Chàng trai người Pháp muốn "khôi phục" âm nhạc truyền thống Việt Nam

François Bibonne muốn đưa ra ngoài thế giới một hình ảnh mới của Việt Nam thông qua phim tài liệu “Once Upon a Bridge in Vietnam”.

François Bibonne là một nhà làm phim trẻ người Pháp. Anh sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng có bà nội - bà Therese Nguyễn Thị Koan - là người Việt Nam. Và chính bà là nguồn cảm hứng đưa anh đến Việt Nam và để rồi chìm đắm vào cội nguồn của mình.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
François Bibonne - một nhà làm phim trẻ người Pháp - có cội nguồn Việt Nam.

Là một người yêu thích âm nhạc cổ điển cùng những bằng cấp về chuyên ngành lịch sử, anh bị cuốn hút bởi nguồn gốc lịch sử của Việt Nam trong âm nhạc cổ điển. Anh đã dành 15 tháng để khám phá Việt Nam, để biết, để hiểu và trải nghiệm nhiều hơn không chỉ về âm nhạc truyền thống của đất Việt mà còn về cảnh trí và con người Việt Nam. 

François Bibonne đã sáng lập Studio Thi Koan và từng thực hiện nhiều dự án thú vị. Hiện nay, anh đang tiến hành hoàn thiện bộ phim tài liệu về chủ đề âm nhạc truyền thống và âm nhạc cổ điển Việt Nam mang tên Once Upon a Bridge in Vietnam thông qua những tháng ngày khám phá cội nguồn.

Được biết, anh François Bibonne đã bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam khi anh 24 tuổi, tức là khi anh đến Việt Nam vào hai năm trước. đã có cuộc phỏng vấn với anh để lắng nghe thêm nhiều câu chuyện phía sau hành trình đưa Việt Nam ra ngoài thế giới đặc biệt này.

Chàng trai người Pháp muốn "khôi phục" âm nhạc truyền thống Việt Nam

Yếu tố nào ở âm nhạc và văn hoá Việt Nam khiến anh yêu thích và dành nhiều sự quan tâm đến mức phải làm một bộ phim của riêng mình? 

Tôi đã bắt đầu học tiếng Việt và tôi bị mê hoặc bởi cách phát âm và nhịp điệu câu của các điệu nhạc. Tôi đã nghĩ - và tôi vẫn nghĩ rằng - người Việt Nam có một món quà âm nhạc nhờ những giai điệu đó. Tôi đã gặp gỡ các nghệ nhân ca trù tại Hà Nội và những liền anh, liền chị hát quan họ ở Bắc Ninh, cũng đến nghe những giai điệu dân ca của người H'mông ở tỉnh Yên Bái. 

Tôi thích cả những bản nhạc dân ca của người Việt được các nhà soạn nhạc sử dụng và được chơi bởi dàn nhạc giao hưởng. Đó là cây cầu nối giữa các nhạc cụ phương Tây và văn hóa Việt Nam.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
François Bibonne yêu thích các bản nhạc dân ca Việt được dàn nhạc giao hưởng hòa tấu.

Bây giờ tôi muốn tìm hiểu về âm nhạc ở các vùng cao (như cồng chiêng Tây Nguyên, đàn đá...) và nhã nhạc cung đình Huế. Đây có lẽ sẽ là những chất liệu thích hợp cho bộ phim tài liệu tiếp của tôi.

Về các nhạc cụ, tôi đã phát hiện ra các nhạc cụ tre như mộc cầm tre, sáo trúc nhờ anh Đồng Quang Vinh, đàn nguyệt nhờ nhạc sĩ Mai Thanh Sơn và đàn tỳ bà nhờ nghệ sĩ Phan Thủy. Với tôi, nhạc cụ "quyền lực" nhất có lẽ là đàn bầu (hay còn gọi là đàn một dây, độc huyền cầm). 

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
Anh đã đi đến rất nhiều nơi ở Việt Nam, gặp gỡ nhiều người và tìm hiểu nhiều nhạc cụ.

Đây là nhạc cụ mà bạn không thể tìm thấy bất cứ nơi nào khác trên thế giới và âm thanh của nó là thứ âm thanh nằm giữa quá khứ và tương lai, cảm giác có hơi giống với âm thanh điện tử. Mỗi khi tôi chèn âm thanh độc huyền cầm vào các bản nhạc, người nước ngoài đều tò mò về âm thanh đó với một nụ cười.

