Người Phán Xử là bộ phim độc đáo của làng phim truyền hình Việt Nam.
Năm 2017 có lẽ là năm vực dậy của dòng phim truyền hình Việt. Vào năm ấy, có hai bộ phim truyền hình làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ đó là Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng. Cả hai bộ phim đều lọt Top Tìm kiếm nổi bật của Google Việt Nam, lần lượt chiếm vị trí số 3 và số 5 tại thời điểm đó. Đã rất lâu rồi, mới có hai bộ phim truyền hình được tìm kiếm và quan tâm nhiều đến như vậy.
Cùng với nội dung hấp dẫn, gai góc, đầy kịch tính cùng dàn diễn viên tên tuổi và tư duy làm phim hiện đại, Người Phán Xử đã thắng lớn tại Giải thưởng Truyền hình VTV (VTV Awards) với danh hiệu Phim truyền hình ấn tượng, vượt trên cả những cái tên đình đám như Sống Chung Với Mẹ Chồng, Matxcơva - Mùa Thay Lá, Ngự Lâm Không Kiếm, Tuổi Thanh Xuân 2,...
Người Phán Xử không đơn giản là một bộ phim truyền hình thông thường, mà còn là một bức tranh đa chiều về hành trình chống tội phạm và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại.
Đề tài phim quen thuộc nhưng không "cũ"
Người Phán Xử là bộ phim dài 46 tập, được Việt hoá từ phim The Arbitrator của Israel. Bộ phim do 3 đạo diễn Mai Hiền, Khải Anh, Danh Dũng thực hiện. Phim xoay quanh câu chuyện về cuộc chiến thế giới ngầm của các tổ chức xã hội đen trong đó Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) là ông trùm, thường đứng ra phán xử các vụ tranh chấp trong giới giang hồ.
Dù là ông trùm thế giới ngầm nhưng Phan Quân là người rất nghĩa khí và đặc biệt coi trọng gia đình. Cai quản cả một tập đoàn có bề thế lại chưa bao giờ là vấn đề làm khó người đàn ông này, mà chính những người trong gia đình, tay chân thân cận nhất của ông mới là thứ làm sụp đổ Phan Thị.
Con gái Phan Hương (Phan Hương) và con trai Phan Hải (Việt Anh) của Phan Quân đều là những cô chiêu cậu ấm với tính tình nóng nảy, thích chơi bời. Mặc dù hoạt động phi pháp, thế nhưng Phan Quân luôn giữ cho gia đình vỏ bọc của sự nề nếp và quy củ.
Người Phán Xử thuộc thể loại phim hình sự, tội phạm nhưng khai thác theo một góc rất riêng. Bộ phim không tập trung vào cách xây dựng hình ảnh "người tốt, việc tốt", mà thay vào đó, nhà làm phim đã khiến cho bộ phim độc đáo hơn ở việc đi sâu tận cùng vào cái ác, cái xấu để cảnh tỉnh người xem, hướng tới cái thiện.
Không chỉ có câu chuyện về tội phạm mà vấn đề về giá trị gia đình cũng được làm bật lên. Chắc hẳn, khán giả không thể quên được một Phan Hải trăng hoa, ruồng rẫy vợ mình, thậm chí còn ngang nhiên đưa kẻ thứ 3 về nhà.
Tuy nhiên chỉ tới khi thiếu gia Phan Hải bị Hương Phố, Vân Điệp phản bội, sao vào con đường nghiện ngập, thậm chí còn bị gọi là "người thừa Phan Thị" thì lúc đó, chỉ có duy nhất Diễm Mi - vợ Phan Hải là chưa bỏ cuộc, vẫn kiên nhẫn ở lại bên Phan Hải, làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một người vợ, một người dâu con. Như câu nói nổi tiếng của ông trùm Phan Quân trong phim: "Bồ chỉ là ăn bánh trả tiền. Còn vợ không bao giờ được bỏ".
Những cảnh quay đắt giá, chân thực cùng dàn diễn viên thực lực và tư duy làm phim hiện đại
Người Phán Xử thu hút khán giả không chỉ bởi nội dung phim hấp dẫn mà còn bởi những cảnh quay chân thực, cùng bối cảnh phim hiện đại, thực tế. Ông trùm xã hội đen trong phim được xây dựng hình ảnh sống trong căn biệt thự xa hoa, biệt lập.
