Khó tránh khỏi cách hát đã thành đặc trưng bao nhiêu năm qua, nhưng công tâm mà nói, bản cover của Thanh Thảo không hề ghê như cách nhiều người đang nhắc về.
Nếu hỏi bài hát nào đang đột nhiên hot rần rần những ngày qua? Thì chắc chắn đáp án là bản hit tê tái năm nào của Hiền Hồ "Gặp Nhưng Không Ở Lại". Thế nhưng lần này bản audio được truyền tay khắp nơi lại không phải của "chính chủ" Hiền Hồ mà là bản cover từ nữ ca sĩ "phái lão làng" Thanh Thảo.
Vốn tưởng chuyện cover qua lại ủng hộ lẫn nhau là chuyện thường ở huyện, nhưng lần này giọng hát "Búp Bê Không Tình Yêu" lại vấp phải rất nhiều chỉ trích từ khán giả đến mức phải khóa bình luận vì bản cover nghe xong "quên bản gốc". Dù cho chính chủ đã lên tiếng rất thích bản cover của đàn chị thế nhưng không ít khán giả vẫn nhận xét Thanh Thảo đã có một pha sai quá sai "phá tan nát" hit của Hiền Hồ.
Bài viết này chắc chắn chưa đủ "tầm" để bắt lỗi hay dở, nhưng điều muốn nói chính là cái nhìn của toàn cảnh, góc nhìn lớn hơn của bức tranh "trẻ hóa" âm nhạc mà các nghệ sĩ kỳ cựu đang cố gắng hòa nhập. Và quan trọng là khi nhìn ở nhiều góc độ, có vẻ bản cover của Thanh Thảo cũng không "thảm họa" đến mức như vậy.
"Gặp Nhưng Không Ở Lại" là một trong những bản hit thành công tiếp theo của Hiền Hồ với sự chấp bút của hit maker Vương Anh Tú. Còn nhớ ở thời điểm ra mắt, combo Hiền Hồ - Kawaii Tuấn Anh - Vương Anh Tú đã khiến dự án này thành công vang dội, và thậm chí cho đến thời điểm hiện tại, bản hit vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của cô nàng ở tất cả các sân khấu live.
Sự thành công của "Gặp Nhưng Không Ở Lại" gắn liền với giọng hát truyền cảm nhưng hiện đại của Hiền Hồ gần như trở thành "chuẩn mực" trong lòng khán giả. Có khi chỉ cần nghe dăm ba nốt mở đầu, ta đã bật ngay công tắc Hiền Hồ trong đầu rồi cũng nên. Và cũng chính vì sự quen thuộc đến mức nằm lòng này làm chúng ta khó mà chấp nhận một cách hát khác quá lại so với bản gốc.
Những bản cover triệu views, có khi còn hơn cả bản gốc, trong showbiz Việt nhiều không đếm xuể và đương nhiên đi kèm với nó cũng có không ít những lần ca sĩ bị ném đá không thương tiếc vì lý do "phá hit". Có lẽ không có công thức chính xác nào cho một bản cover thành công. Nó dựa nhiều vào phong cách âm nhạc của ca sĩ có phù hợp với bài hát hay không, có quá khác xa bản gốc hay không. Và quan trọng là khán giả có cảm thấy quen thuộc và dễ chấp nhận hay không.
Mặc dù hơi "năm 2000" nhưng thành thật mà nói bản cover của Thanh Thảo không phải là tệ. Bởi là một người nghệ sĩ kì cựu với gần 30 năm làm nghề, chắc chắn không thể nghi ngờ thực lực của nữ ca sĩ. Thế nhưng có một điều không thể phủ nhận chính là thế hệ và âm nhạc của hai nữ ca sĩ là hoàn toàn khác xa nhau. Nếu Hiền Hồ gây dấu ấn giọng hát tê tái cách luyến láy nhả chữ hiện đại điển hình của thế hệ ca sĩ trẻ, thì Thanh Thảo đã có con đường 30 năm in dấu sâu đậm với cách hát sâu lắng mạnh mẽ có phần trữ tình của mình.
Chính vì phong cách và dòng nhạc mà hai nữ ca sĩ theo đuổi quá khác nhau đã làm chúng ta thấy "kì kì sai sai" trong bản cover rất đậm dấu ấn riêng của Thanh Thảo. Vốn dĩ cover chính là hát lại theo cách riêng của mỗi người, nếu thế thì Thanh Thảo đã có một sản phẩm cover rất tròn trịa và đặc sắc đó chứ.
Việc "cấn cấn" chẳng qua đến từ việc chúng ta có phần hơi không quen với cách hát của Thanh Thảo áp vào một bài ballad hiện đại như Gặp nhưng không ở lại. Nhưng biết đâu đối với một người chưa từng nghe Hiền Hồ, phiên bản Thanh Thảo lại là một màu sắc riêng biệt khác hẳn và trưởng thành hơn thì sao?
Âm nhạc đa dạng chẳng phải là để ai cũng được "phục vụ" đấy sao.
Vật đổi sao dời, âm nhạc thay đổi. Những người nghệ sĩ mà ngày xưa họ từng là "đỉnh lưu", lắp đầy sân khấu Làn Sóng Xanh, bây giờ đã trở thành phái lão luyện và kỳ cựu. Thế hệ khán giả họ cũng đã lớn lên, trưởng thành, một thế hệ mới lại nối tiếp. Âm nhạc vẫn luôn là lĩnh vực có sức đào thải rất cao, thế hệ " thời Làn Sóng Xanh" bên cạnh việc giữ vững vị trí của mình, phục vụ khán giả của mình, họ vẫn không ngừng nỗ lực thích nghi, "trẻ hóa" để đáp ứng đại chúng.
Đương nhiên để thay đổi và dung nạp một phong cách, dòng nhạc hoặc một cách hát khác không bao giờ là điều đơn giản, thế nhưng họ vẫn có rất nhiều cố gắng trên con đường tiếp cận khán giả trẻ này. Có thể kể đến như Đàm Vĩnh Hưng đã có không ít sản phẩm hơi hướng pop trẻ trung như "Hello", Thanh Hà đã có hẳn album ballad kết hợp với các nhạc sĩ trẻ đình đám như Vương Anh Tú, hoặc nổi bật là Mỹ Tâm với rất nhiều sản phẩm kết hợp cùng Khắc Hưng, Vũ Cát Tường, thậm chí là các rapper Binz, Wowy,... Không thể phủ nhận sức nóng của Mỹ Tâm cho đến thời điểm hiện tại là nhờ công của sự chịu thích nghi, tiếp thu với môi trường khán giả trẻ.
Sự thay đổi, thử nghiệm của "phái lão luyện" là một hành trình dài, không phải một sớm một chiều là có thể nhanh chóng phù hợp. Tuy nhiên chúng ta vẫn nên khích lệ và mở lòng hơn với những nỗ lực không ngừng nghỉ này của họ mà đúng không?
Bản cover của Thanh Thảo tuy không tránh khỏi kiểu hát đặc trưng của thế hệ trước, nhưng vẫn là một màu sắc rất riêng của "Gặp Nhưng Không Ở Lại". Đây không phải là một sản phẩm chính thức, phát hành hay thương mại hóa, đây chỉ là một bản cover vui vui giữa mùa dịch căng thẳng phục vụ khán giả trên nền tảng Youtube. Có thể đối với GenZ vốn quen thuộc với Hiền Hồ, đây có thể là một bản cover hơi... sến. Nhưng biết đâu đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho GenX thì sao nào.
Tóm lại, nhìn chung chúng ta vẫn nên mở lòng đón nhận nỗ lực cập nhật của các nghệ sĩ kỳ cựu. Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, âm nhạc không dành riêng cho bất kỳ Gen nào cả, sự đa dạng chính là để bất kỳ "thế hệ" nào cũng có phần.
Nguồn: TH&PL