Nhiều người ủng hộ quan điểm của Suboi và cho rằng việc hiểu đúng về nữ quyền sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình thúc đẩy bình đẳng giới.
Hiểu đúng về nữ quyền
Cách đây 3 năm, MC Trấn Thành từng phấn khích khen ngợi rapper Suboi: "Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền". Cộng đồng mạng khi ấy cho rằng Trấn Thành đang đánh giá thấp sự cố gắng của những người đang muốn khẳng định nữ quyền và bình đẳng giới.
Nội dung liên quan
Ngay sau đó, rapper Suboi đã livestream trên Instagram cá nhân và chia sẻ: "Chuyện đòi nữ quyền ở đây không phải ghét đàn ông hay gì cả. Nhưng ngược lại, từ đó giờ những người ghét Su hay chỉ trích Su toàn đàn ông. Đúng hơn là con trai vì giờ mình đã tìm được một người đàn ông rất tuyệt vời. Mình rất biết ơn vì chuyện đó.
Mình thấy câu của anh Trấn Thành nói không hợp lý. Mình chỉ muốn cho mọi người biết là những người phụ nữ mạnh mẽ không có nghĩa là họ muốn tranh giành với đàn ông.
Nhưng việc trọng nam khinh nữ từ lâu của Việt Nam đã để lại những chuyện như người đàn ông gia trưởng, luôn muốn phụ nữ phải im lặng và đứng đằng sau. Nói chung là tư tưởng phụ nữ sinh ra là để sống cho người khác chứ không được sống cho mình".
Gần đây, đoạn chia sẻ này của nữ rapper được cộng đồng mạng "đào" lại và thảo luận sôi nổi. Nhiều người ủng hộ quan điểm của cô và cho rằng hiểu sai về nữ quyền có thể khiến tình trạng bất bình đẳng giới, tính nữ độc hại, nữ quyền độc hại, v.v. thêm tiêu cực.
TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) từng chia sẻ: "Nói một cách ngắn gọn, nữ quyền là phong trào chính trị - xã hội, nhằm khẳng định và đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cá nhân.
Phong trào nữ quyền thách thức mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới hiện tại, đòi hỏi sự bình đẳng về cơ hội việc làm, học tập, tham gia chính trị, xã hội và đời sống gia đình và cá nhân.
Nhìn vào hầu hết diễn đàn cho phụ nữ hiện nay, dường như chính chúng ta lại vẫn cứ đang ràng buộc phụ nữ vào những vấn đề muôn thưở, củng cố những mối quan hệ bất bình đẳng bằng việc chỉ gắn phụ nữ với bếp núc, với những đối xử trong gia đình thay vì mở rộng phạm vi quan tâm của phụ nữ.
Đúng là các diễn đàn cho phụ nữ đang củng cố những quan điểm cũ là phụ nữ phải 'truyền thống' bằng việc dạy nấu ăn, mách nhau mẹo trang điểm cho đẹp, nhưng để làm gì? Để giữ chồng, canh chồng, làm đẹp lòng và giữ chặt ông ấy ở nhà mà chưa bao giờ đặt ra câu hỏi làm thế nào để có ông chồng thay đổi?
Nhưng bởi vì tự 'giam mình' trong những khuôn mẫu ở trên nên nhiều người lại nghĩ rằng chia sẻ những kinh nghiệm đó là đang làm điều rất tốt cho phụ nữ. Cuối cùng phụ nữ chỉ quanh đi quẩn lại trong những chuyện thế thôi.
Và rồi những diễn đàn đó lại đả phá những người theo quan điểm nữ quyền, họ nói rằng, nữ quyền thì chỉ cổ vũ phụ nữ sống như đàn ông, không chịu nấu cơm, rửa bát, không lấy chồng, dễ dàng bỏ chồng, ăn to nói lớn. Nhưng nữ quyền không phải là như vậy. Nữ quyền khuyến khích phụ nữ sống độc lập, tự tin, không phụ thuộc. Nữ quyền không phải là phủ nhận đàn ông hay phủ nhận nữ tính".
