Liệu nhạc Rock có thật sự dễ nghe, dễ cảm nhận hay chỉ là một thể loại nhạc để người ta xả hết cơn giận vào bằng những âm thanh nặng nề.
Nhạc Rock xưa nay được đại đa số khán giả đại chúng biết đến như là một thể loại nhạc ồn ào, khó nghe. Những người nghệ sĩ chơi Rock thường dùng thể loại nhạc này để giải tỏa cảm xúc tiêu cực của con người bằng cách biến nó thành những phân khúc âm thanh đầy điên loạn và hoang dại trên nhịp độ cao được chơi bằng những nhạc cụ như trống, guitar điện, Bass,...
Nhưng Rock có thật sự chỉ là một thể loại nhạc đùng đùng khó nghe, khó kết nối được với đại chúng hay Rock còn những phân khúc thể loại khác có thể chạm đến trái tim đến những khán giả bình dân nhất? Hãy cùng đi sâu hơn để tìm hiểu những khía cạnh trong nhạc Rock!
Nhạc Rock với đại chúng
Khi nhắc đến nhạc Rock, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một thể loại nhạc với nhịp độ dữ dội, điên cuồng, cùng nghệ sĩ trình diễn được nhận dạng bằng gu thời trang có phần kì quái, nổi loạn.
Nhạc Rock ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa Pop đại chúng vào những năm 1990s và đầu thập kỉ 2000s. Khi mà những Avril Lavigne, My Chemical Romance, Weezer, Linkin Park hay Panic! At The Disco,... đã thiết lập nên một đế chế "Emo" hùng mạnh.
Emo - viết tắt của Emotional music hay còn được gọi là Emocore, là một thể loại nhạc Rock đặc trưng bởi việc nhấn mạnh về biểu hiện cảm xúc, thường là về tình yêu. Khi đó Emo được coi là một văn hóa khi nó ảnh hưởng không chỉ về âm nhạc đại chúng mà còn về phong cách thời trang của giới trẻ bấy giờ.
Nhưng bất cứ thứ gì tồn tại luôn luôn có một thời phát triển huy hoàng và sau đó lại suy tàn để nhường chỗ cho những thứ tân tiến hơn. Và Emo Rock cũng không phải là một ngoại lệ, vào đầu thập kỉ 2010s khi nhạc điện tử xuất hiện và lên ngôi nhiều bảng xếp hạng, thì Rock dần dần đánh mất đi vị thế đỉnh cao mà nó đã từng có.
Đế chế Emo Rock lụi tàn nhanh chóng kéo theo những định kiến rập khuôn về nhạc Rock. Đối với công chúng khi Emo đã trở thành một hệ tư tưởng về nhạc Rock thì nhìn thấy những band nhạc với phong cách Emo, họ sẽ mặc định đây chính là Rock và chỉ có như thế.
Dần dần nhiều suy nghĩ như thế đã áp đặt lên cả một nền nhạc Rock chỉ có mỗi Emo, la hét, phong cách tinh quái và âm nhạc ồn ào như trút hết cơn giận. Nên từ đó công chúng dần thu mình lại với Rock, biến nó trở thành một thể loại khó nghe và khó cảm nhận.
Vậy ngoài Emo ra thì Rock có còn những nhánh nhạc khác dễ nghe dễ cảm thụ đối với công chúng hay không? Câu trả lời là có và nó còn ẩn chứa nhiều thứ hơn thế nữa.
Các nhánh nhạc khác của Rock
Theo dòng thời gian phát triển của âm nhạc, Rock cũng đã hòa mình vào trong dòng chảy sản sinh ra nhiều biến thể đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng và nhiều mục đích tương ứng với từng loại biến thể của nhánh Rock khác nhau.
1. Pop
Theo đuổi xu hướng âm nhạc Pop đương đại hợp thị hiếu với đại đa số công chúng với một công thức đơn giản gồm phần Verse->Chorus, giai điệu bắt tai,những đoạn Hook dễ nghiện dễ ăn tiền và phối khí không quá cầu kì tuy đơn giản nhưng sản xuất chắc tay, hiệu quả.
Đơn cử trong năm 2021, hai kiều nữ của ngôi vị "Main Pop Girls đời mới" Olivia Rodrigo và Billie Eilish, đã phát hành hai bài hát Good 4 u và Happier Than Ever theo công thức "Pop Rock" đơn giản dễ nghe và đầy hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, nếu bạn vừa muốn lắng đọng trôi theo dòng cảm xúc trầm lặng, vừa muốn nghe Rock thì "Rock Pop Ballad" chính là thứ bạn đang tìm kiếm.