Mất bao lâu để anh hoàn thành bộ phim âm nhạc công phu, kết hợp nhiều loại nhạc cụ và cả những cảnh quay khắp mọi miền Việt Nam? 

Bộ phim tài liệu này là về cuộc phiêu lưu của riêng tôi ở Việt Nam, vì vậy nó mất khoảng một năm rưỡi. Sau đó, tôi phải bắt đầu chỉnh sửa toàn bộ bộ phim tài liệu với một studio chuyên nghiệp ở Pháp. Họ đã gợi ý tôi kêu gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) để tôi có thể "hoàn trả" lại cho mọi người trong tương lai (bằng những sản phẩm của mình). Ngay bây giờ, bộ phim đã hoàn thành được 80% rồi.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình anh thực hiện bộ phim tại Việt Nam? 

Cuộc phiêu lưu của tôi có kết thúc rất tuyệt vì tôi được đi sâu vào thiên nhiên của Mù Cang Chải và tham gia vào một dự án trồng tre. Các nhạc sĩ mà tôi gặp trong chuyến đi đã tổ chức một lễ hội âm nhạc ở đó và tôi cũng rất vui khi được tham gia cùng với họ. Với tôi, đó là một cây cầu đặc biệt kết nối giữa thiên nhiên và văn hóa.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
Anh đã đi sâu vào các vùng đất Việt và có nhiều trải nghiệm thú vị

Các thế hệ trẻ hiện nay lớn lên cùng TikTok, họ cũng cần những video ngắn và chất lượng cao

Các bạn trẻ hiện tại có xu hướng khá xa cách với văn hóa truyền thống của nước nhà. Là một người làm nghệ thuật, theo anh, nên làm gì để khắc phục tình trạng này? 

Nhiệm vụ của tôi là làm cho nó phổ biến hơn, tạo ra nội dung hợp xu hướng bằng âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc Việt Nam. Có một số "công cụ" để làm điều đó. Đầu tiên là kể chuyện: Khán giả cần một câu chuyện độc đáo và lôi cuốn, sau đó chúng ta có thể nói về bất cứ điều gì chúng ta muốn và họ sẽ yêu thích nó. 

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
Hẳn rằng, bộ phim tài liệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ chứa đựng những câu chuyện độc đáo, thu hút khán giả.

Các thế hệ trẻ hiện nay lớn lên cùng TikTok, vì vậy, họ cũng cần những video ngắn và chất lượng cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là bộ phim tài liệu của tôi chỉ dài 1 phút (đó là một bộ phim tài liệu dài 30 phút), nhưng động lực sẽ mạnh đến mức mà mọi người sẽ ngạc nhiên khi nán lại trước màn hình 30 phút.

Sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng tại sao, cội nguồn Việt Nam lại có ý nghĩa với anh đến vậy? 

Bà nội tôi là người Việt Nam, bà đã qua đời vào bốn năm trước. Quê của bà là Hà Nội. Tôi bắt đầu tò mò về văn hóa của bà - cũng chính là cội nguồn của tôi - khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam với bố mẹ và anh trai. Tôi đã từng chỉ biết Việt Nam thông qua ẩm thực Việt và các bộ phim về chiến tranh. Tôi cũng có bằng thạc sĩ về lịch sử, nên nó khiến tôi tò mò về quá khứ và cho tôi năng lượng để thực hiện các cuộc phỏng vấn.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
François Bibonne đã từng chỉ biết Việt Nam thông qua ẩm thực Việt và các bộ phim về chiến tranh

Văn hoá K-pop có thể phá hủy hoặc lấn át bản chất âm nhạc Việt Nam

Việc làm một bộ phim âm nhạc truyền thống của Việt Nam, có lẽ sẽ khá kén đối tượng khán giả và gặp hạn chế về mặt doanh thu. Liệu đây có trở thành trở ngại với một nhà làm phim trẻ như anh? 

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu bị ảnh hưởng bởi Hàn Quốc, vì vậy mà tồn tại rất nhiều kiểu văn hóa K-Pop. Tôi hiểu rằng đó là một công cụ kinh tế để phát triển đất nước nhưng nó có thể phá hủy hoặc lấn át đi bản chất của âm nhạc Việt Nam. Nó cũng thật sự không hay đối với những người nước ngoài không có thời gian để tìm hiểu về Việt Nam khi mà họ chỉ nghe nhạc K-Pop trong những tuần nán lại đây.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
François Bibonne gặp gỡ các nghệ nhân ca trù tại Hà Nội.

