Lời miệt thị, xúc phạm có phải là "thuốc đắng giã tật"? Và phải chăng "nghề làm hậu" vẫn đang chịu quá nhiều định kiến tiêu cực từ chính những người trí thức?
Muôn vàn câu chuyện phát ngôn gây sốc về giới showbiz chưa bao giờ là hạ nhiệt. Không khó để tìm ra những quan điểm "vơ đũa cả nắm" từ người ngoài giới nhắm thẳng vào thế giới hào nhoáng này.
Đương nhiên, không thể không nhắc đến phát ngôn làm cả giới hoa hậu xôn xao, nháo nhào của một vị tiến sĩ nổi tiếng lập luận "cá tính, sắc bén": "Hoa hậu như con điên". Như dự đoán, nó làm dậy sóng khắp nơi. Mà trong đó sự thất vọng vì hành xử của người phát ngôn còn nhiều hơn tham gia tranh luận.
Ở đây trong bài viết này, chúng ta hãy cùng bình tĩnh nhìn nhận những phát ngôn "căng thẳng" núp bóng "sự thật", những định kiến tiêu cực xoay quanh hai từ "hoa hậu".
Trong buổi talkshow hướng nghiệp cho sinh viên trường Cao đẳng Truyền Hình, Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương đã có phát biểu gây tranh cãi như sau. Bà cho rằng "đừng mong thi hoa hậu về lấy tỷ phú" và "Hoa hậu là mấy con điên".
Vị TS này nêu quan điểm tỷ phú "không ngu mà lấy về làm vợ", chỉ lấy một bà vợ nhan sắc trung bình "nhưng biết hầu hạ" còn hơn lấy "con điên cả ngày chỉ xắn quần đòi túi Hermes". Thậm chí chói tai hơn khi gọi các nàng hậu là "lỗ chuột cống". Bà cho rằng chỉ nên thi hoa hậu cho vui chứ không nên "xốc nổi hào quang của hoa hậu".
Ngay lập tức phát ngôn "căng đét" của TS Đoàn Hương đã vấp phải sự phản kháng vô cùng mạnh mẽ từ phía các nàng hậu và giới giải trí.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên TS Đoàn Hương gây ra tranh cãi về các phát ngôn của mình. Bà cực kỳ "đắt show" bởi thương hiệu "mạnh miệng", "cá tính" nói câu nào "sốc óc" câu đó nhân danh "sự thật mất lòng". Hoàn toàn không ngại dùng các từ mạnh đến thô thiển dù cho bản thân là một nhà giáo.
Sau buổi tọa đàm, điều người ta bàn đến chẳng phải là tranh luận đúng sai về quan điểm mà là hành động miệt thị công khai, trực tiếp và cực kỳ thái quá của một thành phần tri thức.
Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Không thể phủ nhận, từ xưa đến nay có rất nhiều tranh cãi xoay quanh "nghề làm hậu", nhưng đây không thể trở thành nguyên nhân để cả làng hoa hậu phải cùng chịu miệt thị. Lời nói của bà Đoàn Hương đã gây nên làn sóng phản bác, bất bình lớn từ chính khán giả, những sinh viên đã từng được bà giảng dạy. Là một nhà giáo, thậm chí là một diễn giả đưa ra lời khuyên cho sinh viên liệu đây là ứng xử phản cảm mà một thành phần tri thức nên có?
Phát ngôn này không chỉ xúc phạm nặng nề đến danh dự mà còn là nhân phẩm của các nàng hậu. Không bàn đến tranh cãi đúng - sai, nhưng phép lịch sự, "duyên dáng" tối thiểu trong lời nói đã khiến người khác lắc đầu ngao ngán.
Sau phát ngôn, các nàng hậu đồng loại treo status nhắc nhở "lời hay ý đẹp" kèm hashtag #Annoicoduyen, hành động một cách rất vừa phải, văn minh và không có đôi co. Một cách rõ ràng, những người bị hạ nhục trong lời nói của bà Đoàn Hương đều hành xử có văn hóa hơn hẳn người phán xét là bà.
Bên cạnh câu chuyện "lựa lời mà nói", phát ngôn từ bà Đoàn Hương phản ảnh rất nhiều định kiến về hoa hậu.
"Làm hoa hậu để lấy tỷ phú" là không chỉ là quan điểm mang tính xúc phạm mà còn "quơ đũa cả nắm". Việc yêu ai, lấy ai vốn là vấn đề lựa chọn cá nhân của mỗi người, phán xét như quan điểm trên là xâm phạm đời tư và thiếu tôn trọng người khác. Bên cạnh đó, không ít người đẹp không chỉ tài sắc vẹn toàn mà còn đủ tài giỏi, không chỉ tích cực đóng góp cho động cộng mà còn làm đại gia cho riêng mình.
Trong một bài phỏng vấn giải thích về vấn đề trên, bà cho rằng "sinh sống trên nhan sắc" có nhiều hệ lụy, nên nỗ lực từ "trí tuệ" bản thân hơn. Trên thực tế, các cuộc thi sắc đẹp ngày nay đều đề cao tri thức, mức độ học vấn, độ thông minh và thậm chí ngoại ngữ của các nàng hậu. Bằng chứng là vị trí này ghi tên các người đẹp nổi danh tri thức như Mai Phương Thúy, H'Hen Niê, hay Tiểu Vy, Á hậu Phương Anh,...
Với vị trí đại diện cho người phụ nữ của cả một quốc gia, trí tuệ chưa bao giờ bị xem nhẹ. Vậy đâu là bằng chứng cho việc làm hậu thì "ít học" đua đòi "làm phượng hoàng"?
Một vấn đề nhức nhối khác mà khán giả đặt ra sau phát ngôn của TS Đoàn Hương chính là định kiến giới nặng nề.
Trước tiên là định kiến nữ giới phải phụ thuộc nào "đại gia, tỷ phú" mới mơ làm hoa hậu, còn người phụ nữ "mũm mĩm, nhan sắc không bằng thì phải phục vụ bù vào". Điều này chẳng phải là đang giới hạn nguyện vọng, giá trị con người cũng như lăng mạ nhân phẩm, hạ thấp nữ giới hay sao?
Không ít khán giả thất vọng bởi theo quan điểm của vị tiến sĩ này, "vợ là để cơm bưng nước rót, hầu hạ chồng". Đây không chỉ thể hiện tư duy lạc hậu, áp đặt hạ thấp vai trò nữ giới, nam tính độc hại, điều đã từng làm lao đao số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trong thời đại mà thế hệ trẻ tích cực kêu gọi bình đẳng, tôn trọng và tự nguyện giới thì một nhà trí thức, một người có địa vị cao trong xã hội lại có những phát ngôn gây sốc kia. Không chỉ TS Đoàn Hương, một CEO cũng đã từng làm nháo nhào cộng đồng mạng vì lời nói "đanh thép", từ ngữ "độc đáo" về giới showbiz.
Vậy đâu là lằn ranh của "sự thật mất lòng" và miệt thị cá nhân? Đâu là "mạnh mẽ cá tính", đâu là lăng mạ xúc phạm người khác?
Và bao giờ những định kiến đan xen công kích đến mức vô văn hóa mới thôi núp bóng vẻ ngoài tri thức?
Giới trẻ sẽ còn đấu tranh cho bình đẳng giới đến khi nào khi những bậc tiền bối tri thức vẫn giữ vững tư duy lạc hậu, cố chấp như thế này đây?
Nguồn: TH&PL