Với thể loại này, phần đầu của bài hát sẽ được khai thác qua những giai điệu đặc trưng thường thấy của Ballad, âm thanh Piano chính là thứ tất yếu cùng với phần vocal giai điệu truyền cảm sẽ giữ chân người nghe ở những giây phút đầu và cuối cùng khi đi tới điệp khúc những âm thanh Rock dần dần hiện lên phá tan giai điệu trầm lắng đã xây dựng trước đó, cuốn người nghe cùng những cảm xúc bùng nổ với âm nhạc.
Tiêu biểu ở thể loại này, Dreamcatcher và Avril Lavigne đã thành công dẫn dắt cảm xúc của người nghe thông qua chuyến tàu lượn siêu tốc hai nhịp điệu đối lập "Rock Pop Ballad" ở hai bài hát Deja Vu và Head Above Water.
2. Alternative đa sắc
Alternative là một nhánh khác của nhạc Rock, và trong Alternative Rock còn nhiều nhánh nhỏ khác nhau. Nó gần như có đủ thể loại phù hợp cho các loại tâm trạng và cảm xúc riêng biệt của con người thông qua nhiều trải nghiệm âm nhạc mới lạ.
Đây là một nhánh nhạc với nhiều biến thể linh hoạt, khi thì những "Electronic Rock" đột phá bằng các loại âm thanh điện tử bị bóp méo, các dãy synth sáng tạo cùng nhau xây dựng một bầu không khí tương lai bức phá rào cản trong âm thanh để thử nghiệm loại hình âm nhạc độc nhất.
"Cô bạn gái cũ của Elon Musk" Grimes đã tạo nên We Appreciate Power một không gian tiếng ồn tương lai đầy cuốn hút và gây nghiện. Với việc làm chìm đi phần Vocal để có thể tôn vinh lên hết tất cả vẻ đẹp của phần phối khí dầy đặc những âm thanh điện tử đầy điên rồ kết hợp với Rock một cách đầy hoa mĩ. Bạn sẽ được đưa vào không gian vũ trụ Chiến tranh giữa những vì sao với các con tàu chiến âm thanh sẵn sàng chinh phục mọi giác quan.
Ở một mặt khác ôn hòa "Indie Rock" dễ dàng chinh phục những trái tim bình dân với những âm thanh phần nào bớt nặng nề hơn.
Khi Ngọt Band đã không còn là cái tên quá xa lạ trên thị trường nhạc Việt, với những bản Rock nhẹ nhàng làm nên thương hiệu và tên tuổi của band bây giờ, chính là nhờ những thành công từ Acoustic Rock Em dạo này và bản Piano Rock Lần Cuối (đi bên em xót xa người ơi) đã thay đổi phần đông định kiến của người Việt về nhạc Rock.
3. Metal điên loạn
Đây chính là nhánh nhạc mà đa số người nghe sẽ nghĩ tới khi nhắc đến nhạc Rock. Một trong những nhánh nặng đô nhất của Rock và cũng kén người nghe nhất, Metal điên loạn đưa đến các đoạn âm thanh gãy khúc méo mó từ những khúc riff guitar, những tay trống hung hãn, giọng hát mạnh bạo và đôi khi là những tiếng la hét hoang dại.
Một nơi mà mọi đam mê, ước muốn, tham vọng của con người quay cuồng, hòa lẫn thành một khối thống nhất. Người ta thể hiện mình, chế giễu người khác và ca ngợi một thứ gì đó cũng đều qua âm thanh Metal này.
Nhánh Nu-Metal được khai thác một cách tàn bạo ở BLOODMONEY của Poppy, khi mà tiêu chuẩn của âm nhạc đại chúng gần như bị xóa bỏ hoàn toàn, phần Hát-Thét thất thanh trên nhịp trống đùng đùng hung hãn, những tiếng synth bị méo mó, đoạn riff gắt gao của guitar điện, tất cả tạo nên một không gian âm thanh rùng rợn đen tối của hỗn mang, kéo theo cảm xúc của những người yếu bóng vía vào bóng đêm hung tợn.
Ở Việt Nam, Metal còn được một band indie - ĐBB, thực hiện lại theo nhánh Noise Rock. Qua album Nghèo-Keo-Dơ, ĐBB thẳng thừng thể nghiệm âm thanh Rock ồn ào đúng như cái tên Noise của nó.
Nghèo-Keo-Dơ chắc chắn không phải là sản phẩm thân thiện với công chúng khi ĐBB không chỉ tập trung khai thác âm thanh ồn ào qua những tiếng la hét kinh khủng, mà còn lấy nhiều chủ đề nhạy cảm của xã hội để châm biếm trên phần nhạc không hề dễ nghe như Noise Rock.
Tóm lại, nhạc Rock vừa không khó nghe cũng vừa không dễ nghe. Rock sẽ dễ nghe khi bạn chọn những nhánh "thân thiện" như Pop, Ballad hay Indie Rock và sẽ khó nghe đến khó chịu nếu bạn sợ tiếng ồn mà không may nghe trúng Metal.
Nguồn: TH&PL