Dường như thời điểm nào nhạc Việt có xu hướng thoái trào thì nhạc Hoa lời Việt lại khởi sắc. Phải chăng đó là sự tiếp ứng tất yếu bù vào khoảng trống thưởng thức bị hụt hẫng?
Thời nhạc Hoa lời Việt nổi đình đám
Thời kỳ nhạc Hoa lời Việt nổi đình đám tại Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 1990 và kéo dài đến đầu những năm 2000. Trong thời kỳ này, nhạc Hoa lời Việt được yêu thích rất nhiều và có nhiều ca sĩ nổi tiếng như Đan Trường, Cẩm Ly, Lâm Nhật Tiến, Ngọc Sơn, Như Quỳnh, Mỹ Linh...
Các ca sĩ này thường hát những bài hát lãng mạn, buồn tình với giai điệu dễ nghe và lời Việt được viết rất hay, sâu sắc. Đây cũng là thời kỳ mà các bản cover nhạc Hoa lời Việt được nhiều người yêu thích và trở thành hit như "Nếu như anh đến" (Cẩm Ly), "Tình đơn phương" (Lâm Nhật Tiến), "Người tình mùa đông" (Đan Trường)...
Đan Trường là một trong những ca sĩ nổi tiếng của thời kỳ nhạc Hoa lời Việt thịnh hành tại Việt Nam.
Tên tuổi của anh cũng gắn liền với những ca khúc nhạc Hoa lời Việt như "Mùa đông tàn phai", "Khi cô đơn em nhớ ai", "Giấc mơ mùa đông" được yêu thích rộng rãi. Đan Trường được đánh giá cao về giọng hát mà những ca khúc nhạc Hoa lời Việt lại giúp anh có thể phô diễn trọn vẹn tài năng.
Từ thành công của những ca khúc nhạc Hoa lời Việt, Đan Trường đã trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam và có ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ nhạc sĩ và ca sĩ sau này.
Có nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.
Sự bùng lên sau 2 thập kỷ
Làn sóng nhạc Hoa lời Việt không có điểm dừng. Nó vẫn luôn chảy âm ỉ. Từ thời kỳ đỉnh cao của Đan Trường , Cẩm Ly những năm sau đó vẫn có nhiều bài hát nhạc Hoa lời Việt được thể hiện. Nhưng sự liên tục ấy lại không nổi bật.
Cho đến thời điểm năm 2020 - 2021, thời điểm mà dịch bệnh bùng phát, chúng ta thấy những tên tuổi "đổi đời" nhờ việc cover những ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay đã chọn hát nhạc Hoa lời Việt như một cách tiếp cận nhanh chóng với khán giả. Dự án "Thanh Xuân nhất tiếu" của Juky San được sự ủng hộ của nhiều người hâm mộ, đặc biệt là bản cover ca khúc "Thiên hạ hữu tình nhân" (nhạc phim Thần Điêu Đại Hiệp) kết hợp cùng ca sĩ Đan Trường.
Hay như ca khúc "Tay trái chỉ trăng" của ca sĩ Hà Nhi. Giai điệu của ca khúc gốc được đánh giá là khó hát. Hà Nhi đã chinh phục được điều này, phô diễn nội lực và biến bản cover thành ca khúc hâm nóng lại tên tuổi.
Ca khúc "Chỉ là không cùng nhau" chuyển thể từ ca khúc gốc là "Thời không sai lệch" - một hit đình đám của Ngải Thần tại thị trường âm nhạc Hoa ngữ, giúp cho tên tuổi Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi nổi khắp mạng xã hội. Một tháng sau đó, khán giả đón nhận nồng nhiệt ca khúc "Mây lang thang". Thừa thắng xông lên, cặp đôi tiếp tục cover thêm một ca khúc nhạc Hoa lời Việt nữa có tên "Có một tình yêu gọi là chia tay".
Việc các ca khúc nhạc Hoa lời Việt liên tục thành hit đã giúp cho những ca sĩ cover lại gần như đổi đời.
Mới đây nhất phải kể đến Phạm Lịch với phần lời mới cho ca khúc "Là Anh". Nữ vũ công hoàn thiện bài hát chỉ trong vòng 1 tiếng. Phần lời Việt của Phạm Lịch mang nhiều câu từ mang năng lượng chữa lành, hướng mọi người tin vào một tình yêu đẹp. Nhanh chóng, cái tên Phạm Lịch "một bước lên mây".
Cơn sốt liệu có bền?
Nhạc Hoa lời Việt thực sự là một cơn sốt khi nó từng gắn liền với tuổi trẻ, sự hoài niệm của rất nhiều người. Vậy vì sao nhạc Hoa lời Việt lại được ưa chuộng đến thế.
Rõ ràng, nhạc Hoa lời Việt có giai điệu dễ nghe, lãng mạn, lời bài hát thì đầy cảm xúc. Thông thường những ca khúc được thể hiện lại qua lời Việt vốn là những bài hát nổi tiếng, đã rất thành công ở Trung Quốc. Vì vậy không khó để những ca khúc này ngay lập tức được đón nhận.
Các ca sĩ như Đan Trường, Cẩm Ly, Lâm Nhật Tiến, Ngọc Sơn, Như Quỳnh, Mỹ Linh... có giọng hát đầy cảm xúc, sâu lắng, tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu và lời bài hát. Nhạc Hoa lời Việt cũng có sự đa dạng trong thể loại như nhạc trữ tình, nhạc pop, nhạc dance... Điều này đã đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhiều đối tượng khán giả khác nhau.
Còn với việc giới trẻ hát nhạc Hoa lời Việt thì gặp nhiều hạn chế về các giọng ca. Những ca sĩ cover, không phải ai cũng được đánh giá cao ở giọng hát. Nhưng vì giai điệu dễ nghe, dễ cảm nên cũng dễ viral.
Vấn đề bản quyền và sự sáng tạo chính là những hạn chế của nhạc Hoa lời Việt.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bản quyền âm nhạc là tài sản trí tuệ của người sáng tác và được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Các ca khúc nhạc Hoa lời Việt được sáng tác bởi các nhạc sĩ nước ngoài, do đó, vấn đề bản quyền của các ca khúc này cần phải được giải quyết thông qua việc ký kết hợp đồng giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều trường hợp vi phạm bản quyền của các ca khúc nhạc Hoa lời Việt, bao gồm sao chép và phát hành trái phép trên các nền tảng trực tuyến.
Hơn nữa, việc tận dụng các bản hit để viết lại lời Việt sẽ làm "thui chột" đi tính sáng tạo của những người làm nhạc. Dường như thời điểm nào nhạc Việt có xu hướng thoái trào thì nhạc Hoa lời Việt lại khởi sắc. Phải chăng đó là sự tiếp ứng tất yếu bù vào khoảng trống thưởng thức bị hụt hẫng?
Không phủ nhận được những cái hay mà nhạc Hoa lời Việt mang lại cho nghệ sỹ và khán giả. Đây là công thức dễ làm, dễ tiếp cận nhất khi chẳng cần mất thời gian để được khán giả đón nhận. Nhưng nếu quá lệ thuộc vào điều này, nền âm nhạc của chúng ta sẽ khó có được dấu ấn riêng mạnh mẽ.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL