Showbiz Việt không thiếu quán quân, nhưng lại chẳng có mấy kẻ thắng cuộc giữ vững phong độ. Vấn đề lại chẳng nằm ở danh hiệu, hoạ chăng nó nằm ở thời hậu đăng quang.
Showbiz Việt nổi tiếng với "lời nguyền quán quân", không chỉ âm nhạc, điện ảnh mà phạm vi của lời nguyền này còn lan rộng và trải dài khắp các cuộc thi lớn nhỏ. Trong bối cảnh các show truyền hình nở rộ, đặc biệt là show tìm kiếm tài năng lên ngôi, người ta lại càng lắc đầu khó hiểu rồi tiếc "hùn hụt" khi biết bao nhiêu các tên nghệ sĩ sáng giá mất hút, chìm vào quên lãng ngay sau khi đăng quang.
Chẳng thể đùn đẩy "vía" vào các cuộc thi được, bởi thực tế chứng minh các á quân, các thí sinh sáng, nổi bật đều đã lần lượt đi từng bước chắc chắn nhờ vào "bệ phóng" đó.
Trong bài viết này, muốn nói nhiều hơn về nỗi oan của "vị trí quán quân" và sự sai lầm đến từ hành trình nghệ sĩ sử dụng danh hiệu để duy trì độ hot. Tóm tất tần tật lại vào một câu "danh hiệu không có lỗi, lỗi ở quán quân".
Giọng hát Việt (The Voice) - Chương trình tìm kiếm giọng hát tiếng tăm tại Việt Nam, nơi chắp cánh cho vô số ca sĩ trẻ và là điểm đến lý tưởng để nghệ sĩ mới tìm kiếm cơ hội tiếp cận khán giả. Thế nhưng trong khi người người nhà nhà có hit, có tiếng, có fans sau chương trình thì sự nghiệp của một số quán quân lại trở thành ca… khó đoán.
Vũ Thảo My, quán quân The Voice mùa 2 là một trong những trường hợp đáng tiếc. Hậu The Voice, cô nàng chững lại một thời gian dài, hoàn toàn không có hoạt động nghệ thuật nổi bật và nhanh chóng bị khán giả lãng quên bị. Mãi sau này khi Vũ Thảo My quay trở lại, cô nàng trở nên vô danh và khó lòng chen chân, đoạt lại chú ý như trong quá khứ.
Trong khi đó, á quân cùng năm Vũ Cát Tường sau khi rời chương trình không chỉ có cho mình sự nghiệp vững vàn, giắt túi đầy đủ danh hiệu và album. Không những thế cô còn bật lên hẳn với một dòng nhạc riêng, có đối tượng khán giả riêng và hiện tại là một trong những nghệ sĩ độc đáo và hút fan nhất nhì.
Không chỉ Vũ Cát Tường, cùng năm Thảo My còn chứng kiến những thí sinh có sự nghiệp hậu chương trình hoàn toàn lấn át quán quân như Hoàng Tôn hay Dương Hoàng Yến.
Đâu chỉ đấu trường âm nhạc, sân chơi nhan sắc như Hoa Hậu Việt Nam cũng không chạy thoát khỏi "dớp". Gần đây nhất, đã có không ít cách tranh cãi nảy lửa xoay quanh sự thể hiện thiếu đột phá và chưa thuyết phục của Hoa Hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà.
Hậu đăng quang, sự thể hiện ở vị trí hoa hậu của cô nàng hoàn toàn không được đánh giá cao, thua xa hai Á Hậu. Trong khi, Á Hậu Phương Anh gây bất ngờ với các hoạt động hậu chương trình và nhan sắc ngày càng sáng thì Á Hậu Ngọc Thảo vừa có một hành trình đầy ấn tượng tại Miss Grand International 2020.
Không chỉ những trường hợp trên mà showbiz Việt còn vô số những ca tương tự. Ở đây chúng ta hoàn toàn không thể đổ lỗi do chương trình vì rõ ràng những thí sinh khác đều "lên dốc" vùn vụt. Vì cuối cùng, điều gì đã khiến quán quân lao đao?
Nếu hỏi sai lầm lớn nhất của hầu hết quán quân thời hậu lên ngôi là gì? Thì tôi cho rằng đó là lỡ mất thời điểm vàng để bật lên. Họ đi chậm hơn những người cùng điểm xuất phát và khi một lượng lớn đối thủ đang chạy, thì quán quân lại dừng lại.
Nhìn chung, nghệ sĩ có xu hướng tận hưởng và nghỉ ngơi sau khi nhận được danh hiệu. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu và dễ thông cảm. Thế nhưng, thời điểm này lại là giai đoạn mấu chốt cho sự nghiệp của nghệ sĩ vì tận dụng sức nóng vẫn còn và khán giả vẫn có thể nhớ mặt điểm tên.
Khi hào quang vẫn còn dai dẳng dư âm, truyền thông gọi tên, khán giả yêu thương vô tình khiến người nghệ sĩ quên đi đây chỉ mới là khởi đầu chứ chẳng phải là đích đến.
Sự hoà nhoáng ồ ạt đến cùng một lúc dễ nhấn chìm nghệ sĩ trong cách mà báo chí hô tên, trong cách được săn đón và trong nhiều lời khen ngợi hứa hẹn. Thế nhưng tất cả chúng đều là cám dỗ của một đêm đăng quang, không phải một sự nghiệp "đăng quang".