Ngoài đời thực, bối cảnh được chọn là khu resort trên đồi, đối diện hồ nước ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Chứng tỏ, êkip làm phim rất "chịu chi", đầu tư cho bộ phim để mang đến cho khán giả cái nhìn thực tế nhất về tập đoàn Phan Thị bề thế và quyền lực.
Phim truyền hình Việt có đối tượng là khán giả đại chúng, ít giới hạn độ tuổi nên thường có những chuẩn mực nhất định về nội dung. Trước đây, những cảnh nóng quá bạo hay cảnh bạo lực gây sốc thường có ở những phim điện ảnh giới hạn độ tuổi, rất ít xuất hiện trên phim truyền hình.
Đối với phim về tội phạm, xã hội đen như Người Phán Xử thì bạo lực sẽ là món "đặc sản" không thể thiếu. Tuy bộ phim đã được tiết chế khá nhiều đề phù hợp với chuẩn mực của phim truyền hình, nhưng nhà làm phim mang đến cho khán giả những cảnh phim ngập tràn cảnh giang hồ, thanh trừng, bạo lực và cả những cảnh giường chiếu nóng bỏng giữa Phan Hải và Vân Điệp.
Điều này cho thấy phần nào sự bứt phá khỏi vùng an toàn của êkip làm phim và quả thật, những cảnh phim ấy đều khiến khán giả phát sốc.
Tuyến nhân vật trong phim cũng đa dạng, khiến cho người xem không nhàm chán. Lật lại những bộ phim truyền hình Việt từ năm 2010 trở về trước, hiếm mà người xem được chứng kiến cảnh ông trùm xã hội đen, đại diện cho phe phản diện lại là nam chính được yêu thích. Hay cô gái làng chơi, với lối ăn mặc và nói chuyện rất "ngành" lại là vai chính được chú ý.
Qua Người Phán Xử, người xem cảm thấy được tính chân thật từ những nhân vật trong phim với đời sống vô cùng phong phú cùng cách nghĩ, cách giao tiếp giống hệt với ngoài đời thật. Hơn nữa, êkíp làm phim cũng tích cực đổi mới, "chơi chiêu" dùng cái đẹp để thu hút khán giả giống như cách mà những bộ phim Hàn Quốc áp dụng triệt để để góp phần tạo nên thành công của phim.
Bộ phim còn quy tụ những tên tuổi "đa đề" trong làng phim Việt như NSND Hoàng Dũng, NSUT Trung Anh, danh hài Vân Dung, Chu Hùng... các diễn viên trẻ như Việt Anh, Hồng Đăng và Bảo Anh càng tăng tính hoàn thiện cho bộ phim.
Những triết lý sống mang giá trị lâu dài, in sâu trong lòng người xem
Mặc dù không khai thác mảng đề tài thường thấy là phim tình cảm, tâm lý xã hội như Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc, Sống Chung Với Mẹ Chồng,... nhưng bộ phim đã khéo léo lồng ghép nhiều yếu tố tâm lý xã hội, đánh dấu sự thành công lớn của mảng phim truyền hình Việt Nam.
Những câu thoại răn đe con vừa triết lý, vừa thực tế của ông trùm Phan Quân được nhiều khán giả yêu thích như: "Gia đình là cái tồn tại duy nhất. Còn những cái khác, có hay không có không quan trọng" hay "Chỉ khi nào con thực sự bình tĩnh, con sẽ biết mình phải làm gì. Con nên nhớ mình là doanh nhân, nếu tức giận thì đi ngủ".
Có thể nói, Người Phán Xử là bộ phim đã đánh dấu mạnh mẽ bước chuyển mình về đề tài phim truyền hình ở Việt Nam, từ tâm lý tình cảm sang gai góc, đen tối. Người Phán Xử được ví như lá cờ tiên phong cho các bộ phim thuộc dòng phim hình sự sau này như: Sinh Tử, Mê Cung, Hồ Sơ Cá Sấu,... Chính thành công của Người Phán Xử đã thay đổi cách làm phim truyền hình và hình thành công thức chung cho loạt phim sau này.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình cũng từng chia sẻ với tờ Tuổi Trẻ: "Làm đề tài hơi mới mẻ một chút, bao giờ cũng phải vất vả hơn. Thường thì người kiểm duyệt tìm kiếm sự an toàn. Nếu mình tặc lưỡi chấp nhận thì khó tạo ra sự đột biến".
Nguồn: TH&PL