Ngày 19/10, công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam đối với người mẫu Ngọc Trinh về tội "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.
Sự việc xuất phát từ các video clip Ngọc Trinh lái xe phân khối lớn nhưng không có đồ bảo hộ, tư thế nguy hiểm trên mạng xã hội.
Nội dung liên quan
Cơ quan điều tra nhận định, Ngọc Trinh là người có ảnh hưởng xã hội, các tài khoản mạng xã hội cá nhân có hàng triệu người theo dõi, nên việc đăng tải, phát tán các video clip như đề cập nói trên ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Tại cơ quan điều tra, Ngọc Trinh cho hay: "bản thân không hình dung là mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng như thế". Thông tin này gây xôn xao dư luận, đặt ra bài học về nhận thức pháp luật cho công chúng.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định:
"Với những người nổi tiếng, hành vi ứng xử đòi hỏi phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục và đặc biệt là phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Điều này để tránh gây ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra những quan điểm sống, lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến nhận thức và hình thành nhân cách của giới trẻ.
Bởi vậy, vụ án này sẽ là bài học cho những người nổi tiếng trong việc thực hiện các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí và đưa các thông tin lên không gian mạng".
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, nếu chỉ là hành vi vi phạm về giao thông đường bộ của một người bình thường, việc xử phạt hành chính là phù hợp.
Nhưng có lẽ cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá Ngọc Trinh là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội, hành vi vi phạm pháp luật của người nổi tiếng có thể gây ra dư luận xấu, tác động đến tâm lý của nhiều người theo hướng tiêu cực nên đã xử lý quyết liệt hành vi này để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Hành vi gây rối trật tự công cộng có hai loại chế tài: hành chính và hình sự. Quyết định xử lý dựa trên tính chất hành vi và quan điểm của cơ quan chức năng. Trong nhiều trường hợp, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự nếu hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, hậu quả chưa dẫn đến chết người, chưa ách tắc giao thông nghiêm trọng, chưa gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác đến 61% hoặc chưa được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.