Morbius - phim về siêu anh hùng ma cà rồng của Marvel nhận nhiều lời chê từ phía người hâm mộ. Vì sao nên nỗi?
Sau khi ra mắt ngày 1/4, Morbius vốn được kỳ vọng trở thành "khai quốc công thần" mở mang Vũ trụ Người Nhện cho hãng Sony, nay lại nhận quá nhiều gạch đá. Phim đạt điểm "tệ" 5/10 trên IMDB và chứng chỉ "thối" 17% trên Rotten Tomatoes.
Kỹ xảo có cố gắng nhưng thiếu may mắn
Trên thực tế, khâu tạo hình biến tài tử Jared Leto thành nửa người nửa ma cà rồng ở mức chấp nhận được. Người xem cảm nhận được sự chân thực ở đôi gò má cao - sắc như dao, cùng làn da nhợt nhạt. Nhưng tiếc thay, ánh mắt của các ma cà rồng trong phim lại "hơi hiền", thiếu sát khí. Chưa hết, nhiều phân cảnh chiếc mõm dài còn khiến Morbius hay Milo (Matt Smith) giống... người chó hơn là quỷ hút máu.
Nhà làm phim dụng công trong các cảnh hành động, dùng hiệu ứng sặc sỡ để khắc họa tốc độ "out trình" của Morbius hay Milo khi so sánh với người thường. Tuy nhiên, kỹ xảo này nếu ra mắt vào thời điểm những năm 2000, khi các "siêu nhân tốc độ" như Flash hay Quicksilver chưa có dịp thi triển khả năng chạy với vận tốc ánh sáng, thì mới có cái để khán giả trầm trồ. Ở cảnh Morbius và Milo lao vào nhau, những tưởng đó là cuộc chiến của những mảng màu trên tranh trừu tượng đập loạn xạ vào nhau, hoặc nhà sản xuất quẳng cho đội xử lý hình ảnh một cục tiền và bảo: "Anh làm sao càng ảo ma càng tốt!"
Thất bại trong hành trình phát triển nhân vật
Hầu hết phim siêu anh hùng thành công cho khán giả cơ hội xỏ-chân-vào-đôi-giày của nhân vật chính. Người xem được chứng kiến việc anh ta phát hiện siêu năng lực, rồi luyện tập để làm quen với chúng của người hùng. Ngoài ra, giống như nhà thần học Joseph Campbell từng nói: "Hành trình của người anh hùng kết thúc bằng việc anh ta trở lại điểm xuất phát ban đầu, nhưng là phiên bản tốt hơn của chính mình", khán giả chỉ thực sự đồng cảm nếu vai chính có sự trưởng thành cả về kỹ năng lẫn tính cách.
Tuy nhiên, người xem không tìm thấy điều đó ở Michael Morbius. Anh là thiên tài mắc chứng bệnh hiếm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng từ nhỏ đã sống trong sự bao bọc, sau được trả toàn bộ tiền học cho đến khi có bằng tiến sĩ. Anh tiếp tục được người bạn Milo - giàu nứt đố đổ vách vì kịch bản bảo thế - tài trợ cho mọi hoạt động nghiên cứu, kể cả phi pháp. Khi trở thành ma cà rồng, các siêu năng cao cấp cũng tự nhiên đến với Morbius xuyên suốt thời lượng kịch bản, không có sự rèn luyện hay giác ngộ gì cả. Vì thế, khi anh lĩnh ngộ sức mạnh mới để bước vào cuộc chiến cuối phim, khán giả khó mà đồng cảm được.
Tạo ra một anh hùng đáng tin cậy đã là thành công bước đầu của bộ phim, nhưng nhân vật phản diện cũng cần phải đa chiều thì mới ổn. Đã qua rồi cái thời của những "chúa tể bóng tối" ngồi thụ động trên ngai vàng. Khán giả thế hệ mới cũng muốn đồng cảm với những ác nhân có hoài bão, nhiều tâm tư, phải vật vã để có được vị trí độc tôn. Khi Milo từ bỏ vẻ ngoài yếu đuối để trở thành kẻ ác ngang tầm với Morbius, lối diễn tự tin của Matt Smith có lẽ khiến nhiều fan kỳ vọng.
Đáng tiếc thay, những gì nhân vật này làm được là cố nhún nhảy, làm khùng làm điên càng Joker-ish (giống với Joker trong loạt Batman) thì càng đúng trend. Milo cũng không có tham vọng rõ ràng, dành nhiều thời gian để nhìn "đắm đuối" Morbius từ xa, thay vì triển khai kế hoạch tàn độc của mình. Giống với Morbius, Milo tự dưng có sức mạnh, rồi không có hành trình phát triển để người xem thấu hiểu hắn hơn. Tạo hình của gã cũng nhàm chán, giống một tay lâu la hơn ác trùm trong phim siêu anh hùng.
Nhìn chung, Morbius từ một tác phẩm được mong đợi, trở thành một phim giải trí chưa tới, với hy vọng ăn theo sức hút từ loạt phim Người Nhện. Cái kết mở của Morbius cho thấy Sony vẫn còn kế hoạch đường dài cho gã ma cà rồng, nhưng liệu có ai quan tâm?
Nguồn: TH&PL