Adele từng nói trong một bài phỏng vấn: "Đến cả tôi cũng làm nhạc kiểu TikTok, thì ai sẽ làm nhạc cho thế hệ của tôi đây?", vậy "nhạc kiểu tiktok" là gì?
Đó là một câu hỏi mang tính thời đại, và mang theo nhiều suy tư của thế hệ cũ.
Gu nhạc của genZ
GenZ đang nổi lên như một trong những lực lượng đông đảo nhất và đang dần chiếm lĩnh các khía cạnh của xã hội. Đối với thế hệ X, họ quen với TV trắng đen, thế hệ Millennials trưởng thành cùng những chiếc đầu đọc CD thì genZ lại phát triển cùng với những bước nhảy vọt về công nghệ.
Một đặc điểm của thế hệ này chính là sự thích ứng nhanh và không ngừng làm mới bản thân để tìm ra bản ngã của chính mình. Đây là thế hệ có suy nghĩ cởi mở và không ngại thay đổi nhất từng được sản sinh. Chính vì thế, âm nhạc của thế hệ này cũng trở nên phóng khoáng và cởi mở hơn rất nhiều.
GenZ nghe nhiều thể loại, nhưng theo khảo sát của các labels quốc tế tại Việt Nam (thậm chí trên thế giới), nhạc họ nghe nhiều nhất là thể loại HipHop, rap, nhạc điện tử. Với sự đa màu sắc, từ những tổ đội như SpaceSpeakers, Rapital, dến Tổ Quạ,...
Tất cả nhóm được kể tên đều sở hữu những nghệ sĩ với màu sắc âm nhạc mang cá tính riêng, và có một tệp khán giả nhất định.
Nếu mạnh mẽ hơn, chắc chắn là những band nhạc rock với Cá Hồi Hoang, 7UPPERCUTS hay Đá Số Tới. Còn nếu là một khán giả đại chúng, có lẽ R&B và Pop Ballad vẫn là 2 thể loại dễ nghe và được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Để nhìn kỹ lại, những thần tượng của một thế hệ đều có độ chênh lớn hoặc bé hơn khán giả của mình trong khoảng 5 tuổi.
Điều này đã được duy trì xuyên suốt qua nhiều thập kỷ khác nhau. Và đến bây giờ, sự nổi bật của những nghệ sĩ genZ chính là kết quả có thể dự đoán được của nền âm nhạc. Mỹ Anh, tlinh, MCK,... đều đang nổi lên như những lớp kế cận của nền âm nhạc Việt Nam.
Đó là chưa kể đến sự nở rộ của các nghệ sĩ indie - những người luôn tôn thờ sự tự do và thoải mái.
Rõ ràng, âm nhạc của genZ không còn như thời của những phụ huynh mê mẩn những bài nhạc Vàng nhẹ nhàng và mượt mà.
GenZ đang yêu cầu sự thật, sự bụi bặm và những thanh âm được rót trực tiếp từ cuộc sống vào trong tâm thức của họ. Và đó là lý do tại sao những nền tảng giải trí của thế hệ này thay đổi liên tục, từ những platform nghe nhạc thuần túy như Soundcloud, Soundclick đến Youtube, Facebook và bây giờ là TikTok.
Tuy nhiên, cả thèm thì chóng chán, thế hệ genZ được biết đến như những người thưởng thức nghệ thuật khó tính và không trung thành. Nghĩa là, họ mong muốn một sản phẩm âm nhạc vừa phải catchy, dễ nghe và vừa phải lắng đọng, sâu sắc.
Chính vì thế, những người sáng tạo nghệ thuật phải luôn tìm cách thích nghi với thị hiếu của những người trẻ này. Và những người sáng tạo âm nhạc cũng là những người trẻ.
Họ hiểu được cách một khán giả genZ tiếp thu âm nhạc và bắt đầu đưa ra những phong cách, kỹ thuật làm nhạc với giai điệu đơn giản, dễ vào đầu, không khoe giọng, không quá phức tạp học thuật, không nhiều lớp lang, bài bản.
Sau đó, họ sử dụng một công cụ rất mới - TikTok - để viral sản phẩm của mình và mang đến cho người nghe, đa phần là những người genZ, một thể loại âm nhạc "mì ăn liền" với những sự đầu tư không quá lớn nhưng phải thực sự sáng tạo và có dấu ấn riêng biệt. Và đó, là thứ thường được gọi với tên "nhạc kiểu TikTok".
Công thức của "Nhạc kiểu Tiktok"?
Trước khi đến với Rap Việt, Lập Nguyên là một hot TikToker, sở hữu hơn 500 nghìn follow và gần 6 triệu lượt yêu thích trên nền tảng này. Các video nam ca sĩ genZ đăng tải chủ yếu là cover lại các bản hit của Vpop hoặc một số trào lưu âm nhạc đang thịnh hành trên thị trường.
Và anh cũng đã có một bài hit trên nền tảng này Em Băng Qua của Lập Nguyên từng là một bài nhạc được sử dụng liên tục trên nền tảng này trong khoảng thời gian khá dài.