Hiểu "đủ" về thực trạng hiện nay
"Dường như ở Việt Nam người ta hiểu không đúng lắm về nữ quyền, hầu như chỉ hiểu theo nghĩa đen là quyền của phụ nữ. Nếu chỉ nhìn như vậy thì hẳn là nhiều người sẽ nghĩ ngay là ôi, phụ nữ bây giờ lắm quyền rồi", TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) nhận định.
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào ấn tượng rằng phụ nữ ở Việt Nam ngày nay có cuộc sống thoải mái hơn. Họ được phép ăn mặc đẹp, tham gia vào công việc văn phòng, thậm chí có thể trở thành lãnh đạo.
Năm nào cũng có những ngày kỷ niệm như 8/3, 20/10, trong khi đàn ông thì không có ngày kỷ niệm đặc biệt nào của riêng. Nhưng quan điểm này này chưa phản ánh đầy đủ về cuộc sống của phụ nữ ở Việt Nam hiện tại.
Bởi lẽ, tại nhiều nơi khác trên đất nước ta, phụ nữ vẫn phải đứng sau nam giới. TS. Khuất Thu Hồng đặt câu hỏi: "Khi nhìn sâu hơn vào từng gia đình, ngay cả ở thành phố, thậm chí ở những gia đình trí thức, có địa vị cao trong xã hội, liệu bình đẳng có thực sự hiện diện hay không? Bao nhiêu ông chồng có thể dành thời gian về nhà nấu cơm, chăm sóc con? Bao nhiêu ông chồng thực sự tham gia giặt quần áo, chăm sóc con cái?".
Ở nông thôn, bức tranh còn tồi tệ hơn nhiều. Hình ảnh "chồng chúa vợ tôi" vẫn chưa phai nhạt trong cuộc sống hiện tại.
Mặc dù đã có những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng chúng ta đã đạt được bình đẳng giới hoàn toàn. Chúng ta không thể hài lòng với những tiến bộ nhỏ và coi đó là điều tốt nhất có thể. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.
Thêm vào đó, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề lớn đối với nhiều phụ nữ. TS. Khuất Thu Hồng dẫn chứng: "Gần 60% phụ nữ đã kết hôn từng trải qua ít nhất một dạng bạo lực, bao gồm bạo lực thể xác, tinh thần và tình dục. Đáng chú ý là 13,5% phụ nữ đã kết hôn từng trải qua quan hệ tình dục không mong muốn với chồng".
Mặc dù có những tiến bộ về quyền lợi và vị thế của phụ nữ, nhưng thực tế vẫn là, nhiều phụ nữ phải đối mặt với sự kém bình đẳng trong gia đình và xã hội. Việc hiểu rõ về bình đẳng giới thực sự, không chỉ là trên giấy tờ, vẫn cần thời gian và nỗ lực hơn từ cả xã hội để thực sự thay đổi chất lượng cuộc sống của phụ nữ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có không ít người lại nghĩ về nữ quyền đầy tiêu cực. Họ cho rằng chỉ đấu tranh cho phụ nữ, chỉ nghĩ tới quyền lợi của người phụ nữ, thậm chí chia đôi thế giới này thành hai nửa riêng cho phụ nữ và nam giới mà bất chấp mối quan hệ giữa cả hai. Việc này sẽ khiến mọi người ngày càng ác cảm với nữ quyền, ảnh hưởng xấu tới việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Vì vậy, nữ quyền cần được nhìn nhận một cách thấu đáo trong tất cả khía cạnh.
Phong trào nữ quyền đề cập đến một loạt các chiến dịch chính trị để cải cách các vấn đề như quyền sinh sản, bạo lực gia đình, nghỉ thai sản, trả lương ngang nhau, quyền bầu cử của phụ nữ, quấy rối tình dục và bạo lực tình dục, tất cả đều thuộc về khái niệm nữ quyền và phong trào nữ quyền.
Nguồn: TH&PL