15 sân khấu kịch tung loạt vở mới, nhiều nơi tăng cường diễn ba suất mỗi ngày, mong mùa Tết Giáp Thìn bội thu.
Dịp Tết, các sân khấu giới thiệu khoảng 30 tác phẩm kịch, gần gấp đôi năm ngoái. Nếu mùa Tết 2023 là dịp hoạt động của các sàn diễn lâu năm, năm nay kịch Sài Gòn sôi động hơn với sự góp mặt của loạt đơn vị mới thành lập.
Đa số sân khấu chọn thể loại tâm lý - hài để phục vụ khán giả. Nhà hát kịch Idecaf giới thiệu 10 vở ở hai điểm diễn: Idecaf và Nhà văn hóa Thanh niên, với các kịch bản như Bích Hoa cô là ai, Tấm Cám đại chiến, Vàng ơi là vàng. Trong đó, Vàng ơi là vàng được phóng tác từ vở kịch Pháp kinh điển của tác giả Molière, với sự góp mặt của Đình Toàn, Đại Nghĩa, Hồng Ánh, Quốc Thịnh. "Ngày Tết, người xem chủ yếu muốn màu sắc vui vẻ, nhẹ nhàng. Nếu chỉ có chính kịch, nghệ sĩ dễ đuối sức, nhất là khi phải diễn hai suất mỗi ngày", ông Tuấn nói.
Nhiều sân khấu tăng cường lịch để đáp ứng nhu cầu công chúng. Nhà hát 5B Võ Văn Tần ấn định ba suất mỗi ngày, từ mùng ba đến mùng chín. Nghệ sĩ Mỹ Uyên - giám đốc sân khấu - cho biết năm nay tập trung vào thể loại kịch thiếu nhi, bên cạnh kịch người lớn như Mặt đối mặt, Tía ơi con lấy chồng. Nhiều vở được đầu tư lớn ở phần bối cảnh, gồm Thế giới đồ chơi và câu chuyện Chú bé rồng - Võ Minh Lâm đóng vai Tiểu Long Nhân, Đại náo Long cung, Bộ lạc nanh trắng. Thế Giới Trẻ hướng đến các vở mang yếu tố giải trí cao, nhiều tiếng cười, như Mỹ vị nam vương, Thả thính hổng dính, Chuyện tình Bangkok.
Một số đơn vị tập trung vào dòng kịch tâm lý, với phần kịch bản bám sát đề tài xã hội. Hoàng Thái Thanh giới thiệu hai vở chủ lực, đều mang màu sắc bi, gồm Lạc ở đáy sông - lấy bối cảnh miền Tây sông nước và vở Lồng sắt - khai thác đời sống tình yêu, hôn nhân. Hồng Vân tái diễn Mẹ và người tình, vở ăn khách của sân khấu chị, từng đoạt Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc 2009. Nghệ sĩ cũng thử nghiệm thể loại nhạc kịch với Bông cánh cò, với sự tham gia của Hồng Vân, Thanh Thủy, Tuấn Dũng, Cẩm Ly.
Bên cạnh các sân khấu lâu năm, loạt đơn vị mới cũng liên tục "hâm nóng" sàn diễn bằng các đầu kịch. Thiên Đăng - do Thành Lộc sáng lập sau khi rời Idecaf - công diễn các vở Ngũ quý tương phùng, Duyên thệ, Ngôi nhà trong mây. Trong đó, Duyên thệ là vở gây chú ý gần đây với nhiều suất diễn "cháy" vé, kịch bản do nhà văn Minh Ngọc cảm tác từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Thành Lộc vào vai Cang - chàng trai miền Bắc lưu lạc vào Nam lập nghiệp, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Trương Hùng Minh - sân khấu của nghệ sĩ Minh Nhí - đem đến tiếng cười nhẹ nhàng qua vở Truy lùng thái tử. Sau thời gian vắng bóng, Hoài Linh trở lại với tác phẩm Xuân... dữ chưa? do anh đạo diễn tại sân khấu Truyền thông Khang.
Diễn viên Trịnh Kim Chi đánh giá tình hình sàn diễn TP HCM 2024 có dấu hiệu khởi sắc hơn khi khán giả dần trở lại. Tuy vậy, để đi đường dài, chất lượng vở diễn, nhất là khâu đầu tư kịch bản, bối cảnh là yếu tố quyết định. Theo chị, những năm gần đây, thời gian vở diễn trụ sân khấu không còn dài như trước, chứng tỏ nội dung tác phẩm chưa thu hút số đông công chúng. "Chúng tôi hy vọng từ mùa Tết này, với sự quyết tâm của các ông bà bầu, nhiều tác phẩm sẽ trụ được lâu, từ đó sân khấu có thể thu hồi vốn, tái đầu tư cho các vở khác", chị nói.
Nguồn: TH&PL