Mũ trên thế gian muôn màu muôn sắc, mong em đừng đội cho anh chiếc mũ xanh.
Đội mũ xanh = Bị cắm sừng
Trong ngôn ngữ Trung Hoa, cụm từ ''đội mũ xanh'' mang ý nghĩa tương tự như ''bị cắm sừng'' trong tiếng Việt, thậm chí còn nói vắn tắt thành ''bị xanh". Vì lẽ đó, rất hiếm khi người Trung, đặc biệt là con trai, lựa chọn một chiếc mũ xanh để đội.
Ngay cả các beauty blogger hoặc KOLs về làm đẹp cũng có sự kiêng dè nhất định khi nhuộm tóc màu xanh lá. Người nước ngoài đến Trung Quốc nếu tình cờ đội mũ xanh ra ngoài rất dễ gặp phải cái nhìn kỳ quặc hoặc sự trêu chọc của những người xung quanh.
Sự tích về "chiếc mũ xanh"
Có một câu chuyện về sự tích của "chiếc mũ xanh" như sau:
Ngày xưa, có một đôi vợ chồng nọ sống cùng nhau. Người vợ là một bà nội trợ, ở nhà làm công việc may vá, chị rất xinh đẹp và quyến rũ. Người chồng làm ăn buôn bán, thường đi công tác xa.
Khi chồng vắng nhà, người vợ không khỏi buồn bã cô đơn. Một ngày nọ, người vợ không nén được mà tư tình với một người bán vải ở chợ đầu phố, nhân lúc chồng đi vắng bèn rủ người bán vải về nhà thân mật.
Không ngờ hôm đó người chồng đột ngột quay về, suýt nữa bắt được tại trận, cô vợ một phen hoảng hồn, người bán vải phải trằn trọc cả đêm trốn dưới gầm giường của họ.
Sau đó, người vợ xin người bán vải một tấm vải xanh, may mũ cho chồng và dặn chồng: ''Bên ngoài gió bụi nhiều, chàng đội chiếc mũ này để khỏi làm bẩn tóc. Màu sắc này rất hợp với chàng, trông chàng càng anh tuấn hơn. Sau này mỗi lần ra ngoài, cứ coi như là thiếp luôn ở bên chàng, chàng không cần bận tâm cho thiếp.” Và thỏa thuận với người bán vải rằng: "Khi nào nhìn thấy người chồng ra ngoài mà đội một chiếc mũ màu xanh lá, tức là người chồng phải ra ngoài làm ăn buôn bán".
Người chồng thấy vợ tặng mũ liền vui vẻ nhận lấy, anh đội trên đầu chiếc mũ xanh băng qua con phố mà đi ra. Trong khi đó người vợ và người bán vải yên tâm ngủ trên chiếc giường của anh.
Màu xanh trong lịch sử Trung Quốc
Trên thực tế, câu chuyện trên xảy ra ở thời cổ đại nhưng không được lan truyền rộng rãi như vậy. Vậy mũ xanh xuất phát từ đâu?
Các triều đại trong lịch sử Trung Quốc đều rất đề cao màu sắc. Triều nhà Đường, màu sắc của trang phục chính thức được sử dụng để phân biệt cao thấp trong thứ bậc quan lại. Quan tam phẩm chức trở lên màu tím, quan tứ phẩm là màu đỏ rượu, và thấp nhất là quan bát phẩm cửu phẩm tương ứng với màu xanh lá cây. Theo đó, màu xanh lá đại diện cho người có thứ bậc và thân phận thấp trong xã hội.
Trong Nho giáo, xã hội thời xưa có ba mối quan hệ lớn mà người đàn ông phải giữ gìn bao gồm vua - tôi, cha - con, và vợ - chồng (còn gọi là Tam cương). Người chồng có vợ không chung thủy, nghĩa là đạo vợ chồng không giữ được, so với người thường có phần thấp kém hơn.
Ngoài ra, "đội mũ xanh" cũng liên quan đến việc công nhận ngành dịch vụ tình dục trong các bộ luật cổ. Thời Nguyên, Nguyên Diên Chương quy định rõ: "Tất cả gái điếm phải mặc y phục màu tím, cha mẹ và người thân của gái điếm phải đội khăn trùm đầu xanh để phân biệt". Theo đó, màu xanh lá còn dùng để chỉ gái mại dâm, nên sau này người "đội khăn xanh" được dùng để chỉ những người đàn ông có người vợ lăng nhăng không chung thủy, và dần dần phát triển thành khái niệm "mũ xanh lá" như ngày nay.
Nguồn: TH&PL