Lần nào trước khi lên sân khấu, Phương Nam cũng nghe đúng bài hát "vía" - Wake Up In The Sky - cho thêm phần tự tin và giữ mood thật cao để mang lại tiếng cười cho khán giả. Sau những lần thức dậy trên mây, Phương Nam thật sự là ai?
Biết Nam ở buổi Open Mic tại một quán rượu, lúc đó mỗi lần Nam đến đều order một ly Whiskey Sour và khen lấy khen để. Giờ gặp lại Nam, Whiskey Sour thay bằng nước lọc, cái bắt tay chào nhau bằng say hi qua màn hình.
Phải nói là mất rất lâu để hoàn thành bài viết bởi cuộc nói chuyện với Nam vừa kiểu hai người bạn, vừa như tâm sự cùng người lạ.
Thôi thì, để độc giả tự trò chuyện cùng Phương Nam.
Giờ có cho chọn lại đồ uống, tui vẫn chọn Whisky Sour. Nhưng nếu ở nhà thì sẽ chọn bạc sỉu, tại ở nhà hay ra quán cà phê thì làm gì có Whisky Sour hoặc đi bar thì làm gì có bạc sỉu đâu.
Tính cách này hình thành một phần cũng vì gia đình. Gia đình là nơi để tui thoải mái thể hiện cảm xúc. Ví dụ như ba mẹ tui gặp nhau là ôm nhau, tui với em mình gặp nhau cũng ôm, nói chuyện. Điều này đã là văn hóa thoải mái trong nhà, cho nên cũng là cách hình thành nên con người luôn. Tức là tui không bị giấu cảm xúc, kể cả khi nóng tính. Tui cũng ít khi gặp phải chuyện gì khiến mình "nổi đóa". Làm việc với Saigon Tếu tầm 1 năm rồi thì hầu như không ai thấy tui nóng tính hết.
Nếu mà tức lắm thì cũng chỉ nói chuyện thôi, chứ còn gây sự hay làm ầm ĩ lên thì tui không nghĩ con người mình như thế. Thứ nhất là tui không thích la lối hay làm quá lên khi đang tức giận. Tại vì nó thể hiện mình không phải là người biết kiểm soát cảm xúc.
Thứ hai là phiền, giận dữ không giải quyết được vấn đề gì hết. Khi có mâu thuẫn, đồng ý là có thể lớn tiếng, nhưng chửi bới hay cộc lên đập phá thì hoàn toàn không.
Đôi khi cảm xúc nó cần phải thoát ra, nhưng tui biết cách để nó thoát ra nhẹ nhàng nhất, thoải mái nhất, nó "xì" chứ nó hỏng có "đùng".
Kiểm soát cơn nóng giận cũng phải học. Và vấn đề là mình biết mình đang làm gì, đang nói chuyện với ai và vì mục đích gì thì mọi thứ dễ kiểm soát hơn. Ví dụ "tôi đang chia sẻ quan điểm của tôi, nhưng bạn không quan tâm mà bạn cố chứng minh bạn đúng". Tất nhiên là tức chứ, bực chứ, nhưng nếu hét vào mặt họ thì đâu có đúng mục đích ban đầu.
Cơ bản là bây giờ mình có hét lên, hay nói nhẹ nhàng, hay hát cho họ nghe một bài, viết cho quyển sách thì họ cũng không quan tâm vì ngay từ đầu họ cũng đâu có muốn nghe
Khi đó mình sẽ biết được là mục đích của mình là nói, còn họ không nghe thì thôi, kệ.
Tui là tuýp chung thuỷ và dễ nghiện nên ăn hay uống đều chọn đúng một loại. Kiểu, đi Koi sẽ uống đúng Black Tea Macchiato hoặc nếu nhắc gà rán thì tui chỉ nghĩ đến KFC chứ không ăn chỗ khác. Tui dễ nghiện vậy đó chứ ai hỏi tui có gây nghiện không thì không biết. Nhưng với tất cả sự tự tin và liêm sĩ này thì tui nghĩ là có.