Thị trường tôi hướng đến là một thị trường ngách với mục tiêu nhóm nhỏ người tiêu dùng nhưng đó không phải là trở ngại. Thị trường nhỏ giúp tôi dễ dàng kết nối và tìm đúng đối tượng hơn. Với tôi, doanh thu sẽ đi kèm với các giá trị khác.

Những kỳ vọng và thông điệp anh muốn truyền tải thông qua dự án của mình? 

Nó tùy thuộc vào khán giả. Còn tôi, tôi muốn thể hiện một hình ảnh mới của Việt Nam với thế giới, một thế hệ nghệ nhân mới với những ý tưởng sáng tạo cùng các giá trị di sản. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một "tấm gương điển hình" khi các thế hệ mới dám thử thách nhiều hơn so với thế hệ cũ và họ đang truyền cảm hứng đến những người khác. Khán giả sẽ hiểu được tại sao âm nhạc Việt Nam lại độc đáo đến vậy và cách để kết nối văn hóa phương Tây với văn hóa phương Đông.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
François Bibonne cùng các nghệ sĩ Hanoi Brass Community trong chương trình hòa nhạc Hanoi Brass Week.

Đối với người Việt Nam và đối với Việt Nam, tôi muốn gửi đến mọi người một sản phẩm mới - một sản phẩm để mọi người tự hào, rồi nó sẽ góp phần quảng bá Việt Nam thông qua âm nhạc trong suốt và sau cuộc khủng hoảng Covid. Các công ty du lịch sẽ sử dụng nó và mọi người sẽ chia sẻ nó.

Và cuối cùng, đối với tất cả mọi người, nó sẽ là một khởi đầu tốt để hiểu biết thêm về âm nhạc Việt Nam nói riêng và âm nhạc nói chung. Mọi người sẽ biết thêm về các dàn nhạc giao hưởng, âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu, mặc dù mọi người có thể truy cập và tìm hiểu kiến thức âm nhạc trực tuyến nhưng họ lại không có nhiều kiến thức sâu về nó.

chang trai nguoi phap muon khoi phuc am nhac truyen thong viet nam - anh 0
François Bibonne thấy thật "tội lỗi" nếu quay một thứ gì đó mà bản thân lại không hiểu nhiều về nó

Rất cảm ơn anh François Bibonne về những chia sẻ!

Quá trình "đắm chìm" vào cội nguồn này khiến anh François Bibonne càng biết nhiều về Việt Nam thì anh lại càng muốn đào sâu tìm hiểu hơn nữa. Anh cũng chia sẻ rằng bây giờ anh muốn học về âm nhạc Việt Nam, vì thật không đúng khi anh quay một thứ gì đó mà bản thân lại không hiểu nhiều về nó. 

Có thể nói, François Bibonne là một nhà làm phim trẻ với một tâm huyết vô cùng lớn. Mọi thứ không chỉ dừng ở doanh thu hay danh tiếng mà điều quan trọng là anh yêu cội nguồn của mình và cố gắng hết sức để mọi người trên thế giới biết đến hình ảnh độc đáo và không kém phần mới mẻ này của Việt Nam.

Anh François Bibonne vẫn đang mời cộng đồng Việt tham gia gây quỹ để giúp anh hoàn thành bộ phim tài liệu này. Được biết, 10% của quỹ sẽ được sử dụng để trồng tre ở tỉnh Yên Bái. 

Thông tin gây quỹ mọi người có thể xem thêm tại đây.

Hiểu nhiều hơn về dự án của François Bibonne tại đây.

Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực. 

NTK Gen Z Phan Đăng Hoàng: 2 phút gặp gỡ Tổng biên tập Vogue và BST thời trang mang cảm hứng Việt

Phương Oanh - mẫu Việt Gen Z tại tuần lễ thời trang quốc tế: "Bước được đến đâu, mừng đến đấy!"

Trọng Hiếu - nam sinh Việt tại Học viện Hý kịch Trung Quốc: "Làm nghệ thuật nghèo lắm..."

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