Nghệ sĩ cần phải nhớ, đối với họ một cuộc thi có thể là bàn đạp, bước ngoặt hay là cánh cửa đưa họ đến gần với khán giả. Thế nhưng với công chúng mà nói, show gì đi nữa thì cũng là gameshow, là chương trình giải trí. Là nơi giải trí chứ hoàn toàn không phải là nơi có thể lưu giữ dấu ấn nghệ sĩ trường tồn với thời gian.
Trái ngược với tình cảnh loay hoay tập làm người nổi tiếng của quán quân, các á quân và những người dừng chân sớm hơn trong cuộc thi lại có xu hướng không ngừng hoạt động, ra sản phẩm ồ ạt để không bị quán quân che khuất. Vô tình, nó lại chính là hướng đi đúng đắn giữ nhiệt và giữ độ chú ý liên tục.
Vậy mới nói, chỉ cần chậm một nhịp, quán quân cũng phải mất hút.
Danh hiệu là thứ dễ mất nhất, chỉ có sản phẩm mới là thước đo trường tồn.
Điểm xuất phát của những thí sinh trong cùng một cuộc thi gần như là tương đồng. Việc đánh giá quán quân hầu như chỉ gói gọn trong khuôn khổ cuộc thi, nói cách khác về đích số 1 không đồng nghĩa với việc bạn là giỏi nhất hay bạn sẽ mãi mãi dẫn đầu. Càng có nghĩa, hậu đăng quang mới là cuộc đua đời thực, nơi bền bỉ hơn, chăm chỉ và nỗ lực hơn sẽ chiến thắng trong lòng khán giả.
Chính vì thế, danh hiệu quán quân sẽ hoàn toàn không còn ý nghĩa nếu nghệ sĩ không tiếp tục nỗ lực chứng minh đường dài, không ngừng sản xuất, cống hiến và được khán giả ghi nhận.
Bên cạnh đó, kỳ vọng và soi xét đối với quán quân luôn là cao nhất. Nó lại càng cao hơn đối với những vị trí nhiều tranh cãi. Khi thực lực của quán quân, á quân chênh lệch không nhiều rất dễ dẫn đến hoài nghi và soi xét, bắt bẻ và đồng thời cũng là trông chờ một cách gắt gao hơn của khán giả.
Khi đứng ở vị trí cao mà nghệ sĩ chẳng thể đáp ứng được kì vọng, không thể hiện được bản thân hay chứng minh được năng lực là phù hợp với chiến thắng của mình, lại càng dễ làm khán giả thất vọng và nhanh chóng bị thay thế.
Tóm lại, thắng thua quyết định bởi chặng đường dài.
Nếu được so sánh vị trí "quán quân", thì tôi cho rằng nó nên được xem là một chướng ngại vật.
Có nhiều lý do để nghệ sĩ nên xem danh hiệu là một thử thách. Bởi khi đảm nhận danh hiệu đồng nghĩa với việc sự nỗ lực và thành quả của họ phải ngang tầm và tương đương. Phải "đỉnh, sang, xịn" để duy trì sự quan tâm và công nhận của khán giả.
Chẳng những cái bóng của danh hiệu mà cái "vướng" của sự dìu dắt cũng cần được nghệ sĩ dùng thực lực phá vỡ. Không ít nghệ sĩ trở thành… cái bóng cho chính danh xưng hay danh hiệu của mình. Giống như rất nhiều thí sinh mãi mãi chỉ được biết đến với tiền tố "học trò Đàm Vĩnh Hưng", "học trò Mỹ Tâm".
"Quán quân" là một chướng ngại vật, bởi người trao danh hiệu là một tổ chức, nhưng danh hiệu ấy có được công nhận hay không lại nằm ở khán giả. Thử thách vượt lên trong một chương trình chưa là gì so với việc thuyết phục và đoạt lấy cái nhìn của công chúng.
Sau cùng, cho rằng, hào quang quán quân đẹp nhất ở đêm chung kết, và nó chỉ nên nằm ở đêm chung kết. Vị trí quán quân là một khởi đầu, chứ không phải một cái kết đẹp, và chỉ có sản phẩm nghệ thuật mới có thể quyết định quán quân trong lòng công chúng.
Tất nhiên không thể phủ nhận cơ hội và cách mà những show truyền hình "sống còn" dẫn lối, nâng đỡ và hướng đi cho các tài năng. Danh hiệu từ các gameshow hệt như dao hai lưỡi, vừa dễ làm nghệ sĩ "dính lời nguyền", nhưng đồng thời cũng là "bệ phóng" tuyệt vời.
Không khó để tìm ra vô số cái tên nghệ sĩ trưởng thành từ gameshow dù họ là quán quân, là á quân hay có khi chỉ là thí sinh góp mặt.
Trong đó, Rap Việt là một điển hình. Phải thừa nhận, độ phủ sóng của quán quân mùa 1 Dế Choắt, và từng thành viên của các đội thi đều rất ấn tượng. Họ đều đã có những bước đi dài trong sự nghiệp sau đêm chung kết.
Tất cả những thành công đó đều được quyết định phần lớn bởi cách mà những rapper này sử dụng sự chú ý, sức nóng cộng hưởng từ gameshow và hơn hết cách họ "vận dụng" hoà quang để làm bước đà về sau.
Như đã nói ở trên , lỗi không nằm ở gameshow, không nằm ở danh hiệu, nó nằm ở cách nghệ sĩ "xoay sở" với hào quang. Và sau cùng, gameshow là "bệ phóng" khổng lồ, nhưng có trụ được trên "trời sao" hay không nằm ở sự tỉnh táo và khôn khéo của người nghệ sĩ.
Nguồn: TH&PL