Nãy mới nhắc chung thuỷ, sẵn nói luôn.
Trước giờ tui yêu có 2 người, tình chính thức là 2 chứ còn hẹn hò tìm hiểu đi chơi này nọ thì nhiều. Vì cơ bản tui thích nói chuyện với mọi người nhưng nếu đi vào câu chuyện quen hay không quen thì tui luôn muốn rõ ràng.
Có thể tui nói là "ok anh có thích em" nhưng trong quá trình tìm hiểu mà tui thấy không hợp thì dù có thích cỡ nào đi nữa tui vẫn sẽ không quen.
Còn chung thuỷ hay không thì tui không dám nói trước. Như bây giờ tui khẳng định: "Tui là người chung thuỷ nè". Xong khoảng chục năm sau tui lấy vợ, thay tính đổi nết rồi ngoại tình. Lúc đó mọi người lại chỉ trích tui. Chứ còn xét trong quá khứ thì tui tự tin là người chung thuỷ.
Mấy cái tính đó tui biết định nghĩa Phương Nam là người như thế nào thì khó. Tui nghĩ mình cũng hiểu rõ bản thân lắm nhưng để tự khái niệm con người của mình thì không dễ.
Thường thì những người làm việc với tui sẽ có hai luồng ý kiến. Một là nói tui như con nít, hai là nói tui giống ông cụ non. Nói chung tui không biết mình đang ở ngưỡng nào. Hướng nội cũng không hướng nội mà hướng ngoại cũng không hướng ngoại. Tui ở một mình cũng rất vui, nhưng khi ra ngoài vẫn quẩy hết mình.
Có thể tui mình đang trong giai đoạn đi khám phá bản thân, khai mở những khía cạnh mới để tìm đúng con người của mình.
Còn miêu tả con người tui thì chỉ có 2 chữ: May mắn và Tình cảm.
Những gì xảy ra trong cuộc đời khiến tui cảm thấy tui rất may mắn.
Về mặt gia đình: rất vui vẻ, hạnh phúc. Ba mẹ là người khó vừa đủ và tâm lý vừa đủ để tui phát triển tự do. Tui có em trai, mối quan hệ của cả hai như là tri kỷ, là bạn thân.
Còn về bạn bè, công việc thì càng may mắn hơn. Người ta hay nói mọi thứ xảy ra là vì mình giỏi. Nhưng tui nghĩ may mắn đã chiếm khoảng 50% rồi. Ví dụ như gặp được những con người rất xịn trong Saigon Tếu.
Tui nghĩ may mắn có thể là một kỹ năng nhưng tui chưa thể kiểm soát được. Bây giờ thì kiểu cái gì may mắn thì nó sẽ tới, còn cái gì không tới thì... mình tự cố.
Còn nếu hỏi tui có thấy mình là một người thông minh không thì có nha. Có. Hoàn toàn tự tin và công nhận là tui thông minh. Vậy chứ chưa sử dụng hết, tại tui hơi bị lười.
Hồi đại học năm thứ 2 hay thứ 3, Phương Nam lúc đó chỉ có một guồng quay đơn giản, chẳng khác gì cuộn băng tua đi tua lại mỗi ngày. Lúc này tui bị khủng hoảng hiện sinh. Tui không biết mình là ai, đang ở đâu, có thể làm được gì.
Mỗi ngày tui đều lướt mạng xã hội, xem YouTube. Lúc đó tui cực kỳ thích xem hài của người nước ngoài.
Hôm đó mới ăn cơm xong, tui ngồi xem thời sự với ba thì có đoạn một người nước ngoài đang quảng bá cho xuất diễn hài độc thoại bằng tiếng Anh. Nên tui tìm trên Facebook rồi nhắn tin ngỏ lời muốn học thử, thì người đó phản hồi bằng cách đưa địa chỉ, kêu tui đến đi.
Tui còn nhớ rõ hôm đó là 24/9/2019. Tui đến quán với tâm thế là đi xem cho biết thôi. Vậy mà tới nơi thì người đó hỏi: "Mày có diễn không?", tui ngạc nhiên tại vì đâu biết bắt đầu từ đâu và chưa chuẩn bị gì nên cứ vào xem thôi.
Vào rồi mới biết đây là buổi Open Mic (pv: sân khấu tự do, mọi người đều có thể lên trình diễn), có rất nhiều người, đa số là người nước ngoài. Còn tui chỉ ngồi dưới xem người ta thử joke (pv: miếng hài) thôi.
Trong lúc xem thì tui có nảy ra một vài ý tưởng. Đến gần cuối buổi, tui xin 5 phút để diễn thử. Đây là lần đầu tiên tui bắt đầu hài-độc-thoại luôn, mà còn bằng tiếng Anh nữa. Vậy mà mọi người phản ứng tích cực và rất thích thú nên tui cảm thấy mình quá may mắn. Thêm nữa chắc là có duyên với sân khấu nên dù lần đầu, tui vẫn diễn thoải mái, tự nhiên, không lo lắng gì.
Rồi tự nhiên bên dưới có người khán giả để ý tới mình, sau đó còn xin Facebook nữa. Lúc đầu cũng nghĩ vui không biết có phải gạ gẫm gì không nhưng may quá, không có gì.
Về nhà thì người khán giả lúc nãy là anh Uy Nguyễn. Anh nhắn tin:
"Ê Nam, em diễn được bằng tiếng Việt không?"
"Em không biết nữa, hôm open mic là em diễn bằng tiếng Anh, chứ tiếng Việt em chưa thử bao giờ".
Hôm đó là lần đầu tui diễn luôn mà ảnh kêu tui diễn tiếng Việt, cũng lo chứ. Nói chuyện một lúc, anh Uy Nguyễn kêu ghi âm gửi thử. Tui cũng làm, xong ảnh nói: "Hổng vui Nam ơi". Lúc đó hơi quê xíu chứ tui vẫn chắc nịch: "Vui mà, anh phải tin em".
Rồi anh Uy Nguyễn tổ chức show Open Mic bằng tiếng Việt ở quán cà phê ngay quận 1, có khoảng 15 người khách. Lúc đó chỉ có 3 người là tui, anh Uy Nguyễn và một người anh nữa. Và lần đầu tiên tui diễn hài tiếng Việt, diễn lại các joke đã gửi cho anh Uy Nguyễn, mà rất vui nha. Đặc thù hài của tui là phải… nhìn thấy tui. Vì thế mạnh của tui là ngôn ngữ hình thể và biểu cảm khuôn mặt.
Sau đó anh Uy Nguyễn có đi gặp anh Tùng, rồi rủ qua show của anh Tùng luôn. Lần thứ 3 tui diễn là tại quán anh Tùng. Và chỗ của anh cũng là nơi để 3 anh em diễn hài độc thoại.
Được khoảng 1 năm, anh Tùng nói ba anh em nên nghiêm túc với công việc này, dù chỉ là sở thích thì cũng nên làm nghiêm túc. Sau đó anh Tùng liên hệ với anh Uy Lê, rủ ảnh làm hài tiếng Việt. Lúc đầu anh Uy Lê cũng lo lắng. Nhưng lúc qua nói chuyện, anh Uy Lê diễn thử thì phát hiện anh rất duyên.
Kể từ đó 4 anh em bắt đầu diễn chung.
Đến tháng 5 thì thành lập Saigon Tếu và hoạt động đến giờ.
Ngay từ lúc bắt đầu hài độc thoại đến giờ thì đúng là có ít thăng trầm. Tui cảm thấy mọi thứ xung quanh đều suôn sẻ và khá may mắn.
Vừa lập nhóm vào tháng 4/2020 thì dính Covid-19, đúng đợt giãn cách, mọi người ở nhà nhiều, xem YouTube nhiều nên biết đến Saigon Tếu.
Còn năm nay dịch kéo dài, cũng là động lực để tụi tui sáng tạo hơn. Thực ra Saigon Tếu đang phát triển một mảng nữa, đó là kịch ứng tác. Kịch ứng tác là một cái dạng kịch không có kịch bản. Nó giống như một trò chơi, có luật chơi giống Tếu ứng tác.
