Danh xưng "hàng thật giá thật" do khán giả làm "hội đồng thẩm định" được "đề cử" bằng cống hiến và thành tựu, được trao thưởng bằng chính sự ghi nhận của công chúng.
Mấy ngày qua, showbiz Việt ồn ào không ngớt câu hỏi "Ai là rapper số 1 Việt Nam?" Người này đẩy cho người kia, người kia đăng đàn "xỉa xói", "móc mỉa" người nọ. Cả giới rapper lẫn khán giả đều tranh nhau "xức đầu mẻ trán" trước câu hỏi ai mới xứng đáng trở thành số 1 Việt Nam. Tạm thời không bàn chuyện tiêu cực phía sau đó, cái muốn bàn chính là những danh hiệu cao vời vợi của các nghệ sĩ Việt là do đâu mà có, liệu có đủ xứng đáng chưa?
Với tình trạng "vàng thau lẫn lộn" người người được "sắc phong", nhà nhà đều là "king, queen" của Showbiz Việt, đột nhiên cả khán giả lẫn nghệ sĩ đều trở nên hoang mang, nhầm lẫn và dễ dãi với các danh hiệu "số 1 Việt Nam".
Sau đây, cùng đi tìm giá trị thật và nguồn cội của những danh xưng mỹ miều đó.
Hiện nay, không ít nghệ sĩ có danh xưng riêng được đính kèm. Bên cạnh các danh hiệu chính thức như NSND, NSƯT, các danh xưng còn lại đều là ở dạng... ngầm hiểu. Thế nhưng, việc tự phong danh xưng này ngày càng nhiều, nhiều đến mức khiến chính nghệ sĩ cũng ngộ nhận giá trị của nó. Vậy danh xưng là gì?
Danh xưng là những danh hiệu tuy không chính thức, không có sân khấu hay bình chọn trao giải, nhưng nó là danh hiệu mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong muốn. Nó không chỉ đơn giản là một cái tên đính kèm, mà nó là phần thưởng, là lời công nhận của đông đảo công chúng đối với người nghệ sĩ. Hơn cả một cái tên, nó có sức định hình người nghệ sĩ hơn cả. Chỉ cần nhắc đến vị trí đó, công chúng chỉ có thể nghĩ ngay đến người đó. Đây chính là giá trị của danh xưng.
Để có được một cái danh xưng xịn mà khán giả đều "ngầm hiểu" với nhau không phải là một điều đơn giản. Nó được đánh đổi bằng rất nhiều cống hiến cho đến khi khán giả quen thuộc và ghi nhận những thành công của người nghệ sĩ, khi đó một danh xưng mới có giá trị.
Chính vì lẽ đó mà không ít nghệ sĩ nôn nóng quyết "tự phong" danh hiệu "cho nhanh". Thế nhưng việc này hoàn toàn phản tác dụng và còn gây phản cảm với công chúng.
Như đã nói trên, đây không hề có bằng khen hay tiêu chí nào cho một danh xưng "trên vạn người" này. Nhưng nhìn chung, để có được sự công nhận của khán giả, người nghệ sĩ phải có một quá trình cống hiến dai dẳng cùng các thành tựu hữu hình, vô hình và một chặng đường dài miệt mài lao động nghệ thuật không ngừng.
Không những thế, bản thân người nghệ sĩ đó phải định hình được màu sắc riêng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, để mỗi khi nhắc đến khán giả sẽ nghĩ ngay đến người đó. Để đạt được mức độ này, không nhiều người có làm được. Với sức đào thải của làng giải trí, việc một người giữ vững phong độ là điều cực kỳ khó khăn. Đó là tại sao danh xưng có sức nặng.
Tiếp theo đó, danh hiệu phải có sức thuyết phục đối với người làm nghề. Tôn một người lên "làm vua" trên trăm người không phải là điều dễ dàng. Để gánh nổi một danh hiệu, bản thân người nghệ sĩ phải đủ năng lực để thuyết phục được chính những đồng nghiệp của mình hơn cả. Ai sẽ công nhận khi chính người cùng ngành không phục?
Khán giả khi đặt danh hiệu lên một người, chính là đặt sự ghi nhận quá trình cống hiến của cá nhân đó, đồng thời dùng danh xưng như một "phần thưởng". Chính vì thế, danh hiệu sẽ là hoàn toàn vô nghĩa nếu nó đặt trên một người nghệ sĩ mà không được khán giả "nhận mặt".
