Cuộc thi Miss Earth hiện tại đang "tụt dấu không phanh", chất lượng tổ chức khiến khán giả nhiều lần phải... giật mình.
Miss Earth đã từng là một cuộc thi mang sứ mệnh cao cả
Năm 2001, Tập đoàn Carousel Productions tổ chức cuộc thi Miss Earth nhằm tìm kiếm cô gái hội tụ đủ tiêu chí sắc đẹp, tri thức, trách nhiệm, kỹ năng... để tham gia hoạt động tuyên truyền, phát động phong trào giữ gìn và bảo vệ môi trường. Lấy khẩu hiệu "Beauty For a Cause", từ năm 2002, cuộc thi do kênh truyền hình ABS-CBN phát sóng chung kết.
Nội dung liên quan
Giới truyền thông từng đánh giá cao Miss Earth những mùa đầu vì khâu tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp, chất lượng thí sinh đồng đều và đặc biệt là giá trị cao cả mà cuộc thi hướng đến: Bảo vệ môi trường.
Chỉ ngay mùa thứ 5, Miss Earth thu hút 80 thí sinh đến từ khắp châu lục, con số mà Miss Universe phải mất 26 năm mới đạt được. Hơn thế nữa, Miss Earth nhận được sự tin tưởng của những quốc gia hồi giáo như Afghanistan, Pakistan... Với những thế mạnh này, Miss Earth đã sớm được chuyên trang uy tín Global Beauties xếp vào hệ thống Grand Slam - nhóm các cuộc thi sắc đẹp uy tín nhất thế giới.
Trong khi đó, Missosology (một trang sắc đẹp nổi tiếng đến từ Philippines) đánh giá Miss Earth xứng đáng nằm trong top 4 cuộc thi lớn nhất hành tinh, cùng với Miss Universe, Miss World và Miss International.
Theo chuẩn format, Miss Earth chọn ra lần lượt Hoa hậu Lửa (Á hậu 3), Hoa hậu Nước (Á hậu 2), Hoa hậu Không khí (Á hậu 1) và Hoa hậu Trái Đất (Hoa hậu). Cô gái đăng quang ngôi vị cao nhất sẽ giành vương miện, tiền mặt cùng nhiều phần thưởng, hợp đồng quảng cáo.
Được biết, vương miện Miss Earth trị giá khiêm tốn hơn vương miện hoa hậu của những đấu trường nhan sắc khác, chỉ khoảng 150.000 USD. Trong khi, vương miệng của các á hậu khoảng 20.000 USD. Vương miện được trao luân phiên qua các năm kể từ khi đổi mẫu thiết kế vương miện vào năm 2009 cho đến nay.
Trong hai năm đầu tiên, ngoài vương miện và dải băng, hoa hậu còn được nhận quyền trượng. Tuy nhiên, từ năm tiếp theo, quyền trượng đã không còn xuất hiện. Bên cạnh giải thưởng, cô gái chiến thắng trở thành đại sứ môi trường toàn cầu, có trách nhiệm nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, vấn đề nóng lên toàn cầu, rác thải công nghiệp, ô nhiễm.
Nhưng vì hàng loạt bê bối mà cuộc thi "tụt dấu không phanh"
Yếu tố nhan sắc là yếu tố đầu tiên, tiên quyết và cơ bản nhất trong các cuộc thi sắc đẹp nói chung và tại Miss Earth nói riêng. Ấy vậy mà, trong nhiều năm trở lại đây, không rõ là ban giám khảo Miss Earth hạ dần tiêu chuẩn về ngoại hình hay nơi lỏng quá đà trong khâu tuyển chọn ban đầu hay sao mà dàn thí sinh dự thi liên tục gây tranh cãi vì quá kém sắc, thừa cân.
Chưa dừng lại ở đó, các Tân Hoa hậu và Á hậu đăng quang nhiều năm còn khiến công chúng quá sốc vì sở hữu ngoại hình già nua, thậm chí là thảm họa.
Cũng vì những lần đăng quang gây tranh cãi như thế mà nhiều khán giả cho rằng cuộc thi mua bán giải. Đỉnh điểm vào năm 2012, phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda của Nga đã đóng giả khách hàng để thương lượng với bà Lorraine Schuck, Chủ tịch Miss Earth, về chuyện mua giải.
Kết quả, bà này ngã giá vương miện 4 triệu USD. Scandal chấn động này đã phá hủy hình ảnh sạch cũng như nhấn chìm uy tín cuộc thi. Từ đây, Miss Earth bị Global Beauties xóa khỏi hệ thống Grand Slam.
Ngoài ra, không còn tồn tại vẻ ngoài hoành tráng từng xây dựng, Miss Earth của những năm gần đây cũng bị phản ứng vì khâu tổ chức ít đầu tư. Vì thiếu kinh phí, ban tổ chức phải mượn Bảo tàng Quốc gia Philippines, Sân khấu trường Đại học Quốc gia Philippines để dựng không gian biểu diễn. Sân khấu ọp ẹp cùng phông nền bị nhàu nát khiến cuộc thi bị chê.
Tuy vậy, ban tổ chức Hoa hậu Trái đất tại Manila, Philippines từng đặt ra yêu cầu rất cao cho các thí sinh đại diện của các nước: phải là hoa hậu/á hậu của một cuộc thi cấp quốc gia. Ngoài ra, thí sinh phải đóng một khoản phí tham dự ban đầu không dưới 2.000 USD (46,6 triệu đồng).
Sẽ không có gì đáng tranh cãi nếu như cuộc thi này được tổ chức với đẳng cấp sân khấu hoành tráng, quy mô khủng, truyền thông bùng nổ và điều kiện chăm sóc các thí sinh ở mức cao cấp. Nhưng trên thực tế, thí sinh nhiều năm qua chỉ được ở khách sạn 3 sao, nhận được những hộp cơm với chất lượng siêu kém, thiếu dinh dưỡng, ăn bốc, di chuyển bằng tàu điện ngầm...
Thêm một vụ bê bối chưa được kiểm chứng hồi năm 2018, khi người đẹp Canada, Jaime VandenBerg tố bị nhà tài trợ gạ gẫm quan hệ tình dục và đã "cầu cứu" ban tổ chức nhưng không được giúp đỡ. Theo GMA News, sau chia sẻ của VandenBerg, thêm hai thí sinh Anh và Guam cũng lên tiếng, khẳng định những gì Jaime nói là sự thật.
Năm 2016, đại diện Ecuador Katherine Espin đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu trái đất. Tuy nhiên ngay sau đó, tin đồn Tân Hoa hậu ngủ với một nhà tài trợ cho cuộc thi để đổi lấy danh hiệu bất ngờ rộ lên. Tin đồn sẽ mãi chỉ là tin đồn nếu như giám đốc Hoa hậu Trái Đất Đan Mạch John Paul Hamilton không lên tiếng "bồi thêm".
Paul Hamilton cảm thán: "Tôi cũng đã đoán rằng, chuyện Hoa hậu Ecuador ngủ với một nhà tài trợ và nhận được lời hứa vương miện là sự thật. Tôi thậm chí đã phàn nàn với ban tổ chức cuộc thi về việc cô ấy qua đêm ở phòng của nhà tài trợ, đổi vé máy bay về nước chậm hơn 4 ngà. Và tôi đã đúng. Thật đáng buồn!".
Một số ý kiến cho rằng Miss Earth có giá trị ý nghĩa khác biệt ngay từ tên của cuộc thi: "Trái Đất". Đấu trường cũng nổi trội ở tiêu chí về việc bảo vệ môi trường, điều không phải cuộc thi sắc đẹp nào cũng có và duy trì được. Hoa hậu sau khi đăng quang sẽ làm nhiệm vụ tuyên truyền và gây dựng những dự án về môi trường.
Song, một phần khiến sân chơi kém thu hút là chưa chú trọng việc truyền thông, quảng bá. Lịch trình và các hoạt động tốt đẹp phục vụ cộng đồng của tân hoa hậu thường không được truyền thông rộng rãi tới khán giả qua các kênh thông tin.
Nguồn: TH&PL