Tại vì giống như hai thế giới khác biệt vậy. Thật ra con người tui vốn hài hước rồi, nhưng khi gặp Saigon Tếu thì được phát triển hơn. Khi mà niềm vui không chỉ để gây cười mà còn là thứ để tui phát triển sự nghiệp. Nên tui nghĩ mình cần thật sự nghiêm túc với nó.
Ở phần 1, tui nghĩ tui làm gì cũng cho vui thôi, không bền. Diễn hài độc thoại cũng chắc là do sở thích, lâu dần sẽ đổi. Nhưng khi bước qua phần 2, tui gặp mọi người và không ngờ có thể đi xa đến vậy. Mọi người củng cố cho tui rằng: À, đây là cuộc sống thật sự của tui.
Tui cũng chưa từng trải qua môi trường làm việc nào đến khi gặp Saigon Tếu. Thử hình dung: Phương Nam - một đứa mới ra trường, học tâm lý, không có gì liên quan đến truyền thông, bây giờ là influencer và có thể làm việc chuyên nghiệp.
Ngay cả quan niệm sống của tui đôi khi cũng có nhiều thay đổi. Giờ thì Saigon Tếu giống như gia đình thứ hai.
Ở mỗi giai đoạn, từng thành viên trong gia đình thứ hai này đều có tác động, cho tui nhiều bài học. Ví dụ như nếu không có Uy Nguyễn thì sẽ không bao giờ có tui hoặc tui sẽ diễn tiếng Anh cả đời. Và nếu như ảnh không dắt tui tới gặp anh Tùng thì ba anh em sẽ không có một cái show nào cả.
Còn anh Tùng là người luôn ủng hộ, củng cố niềm tin vào tài năng của tui nhiều nhất. Nhưng nếu không có anh Uy Lê thì sẽ không có Saigon Tếu như bây giờ. Có tất cả rồi mà không có anh Hiền để sản xuất, chịu trách nhiệm toàn bộ quay phim rồi edit trên kênh thì cũng chẳng ai biết đến tụi tui.
Và trong giai đoạn hiện tại, người mà có ảnh hưởng nhất thì là Uy Lê, không phải ảnh hưởng với riêng tui mà ảnh hưởng với cả team về mặt hài độc thoại kể cả ứng tác.
Tui có một "nghi thức" để lên dây cót tinh thần. Đó là nghe nhạc. Tui nghe duy nhất bài Wake Up In The Sky, chỉ cần nghe đúng bài đó là mood rất tốt.
Nếu có một ly Whiskey Sour nữa thì tuyệt, còn không thì một ly nước lọc.
Nói chung, tui làm mọi thứ để đầu óc, cơ thể thoải mái hết sức có thể. Vì yếu tố làm nên thành công của một người diễn viên hài là tự tin. Cho dù chuẩn bị nội dung tốt cách mấy mà lên sân khấu bị run, để khán giả thấy mình không thoải mái, thiếu tự tin thì không được.
Nói đến tự tin thì lại mơ hồ. Nhưng nếu hỏi có tự tin không thì tất cả thành viên trong Saigon Tếu đương nhiên phải tự tin.
Nhưng đôi khi có những show mà tụi tui cũng không thực sự tự tin vào set diễn. Có khi ở khâu chuẩn bị kịch bản chưa tốt hay mình thấy kịch bản chưa ổn. Với cả có khi tần suất show dày nên thỉnh thoảng cũng gặp tình trạng kịch bản không chất lượng.
Và khán giả hầu như cứ 100 người thì có khoảng 20-30 người xem lại. Nếu cứ diễn các joke cũ thì không được, nên một áp lực vô hình thúc đẩy tụi tui phải sáng tạo và sáng tạo nhiều hơn.
Để tự tin hơn về set diễn, Saigon Tếu luôn luôn có những buổi tập, những buổi họp joke. Trước show, tụi tui hẹn ra quán cà phê để họp. Nói họp vậy thôi chứ mỗi người sẽ trình bày phần của mình để cả team góp ý, rồi về chỉnh sửa lại. Những buổi họp này thường dễ gây "trầm cảm".
Tinh thần của buổi này là phải chê, càng chê nhiều càng tốt. Tìm được cái gì để chê là phải chê liền, để khi lên sân khấu tiết mục hoàn hảo nhất có thể.
Kịch bản vẫn là của riêng người đó, nhưng đã được các thành viên khác góp ý. Nên mỗi set diễn đều mang dấu ấn cá nhân và vẫn có tinh thần hỗ trợ của cả nhóm. Nên đây là điều tui thích nhất trong Saigon Tếu, vì tui không làm việc một mình. Dù tính chất của hài độc thoại là độc lập nhưng tụi tui vẫn giúp đỡ lẫn nhau để mang điều tốt nhất đến khán giả.
Đa phần các joke của tui là câu hỏi, tại tui là một đứa hay hỏi, hay "ý kiến" và đặt vấn đề với những thứ mọi người cho là bình thường. Nếu để ý, cuộc đời này có nhiều nghịch lý mà không ai thắc mắc.
Ví dụ như chuyện bị té. Đáng lẽ mọi người xung quanh phải giúp người té đứng dậy chứ tại sao lại cười? Rồi cái đứa té vừa té đau mà lại cảm thấy xấu hổ vì đã té, vì cái "sự té" của nó làm phiền mọi người. Đấy là góc nhìn khác từ tui.
Và kịch bản là điều không thể thiếu trong hài độc thoại.
Có thể kịch bản hài độc thoại không hoàn chỉnh như phim, vì chỉ có những dòng ghi chú nhỏ và keyword (từ khoá chính) cho set diễn thôi. Tui chỉ ghi ra như một mind map (sơ đồ tư duy) để nắm được sườn, biết hôm nay nói về chủ đề gì, cần những nhánh nào.
Thường thì phần trình diễn của tui gồm 50% kịch bản và 50% ứng biến. Tui là người cộng hưởng năng lượng, khán giả càng cười thì càng sung, càng sung thì não càng mở ra để nghĩ nhanh những miếng hài.
Giống như set diễn Bến Phú Định, chỉ có 30% kịch bản, còn lại là tui nghĩ ra lúc lên sân khấu. Tất cả những gì tui chuẩn bị là mang cảm xúc trong ký ức để kể lại câu chuyện đi giao giày. Thế là mang hành trình đó lên sân khấu, để cùng với khán giả khám phá chặng tiếp theo. Vậy mà mọi người rất vui, cười rất sảng khoái. Về nhà xem lại cũng không hiểu sao lúc đó nói được như vậy.
Cũng may mắn, đó giờ đi diễn hầu như chưa có khoảnh khắc nào khiến tui bị "sượng trân" trên sân khấu. Chỉ là có một điều cũng là unhealthy (không tốt) cho hài độc thoại.
Lúc đó tui tới diễn cho tiệc cuối năm của công ty nọ. Khi tui lên sân khấu thể hiện tiết mục thì bên dưới mọi người nói chuyện với nhau. Bình thường khán giả đến xem hài độc thoại thì chỉ để xem, họ sẽ ngồi im để lắng nghe. Còn hôm đó, mọi người còn không biết tui sẽ làm gì trên sân khấu. Và hầu như chẳng ai quan tâm, không một ánh mắt nào hướng về để xem thằng này làm gì trên sân khấu cả.
Tui vẫn cố gắng hoàn thành tiết mục, dù bên dưới mọi người tập trung cho bữa tiệc.
Mặc dù biết tui chỉ là một phần của bữa tiệc nhưng cảm giác người khác không quan tâm mình nói gì nó thật sự rất tệ. Lúc đó tui tự nói với bản thân: "Người ta book mình tới đây để diễn, thì mình tập trung diễn cho xong, đừng trông chờ vào cảm xúc, đây không phải show của mình".