Như lẽ thường tình, có ai lại không muốn mình nhanh chóng ghi dấu ấn trong lòng khán giả, trở thành "bá chủ" một phương. Đó là lý do mà hàng loạt "King/Queen of Vpop" hay lớn hơn còn có "Diva, ông hoàng" ra đời. Không những ở mảng nhạc, mà các điện ảnh cũng đã chứng kiến "sự ra đời" của không ít "nữ hoàng, nam thần". Thế nhưng giá trị của danh hiệu vốn là nằm ở khán giả chứ không phải là tên gọi.
Thứ nhất, danh hiệu "tự phong" là vô nghĩa vì nó không phản ánh năng lực. Tự đặt mình hoặc thậm chí được truyền thông ưu ái gọi là "ông vua, bà hoàng" cũng không làm tăng mức độ nổi tiếng hay không làm tăng chất lượng sản phẩm hay tăng tình yêu của khán giả. Cái tăng lên gấp bội họa chăng là tai tiếng, tranh cãi, và lùm xùm.
Nhắc đến tự phong, Min là một trường hợp đã phạm phải sai lầm này. Khi tự cho mình là Queen of Vpop, Min nhận vô số chỉ trích. Cô nàng củng cố nhận định với 5 năm làm nghề cùng vô số bản hit, những lần On Top Trending rầm rộ. Thế nhưng đây lại là một khái niệm sai lầm bởi Queen of Vpop không đơn thuần là phong độ nhất thời của "Top Trending".
Tương tự đó, câu chuyện ai là rapper số 1 Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ ngã ngũ. Bởi cho đến bây giờ, vẫn chưa có rapper nào được đông đảo công chúng định hình là "số 1". Có những người nổi tiếng hơn, có người có phong độ cao hơn, nhưng đi tìm người có tầm ảnh hưởng đến rap Việt, có sức cống hiến lâu năm và tạo được vị trí bất di bất dịch là chưa có câu trả lời.
Từ câu chuyện của Min ta có thể thấy rõ sự ngộ nhận, trong thời đại nhạc số rầm rộ như hiện nay đến từ hiệu ứng đám đông và bị ảnh hưởng phần lớn bởi các yếu tố tạm thời như Top Trending, khán giả dễ bị cuốn theo chiêu trò mà thần tượng hóa các hiện tượng mạng. Điều này vô tình khiến giới giải trí "vàng thau" lẫn lộn. Đặc biệt với danh xưng nghệ sĩ.
Cho đến hiện nay, không có bất kỳ quy định nào về việc thế nào thì được gọi là "nghệ sĩ". Thế nhưng, tính "nghệ thuật" (Art) là điều không thể xa rời đối với một người nghệ sĩ (Artist). Điều đó có nghĩa, chỉ khi hoạt động nghệ thuật, có các sản phẩm văn hóa nghệ thuật mới được gọi là nghệ sĩ. Không phải bất kỳ "người nổi tiếng" nào cũng là nghệ sĩ. Trong thời đại, "một clip thành sao" như hiện nay, công chúng gần như quên mất đi khái niệm nghệ thuật chân chính, dẫn đến dễ dãi trong nhận định và chấp nhận "nghệ sĩ".
Cùng với hiệu ứng đám đông và tâm lý thích drama, nó dẫn đường cho không ít những "màn debut", "đá sân" trời ơi đất hỡi của các "ca sĩ". Bởi không cần thành "nghệ sĩ thực thụ" để có đất sống, chỉ cần đám đông cuồng nộ để càng trở nên nổi tiếng.
Sau cùng, khán giả với sức mạnh và quyền lực của mình cần có một cái nhìn tỉnh táo để không dễ dãi để rồi hạ thấp các giá trị nghệ thuật chân chính.
Như đã nói ở trên, danh hiệu không có bất kỳ lễ trao giải, xét tuyển nào trao cho, nó là ghi nhận từ khán giả. Có nghĩa, một danh hiệu chỉ có giá trị khi được công chúng "trao cho" và công chúng mới là hội đồng thẩm định thật sự cho danh hiệu hàng thật giá thật. Sức mạnh của nó nằm ở chỗ ta không thể tìm được người nào phù hợp hơn cá nhân đó. Và đó là khi nó được ấn định để tất cả công chúng và người làm nghề chỉ nghĩ ngay đến người nghệ sĩ đó.
Đồng thời, người nghệ sĩ cũng phải hiểu, không có bất kỳ đường tắc nào dẫn đến "ngôi vị" thay cho cống hiến, nỗ lực và sản phẩm nghệ thuật. Thành tựu ở đây chính là tầm ảnh hưởng đến cả một nền nghệ thuật, hoặc là cống hiến đường dài, phong độ ổn định, sạch sành sanh và vị trí vững chắc trong lòng khán giả.
Nguồn: TH&PL