng đô về mặt tạo hình lẫn tâm lý. Quang Tuấn và Lê Công Hoàng đã đau nỗi đau người đàn ông rất đặc biệt trong sự góp mặt lần này.

Nhìn chung, bộ phim là một dự án vừa vặn về mọi mặt, nhất là với những tâm hồn yêu văn chương Nguyễn Ngọc Tư và yêu ngôn ngữ điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên. 

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