Từ những thí sinh Olympia các nhà leo núi được bình thường hóa thành người của công chúng.
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia đã diễn ra vào ngày 14/11, chặng hành trình O21 chính thức khép lại với danh hiệu nhà vô địch thuộc về Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng tỉnh Quảng Ninh). Tuy nhiên, sức nóng của chương trình vẫn chưa hề giảm nhiệt, 4 chàng trai của trận chung kết năm vẫn chiếm sóng, nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả và người hâm mộ.
Tuy không đến từ trường Chuyên, nhưng Hoàng Khánh là một đối thủ đáng gờm đối với các thi sinh cùng chơi, cậu bạn đến từ Quảng Ninh đã có một màn thi đấu thuyết phục, ấn tượng. Với sự bình tĩnh cùng chút liều lĩnh khi đưa ra những sự lựa chọn đã giúp Hoàng Khánh giành chiến thắng đầy thuyết phục.
Ngay sau khi đăng quang, Hoàng Khánh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khán giả, cộng đồng mạng. Từ sau khi giành chiến thắng, Khánh đã tiết lộ "Thay đổi đầu tiên là về tinh thần. Mình cảm thấy thoải mái hơn. Thay đổi thứ hai chính là sự quan tâm của mọi người".
Bên cạnh những sự quan tâm và những lời chúc mừng, thì những hình ảnh cá nhân và quyền riêng tư của Quán quân Olympia cũng bị bốc tách, quan tâm quá mức. Có thể thấy ranh giới giữa sự quan tâm và soi mói là những lằn ranh rất mỏng manh.
Mục tiêu của các nhà leo núi là chinh phục Olympia chứ không để trở thành người của công chúng
Không biết từ khi nào, người ta lại thấy lo lắng khi mọi thông tin cá nhân và những điều thầm kín đều viết, chia sẻ hoặc lưu trữ trên tài khoản mạng xã hội có thể bị đem ra giễu cợt, mua vui. Lâu nay, không ít người cho rằng chỉ khi đụng chạm thể xác, xúc phạm danh dự thì mới là sự xúc phạm cá nhân.
Bước ra từ một cuộc thi tri thức nhưng lại trở thành tâm điểm, nhận được sự "soi mói" đến từng ngõ ngách gia đình, gia cảnh và cả các mối quan hệ cá nhân thì chẳng khác nào nghệ sĩ, người của công chúng luôn được rình rập bởi netizen.
Từ những khoảnh khắc lưu niệm của gia đình, bạn bè và người thân của nam thí sinh sau trận chung kết được ghi lại nhưng lại được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ cùng với những lời bàn tán không đúng về gia cảnh, công việc của bố mẹ. Điều này khiến cậu bạn sau 4 ngày trở về từ trận Chung kết đã phải lên tiếng đính chính, nói ra những điều đang cảm thấy đi quá xa.
Dành sự quan tâm cho người mình thích, cho chàng trai 17 tuổi này là điều không sai, nhưng cách mọi người tiếp nhận thông tin và bàn tán về nó liệu rằng đã đúng? Việc sử dụng hình ảnh của người khác một cách tự do, bàn tán dù chẳng biết sự thật phía sau là gì,... chính là xâm phạm quyền riêng tư. Không trực tiếp xâm phạm đến thân thể cá nhân nhưng đưa hình ảnh của người khác ra chế giễu, nhạo bán cũng là hành động trực tiếp làm tổn thưởng và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
4 chàng trai bước ra từ chương trình tri thức, có bao giờ chúng ta nhìn lại một Việt Thái đã từng đứng trước bao áp lực từ dư luận, những cử chỉ, hành động được cộng đồng mạng "khắt khe" dạy bảo. Một chàng trai Duy Anh "visual" vẫn lặng lẽ khóa các trang mạng xã hội, giờ đây điều đó lại đến với Hoàng Khánh. Đến cả những giọt nước mắt của Việt Thái trong đêm chung kết cũng được cộng đồng mạng giễu cợt gọi là "giả tạo". Từ quan tâm đến soi mói, khoảng cách chỉ đơn thuần qua những câu chữ bình luận, qua những lời đùa đi xa giới hạn.
Sự quan tâm quá đà của dân mạng vào đời tư đã phần nào gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của nam sinh cũng như gia đình. Nhiều bức ảnh được lan truyền trên mạng kèm theo những thông tin chưa được kiểm chứng về gia đình cũng như cá nhân đã khiến nam sinh gặp phải áp lực. Điều khó khăn nhất lúc này không còn là trận chung kết năm mà là học cách đối diện với dư luận, học cách vượt qua áp lực từ những "người lạ" qua màn hình smartphone.
Đừng trở thành những người vô tri làm tổn thương người khác
Việc bày tỏ cảm xúc của chính bản thân mình, việc được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, việc trở về vinh quy bái tổ, việc đẹp trai,... Có lẽ không nên là những thứ bị đem ra soi xét và mổ xẻ quá nhiều, nhất là đối với những người trẻ. Hãy hiểu xuất phát điểm của họ là những học sinh cấp 3 đang theo đuổi những giấc mơ tri thức, các nhà leo núi không phải người của công chúng.
Đánh giá người khác chỉ dưới góc độ của 1 buổi phát sóng trực tiếp trên truyền hình, qua một bức ảnh hay địa vị của phụ huynh thì có vẻ ý kiến này hơi mang tính chủ quan. Chủ quan đến mức có thể biến điều này trở thành những định kiến, những ngấm ngầm vô cùng độc hại.
Nhớ đến các thí sinh Olympia bằng những màn trình diễn mãn nhãn, những phút giây cháy hết mình tại S14, đó mới là điều cần ghi nhớ chứ không phải là những chỉ trích hay soi xét không đáng có, những soi mói đời tư, đi sâu vào cuộc sống cá nhân của những nhà leo núi.
Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu rõ cảm xúc và có cho mình một câu trả lời thích đáng. Đừng mổ xẻ, phân tích rồi có những lời nói cay nghiệt, nặng nề trước cuộc sống riêng tư của người khác. Bạn luôn tôn thờ cuộc sống với những quyền riêng tư nhất định, nhưng chính bạn cũng đã và đang học cách xâm soi cuộc sống người khác. Đó là sự công bằng?
Tuổi 17, các nhà leo núi đã thật sự xuất sắc, họ đã chiến thắng bản thân, giấc mơ ấy đã không còn xa, đôi tay họ đã chạm đến ngôi vị cao nhất của cuộc chơi đầy trí tuệ. Những năm tháng tuổi trẻ, hãy khâm phục họ vì đã vượt qua hàng ngàn thí sinh khác để chinh phục đỉnh núi ấy, tuổi 17 của họ vẻ vang với chiến thắng đầu đời thật lớn lao. Hãy ngưỡng mộ, theo dõi họ trên con đường tri thức - đúng như sứ mệnh của Olympia, chứ không phải là một con đường nào khác.
Nguồn: TH&PL