Và tất nhiên sau này tui hạn chế nhận những việc như vậy.
Mặt khác, tui hiểu khán giả không có lỗi, chẳng có gì sai cả. Họ không quan tâm, họ không biết đến mình là chuyện bình thường. Chính những buổi như vậy làm tăng bản lĩnh sân khấu cho tụi tui. Ví dụ sau này đang diễn có rớt miếng thì tui cũng không thấy nó quá tệ. Hay nếu khán giả không cười thì cũng chẳng sao, tui sẽ sửa lại joke, nhưng ít nhất họ có lắng nghe.
Thôi quay lại chuyện mấy cái joke.
Thường mấy chủ đề tục tĩu hay tình dục lại dễ gây cười hơn.
Đúng là chủ đề sex là chuyện muôn thuở, nói 3 năm không hết. Nhưng nếu cứ phụ thuộc vào cái đó thì nó không tốt, nên tui phải cố gắng chọn những chủ đề khó hơn, mang tính thử thách hơn.
Phải nói rằng khoảng thời gian chuyển từ chủ đề sex sang cái mới cũng rất khó khăn. Tui bắt đầu tìm hiểu những cái có chiều sâu. Kiểu, tui khai thác đề tài liên quan đến xã hội nhiều hơn, như là bạo lực học đường hay các vấn đề tâm lý.
Nói thiệt là những chủ đề như vậy rất khó. Ví dụ như nói về chuyện hồi nhỏ tui bị bắt nạt nó khó hơn gấp trăm ngàn lần những joke về sex. Thứ nhất, tui có cảm xúc tiêu cực với nó, và nó cũng không có gì vui vẻ để nói ra mà tui phải làm cho nó vui. Khó đó, nhưng cuối cùng tụi tui làm được.
Thường thường mọi người hay nghĩ hài độc thoại phải tục mới vui. Rõ ràng chuyện văng tục với hài độc thoại là bình thường. Ví dụ set diễn Té, tui lấy tình huống là xin ba đi chơi. Ba tui nói là đéo thì tui đem nguyên văn vào. Và chữ đéo ở đây có mục đích tạo miếng, cũng như theo sự kiện có thật. Không phải tui chế ra để cho vui. Còn tự nhiên tui nói thì cái đó là chửi thề, chứ nó không có vui.
Ngoài mấy cái joke sex hay tục tĩu, chủ đề body language (ngôn ngữ hình thể) cũng làm khán giả cười hoài. Những joke thiên về nội dung thì khán giả nghe 1-2 lần thì chán rồi. Nhưng body language thì khác, có những joke tui diễn đi diễn lại chắc cỡ chục lần thì người ta vẫn cười. Hầu như những set diễn về hình thể của tui đều gây cười. Nhất là về con sóc bay, nhớ không? Tui có thể diễn chắc cả 50, cả trăm lần cho một người thì họ vẫn cười.
Nhưng không phải chủ đề nào tui cũng có thể biến thành joke được. Đôi khi có những chủ đề khó khai thác là vì mình hỏng thấy vui. Như là ngày xưa bị bắt nạt, những nỗi buồn, thứ mình cảm thấy nó không vui ví dụ như là mất tiền, mất thú cưng… thì nó rất là khó.
Hay giống như là, mình phải diễn hài về một người nhưng nhìn người đó mình cảm thấy không vui. Có khi mình đang vui mà mình nhìn người đó mình tụt mood theo luôn. Thật ra tui có làm 1 set diễn về ba. Ngày xưa ba tui rất khó tính nên tui có nhiều cảm xúc tiêu cực. Kiểu tui với ba khắc khẩu nên rất khó để diễn về ba. Nhưng mà tui đã làm được, và diễn đúng một lần. Đến giờ tui chưa dám diễn lại, nhưng chắc sau dịch sẽ thử lần 2.
Đó, mọi người có thể hình dung ra cách mà diễn viên hài tụi tui phát triển. Khi đã quá giỏi khai thác về một tầng chủ đề ở trên, tụi tui phải đào sâu xuống. Phải thử thách, thử thách thì mới nâng skill lên được.
Để tìm cảm hứng cho chủ đề mới thì phải quan sát, để ý cuộc sống và bản thân. Hài độc thoại là cuộc đời, nó là mọi thứ, là những thứ xung quanh và cả quan điểm nữa.
Mà nói nghe, mọi người đừng thấy tui có nhiều joke nghĩa là tui sành đời. Không phải đâu, ngược lại, tui là người ít trải nghiệm. Nhưng với tui, đã gọi là trải nghiệm với tui rồi thì nó phải sâu sắc.
Ví dụ như với hài độc thoại, khi đã chọn là đi tới giờ luôn hay như uống 1 ly nước là uống hoài. Thậm chí tình đầu của tui, tui quen 8 năm trời. Chứ nói biết nhiều biết rộng thì tui không có, còn nhiều thứ tui không biết lắm.
Nói đi cũng phải nói lại, trải nghiệm nhiều mới là lợi thế của hài độc thoại. Tui biết trải nghiệm tui chưa nhiều nên tui khai thác sâu. Tức là cùng một chủ đề nhưng có nhiều góc và hướng khác nhau để nhìn.
Tui nghĩ tui có kỹ năng hoạt ngôn và thấu cảm để phù hợp với nghề. Thấu cảm chứ không phải đồng cảm, nghĩa là tui có khả năng "feel the beat". Dù chưa từng trải qua chuyện đó nhưng nghe kể thôi tui cũng gần có thể đặt mình vào để hiểu câu chuyện của họ.
Hai khả năng này giúp tui hai điều. Một là tâm lý, tui hay nói chuyện với bạn bè và tụi nó nói tui học ngành tâm lý là đúng rồi. Thứ 2 là hài độc thoại, tui hiểu khán giả muốn nghe gì, và flow nào sẽ dễ đi vào lòng họ nhất.
Diễn hài để khán giả vui thì tui cũng phải vui vẻ. Thật ra tui là kiểu dễ vui dễ buồn. Nhưng nếu có buồn thì chỉ cần về với gia đình, gặp thằng em tui là lại vui. Dễ lắm. Nguyên một ngày đi làm mệt mỏi ở ngoài đường, chỉ cần về nhà với gia đình và thấy sảng khoái, vui lại liền.
Tui rất may mắn khi có gia đình như là cục sạc pin to đùng. Lỡ hết pin, hết năng lượng về nhà "sạc" là xong. Hoặc niềm vui của tui đơn giản lắm, mỗi khi thức dậy, uống một ly cà phê nóng tui cũng vui, xem bộ phim hay cũng vui, nghe bài nhạc hợp rơ là lên mood. Nên tui ít khi nào buồn lắm.
Giờ giãn cách, cuộc sống bị lầy hơn, trì trệ hơn. Lúc mà mỗi tuần đều có show thì tui có động lực để viết joke hoặc làm nhiều thứ hơn. Và không có dịch thì cả đám thường hẹn ra quán cà phê hoặc là đi đâu đó. Vì ngồi ở nhà là không đứa nào chịu viết hay làm gì đâu. Vậy chứ ra cà phê ngồi nói chuyện một hồi lại có joke.
Nói đi cũng phải nói lại, tui nghĩ mùa dịch của tui cũng đỡ chán vì gia đình tui rất vui. Tui ở nhà với gia đình là không bao giờ chán. Nếu có thì thói quen lặp đi lặp lại thôi. Còn những việc của Saigon Tếu mới bị ảnh hưởng nhiều. Tụi tui là người cần khán giả trực tiếp, cần làm show. Hài hước cũng giống như cơ bắp, không dùng không tập thì bị mất, rồi dần dần tiêu biến luôn.
Cho nên bây giờ tụi tui ở nhà sẽ tổ chức những hoạt động online như kịch ứng tác, để giữ và duy trì cơ bắp. Hy vọng Sài Gòn sớm khỏe chứ tụi tui nhớ khán giả lắm rồi.
Nguồn:TH&PL