Tranh của danh họa Thang Trần Phềnh lưu giữ nếp sinh hoạt qua cảnh người gánh nước, chở hàng hay học thư pháp vào thế kỷ 20.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho biết loại xe một bánh này phổ biến ở cả nông thôn lẫn đô thị Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19 đến gần giữa thế kỷ 20, được mọi người dùng để vận chuyển hàng hóa.
Họa sĩ Thang Trần Phềnh vẽ tranh khoảng năm 1930, chất liệu màu nước trên giấy. Dịp Aguttes đấu giá hai bức vẽ của họa sĩ hôm 22/5, loạt tranh về cuộc sống, con người Việt Nam một thế kỷ trước do ông sáng tác được quan tâm.
Thang Trần Phềnh (1895-1972) là một trong ba nhân vật tiên phong của lịch sử mỹ thuật Việt Nam cận - hiện đại, cùng Lê Huy Miến, Nam Sơn. Năm 12-13 tuổi, ông bộc lộ năng khiếu vẽ rõ nét. Đến tuổi 15-16, họa sĩ có tác phẩm Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặntham dự đấu xảo Hà Nội (triển lãm, hội chợ cũ ở Hà Nội). Giai đoạn 1911-1915, ông thường đoạt giải nhất, nhì tại các cuộc đấu xảo.
Năm 1923, Thang Trần Phềnh nhận giải mỹ thuật của Hội khai trí Tiến Đức, được học giả Phạm Quỳnh khen tài vẽ tranh sơn dầu - chất liệu mới mẻ với hội họa Việt thời bấy giờ.
Danh họa từng trượt khóa tuyển sinh đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương (1925), gây chấn động giới yêu nghệ thuật tại Tràng An thời điểm đó. Một năm sau, ông thi lại và trúng tuyển, cùng lứa danh họa Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm.
Sinh thời, danh họa có lối sống lặng lẽ, chỉ biết miệt mài sáng tác và lao động. Sau tốt nghiệp, Thang Trần Phềnh chuyên tâm làm nghệ thuật sân khấu. Ông tổ chức gánh hát, lập Ban hát mỹ thuật Đồng Ấu cho trẻ em, lưu diễn khắp nơi ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định đến năm 1943. Cuối năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, đưa gia đình lên vùng Bắc Giang và làm việc ở Sở Thông tin Tuyên truyền liên khu 10. Năm 1954, họa sĩ cùng gia đình về lại Hà Nội, cộng tác rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) tới năm 1963.
Nguồn: TH&PL