Anh cho biết: "Tôi không có công thức. Khi tôi bắt tay vào làm một sản phẩm, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm ở nền tảng này hay nền tảng kia. Điều này sẽ làm mất đi con người thật trong âm nhạc của tôi".
Thành viên của đội Wowy cũng chia sẻ là, mỗi ngày, anh dành một khoảng thời gian để lướt TikTok và xem qua những sản phẩm đang viral.
Sau đó, anh sẽ tìm ra những điểm hay, điểm thu hút để tham khảo và áp dụng vào âm nhạc của bản thân. Đây được Lập Nguyên gọi là "sự học hỏi" cần có của một người nghệ sĩ.
Thành công từ ca khúc có tên Em Nói Anh Nghe Nè, TikToker Chu Chu - một Content Creator về Âm nhạc - đã trở thành một hiện tượng trên TikTok, sở hữu 2 triệu follow cùng 19,5 triệu lượt thích trên nền tảng này.
Với hiệu ứng sẵn có cùng hàng loạt clip triệu views, ChuChu đang là nữ nghệ sĩ trẻ thu hút với tệp khán giả riêng cho mình.
Chu Chu chia sẻ về cách mình làm âm nhạc TikTok: "Mình bắt đầu thử đăng 1 cái demo của mình trên TikTok, may mắn là được các bạn trẻ thích.
Sau đó, mình cũng bắt tay vào hoàn thiện nó luôn để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Thứ nhất là để chiều lòng những khán giả của mình, thứ hai là mình cũng cảm thấy vui và hài lòng với đứa con tinh thần do mình tạo ra nữa".
Cô chia sẻ thêm: "Mình ưu ái mạng xã hội này hơn là do nội dung content đa dạng thú vị của nó. Ngoài ra, nếu bạn để ý khi mình đăng 1 cái clip lên TikTok thì lượt view của nó sẽ cao hơn những nền tảng khác".
Lượt view đó, theo Chu Chu, sẽ là động lực cho những người sáng tạo nội dung trong việc duy trì và phát triển kênh phân phối này.
"Vì sao chỉ có 1 đoạn hot?"
Không thể phủ nhận về sức hút của "nhạc kiểu tiktok", nôm na như một "dây chuyền của sự sáng tạo". Bởi, một người làm nhạc, có thể là producer hay song-writter sẽ cất công tìm kiếm những âm thanh độc - lạ - bắt tai nhất, nó chắc chắn không phải là tiếng piano bình thường hay tiếng trống thùng thông dụng, nó phải khác biệt.
Rồi đăng tải đoạn nhạc trên nền tảng này, sau đó sẽ có rất nhiều genZ - thế hệ của sự sáng tạo, sử dụng, tạo thành một điệu nhảy, một pose dáng hay bất kỳ điều gì họ có thể nghĩ ra, và thế là viral không chỉ từ tiktok.
Tuy vậy, có những trường hợp, chỉ hot đúng 1 đoạn nhạc, đến khi ra mắt cả ca khúc thì không tạo được hiệu ứng nhất định. Đơn cử như Em nói anh nghe nè, đoạn nhạc ngắn 15s-30s của ca khúc này rất hot, ngược lại bản full gần như không được quan tâm, không ai biết đến.
Cũng là vì, genZ thích sự mới mẻ, thích thẳng thật và đơn giản, họ cũng là những người chóng chán, một ca khúc đều đều thiếu điểm nhấn, cũng chỉ chuộng trong 1 khoảng thời gian cực ngắn, như cách nó hiển thị trên tiktok.
TikTok là một công cụ quảng cáo cần thiết cho các nghệ sĩ âm nhạc và những label lớn. Có rất nhiều bài hát đã "hồi sinh" một cách bất ngờ bởi ứng dụng này, dù những sản phẩm này đã không thể viral khi chúng vừa ra mắt. Chúng ta đang nói về những bài hát như Hương, Play Date, Wildest Dream,...
Ca khúc Old Town Road ngắn ngủi vô cùng nhưng lại có khoảng thời gian thống trị bảng xếp hạng Billboard Hot 100 dài hơn bất cứ ca khúc nào khác. Tác giả của nó - rapper Lil Nas X nói rằng:"TikTok đã thay đổi cuộc đời tôi".
Đầu năm 2020, TikTok đã ký hợp đồng bản quyền với 3 nhà phát hành lớn nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc, đó là Universal Music Group, Warner Music Group và Sony Music.
Điều này đồng nghĩa các nghệ sĩ như Billie Eilish, Lady Gaga, Elton John, hay Taylor Swift sẽ được trả phí mỗi lần tác phẩm của họ được lồng vào clip người dùng.
Và vì nó dễ đến, nó cũng dễ đi. Sự đào thải trong TikTok là vô cùng lớn và tuổi thọ của một trend (xu hướng - PV) thường chỉ kéo dài vài ngày.
Chính vì thế, con đường này vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn mà những người muốn sử dụng sẽ phải đối đầu. Và genZ thì luôn đi và không dừng lại.
Nguồn: TH&PL