Có khi nào bạn thắc mắc rằng những ngôi trường nào một phần đào tạo nên những cầu thủ chuyên nghiệp cho Đội tuyển Việt Nam?
Vừa qua đội tuyển Việt Nam đã có trận ra quân đầu tiên khi bước chân vào vòng loại 3 World Cup 2022. Dù không đem về chiến thắng mong đợi nhưng trận đấu ngày 3/9 đã cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhiều cảm xúc vỡ oà. Họ nhiệt huyết với trái bóng và sự chuyên nghiệp của các cầu thủ được đào tạo từ những ngôi trường nào, liệu bạn có tò mò?
Những ngôi trường đào tạo thể dục thể thao hàng đầu cả nước và là nơi mà nhiều cầu thủ được "tuyển thẳng".
Đại học thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh
Trường Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh là một trường đại học với mô hình kết hợp giữa đào tạo và huấn luyện. Luôn gắn chặt, kết nối các nhiệm vụ với nhau để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về đào tạo cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Tổ chức triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn, ứng dụng trực tiếp cho công tác giảng dạy, huấn luyện. Với mức học phí hợp lý cùng với chương trình đào tạo có chuyên môn cao và đội ngũ giảng viên có trình độ, đây là ngôi trường mà nhiều bạn sinh viên đam mê với thể thao chọn làm nơi học tập, rèn luyện.
Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam cũng đi ra từ ngôi trường này.
Theo quy định tuyển sinh Đại học, VĐV thể thao từng tham gia các đội tuyển quốc gia, đạt thành tích (có huy chương) ở các giải đấu chính thức tầm Đông Nam Á hoặc châu Á trở lên, sẽ được tuyển thẳng vào Đại học chuyên ngành.
Trong khi những sinh viên bình thường chỉ mất 4 năm để trở thành cử nhân thì các cầu thủ của HAGL và đội tuyển Việt Nam mất đến 7 năm để hoàn thành chương trình đại học.
Năm 2014 các cầu thủ Công Phượng, Minh Vương, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn... đã được tuyển thẳng vào trường. Tổng cộng, có 10 cầu thủ trở thành tân sinh viên.
Để hỗ trợ cho quá trình học tập cũng như rèn luyện, trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh lập văn phòng đại diện ngay tại nơi mà các cầu thủ đang đầu quân luyện tập.Ngoài những buổi học chuyên môn với các môn như chạy, bơi, bóng ném,…họ cũng phải hoàn thành hết các môn văn hóa như các sinh viên bình thường.
Do đặc thù của vận động viên nên lịch học buổi tối được sắp xếp để hoàn thành những môn lý thuyết và tranh thủ ngày nghỉ để hoàn tất những nội dung thực hành, đảm bảo đầy đủ nội dung đào tạo.
Quá trình học tập của họ bị gián đoạn bởi lịch trình dày đặc các trận đấu trong và ngoài nước nên cho đến tận bây giờ họ vẫn chưa thể tốt nghiệp. Nhà trường cũng như học viện huấn luyện đang nỗ lực để các cầu thủ có thể hoàn thành chương trình cử nhân trong năm nay. Họ có thể làm giáo viên thể chất hoặc HLV bóng đá khi không tiếp tục chơi bóng nếu có tấm bằng cử nhân đại học.
Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh
Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, vận động viên thể dục thể thao chất lượng cao, gắn với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực thể dục thể thao cả nước. Trường là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể dục thể thao, phục vụ phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo có uy tín, những cán bộ quản lý chủ chốt, các nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành TDTT, những huấn luyện viên, VĐV, giáo viên giỏi và cả những doanh nhân thành đạt. Trường đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển Thể dục thể thao Việt Nam.
Đây cũng là ngôi trường nuôi dưỡng nhiều tài năng cho đội bóng nước nhà.
Đỗ Duy Mạnh đã trở thành sinh viên Khoá 56 ngành Huấn luyện thể thao. Ngành Huấn luyện thể thao Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đảm bảo cho sinh viên vừa có thể hoàn thành chương trình học tập với chất lượng tốt vừa có thể tiếp tục tập luyện, thi đấu cho thể thao nước nhà.
Quang Hải là cầu thủ hiếm hoi học cùng lúc 2 trường đại học. Là sinh viên trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cũng đồng thời học ngành Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhập học cùng đợt với Quang Hải là cầu thủ Trần Đình Trọng. Cả 2 đều được miễn học thực hành, chỉ phải học lý thuyết và đều được cấp học bổng.
Trường Đại học Sư phạm dục thể thao (ĐHSP TDTT) Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội là trường đầu tiên tại Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo giáo viên TDTT trình độ đại học và sau đại học. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên TDTT. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục thể chất. Đào tạo kiến thức quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khu vực Hà Nội.
Tự hào là sở sở giáo dục uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục thể chất, hằng năm trường có 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó có trên 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo. Trường cũng là đơn vị đăng cai nhiều giải thi đấu thể thao toàn quốc và khu vực, được các bộ ngành, tỉnh thành tin tưởng mời dàn dựng, đạo diễn tổ chức các chương trình đồng diễn, các sự kiện văn hóa, TDTT, hội thảo, hội nghị cấp quốc gia và khu vực.
3 tân sinh viên đặc biệt gồm Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng và Bùi Tiến Dũng nhập học khóa 53 trùng với dịp trường ĐHSP TDTT Hà Nội được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục do Trung tâm kiểm định chất lượng đại học quốc gia Hà Nội thực hiện.
Do đặc thù lịch trình tập luyện và thi đấu nên những tân sinh viên Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng sẽ được đặc cách học tập với học bổng toàn phần ngay trong trung tâm tập luyện của CLB Viettel theo hình thức học tín chỉ. Lịch học được điều chỉnh phù hợp với lịch trình của các cầu thủ.
Đội tuyển Việt Nam sẽ có trận đấu tiếp theo vào ngày 7/9 tới khi gặp đối thủ Australia. Hãy cùng đón xem và cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam tiến sâu hơn nữa trong World Cup 2022.
Nguồn: TH&PL