Mặc dù liên quan đến vấn đề của xã hội, câu hỏi của Mai Ngô trong phần ứng xử nhận phải nhiều luồng ý kiến.
Hành trình của Miss Grand Vietnam 2022 đã chính thức kết thúc cùng kết quả chung cuộc "đầy tranh cãi": Hoa hậu Đoàn Thiên Ân, Á hậu 1 Quỳnh Châu và Tuyết Như với vị trí Á hậu 2. Song, câu chuyện Mai Ngô và câu hỏi trong phần thi ứng xử đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng fan sắc đẹp ngay lúc này.
Tại sân khấu Miss Grand Vietnam 2022, Á hậu Kiều Loan đã đưa ra câu hỏi cho Mai Ngô như sau: "Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó lại nhiều doanh nghiệp lại khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?".
Ở phần thi đầy tranh cãi này, chúng ta cần làm rõ 3 điểm: một là câu hỏi trên có bị lệch pha khi xuất hiện tại chung kết Miss Grand, hai là vấn đề mà câu hỏi nêu lên có đúng với thực tiễn, và sau cùng, á hậu Kiều Loan có đáng bị "ném đá".
Nội dung liên quan
Câu hỏi này có "sai" khi xuất hiện trong khuôn khổ cuộc thi Miss Grand Vietnam?
Mặc dù chương trình vẫn đang diễn ra, câu hỏi của Kiều Loan ngay lập tức nhận phải "chỉ trích" trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là một câu hỏi không đúng chủ đề và không phù hợp để hỏi trong một cuộc thi hoa hậu. Thậm chí, một số người hâm mộ của Mai Ngô cho rằng câu hỏi của Kiều Loan đã gián tiếp đưa thí sinh xuống danh hiệu Á hậu 4 - vị trí không xứng đáng với công sức và thể hiện của Mai Ngô.
Có thể nói, xét trên tiêu chí của Miss Grand Vietnam, cuộc thi chú trọng vào tính "hòa bình" về mặt ý nghĩa và sự "giải trí" trên thực tế, thì câu hỏi của Á hậu Kiều Loan đã nhấn mạnh vào một trong những vấn đề xã hội đáng được quan tâm. Với nội dung hướng tới con người, đặc biệt là giới trẻ, câu hỏi hoàn toàn có cơ sở xuất hiện tại vòng thi ứng xử của Miss Grand Vietnam.
Đặc biệt, những thí sinh tham gia lẫn khán giả đa phần là giới trẻ - nhân tố tạo nên hòa bình và nhân lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai. Với ngôi vị là một Miss Grand Vietnam, họ có trách nhiệm nhận ra những vấn đề liên quan đến con người và hòa bình của đất nước nói riêng và quốc tế nói chung.
Vậy nên, tuy câu hỏi có phần hơi đặc biệt và đánh đố, nhưng lại không hề sai khi xuất hiện trong khuôn khổ cuộc thi Miss Grand Vietnam.
Vậy sự việc gây nên tranh cãi nằm ở đâu?
Nằm ở chỗ người nhận câu hỏi này là Mai Ngô, thí sinh nhận được khá nhiều kỳ vọng sẽ chạm tới vương miện cao nhất. Ngoài ra, Mai Ngô cũng vừa có màn thể hiện thuyết trình gây xúc động. Cô đã xuất sắc hoàn thành phần thi mà trong ý kiến chủ quan của khá nhiều người, cô chỉ còn thiếu 10% nữa ở vòng thi ứng xử là Mai Ngô sẽ trở thành hoa hậu.
Ngoài ra, câu hỏi này còn gây tranh cãi ở 1 điểm nữa, đó là "tính thực tế" của nó.
Nhưng có thật là "sinh viên khó kiếm việc, doanh nghiệp khó tuyển người"?
Nội dung liên quan
Tiếp theo, xét đến nội dung vấn đề mà câu hỏi đề cập: "nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khó tuyển nhân sự", thì lại thiếu tính xác thực và có phần sai lệch với thực tiễn.
Tại hội nghị Đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và Triển khai kế hoạch năm 2022 diễn ra vào đầu năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn cho biết tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 67.780 người. Theo báo cáo, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt ngưỡng 80% - 85%.
Ngoài ra, đầu tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong hai năm 2020 và 2021. Sinh viên tất cả các ngành đại học sau khi tốt nghiệp đều có tỷ lệ cơ hội làm việc từ gần 70% đến hơn 85%.
Từ những tài liệu chính thống của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và kiếm được việc hoàn toàn rơi vào khoảng xấp xỉ 70%. Phần trăm này chứng minh tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên không đủ khả năng để tạo nên vấn đề xã hội như câu hỏi mà Kiều Loan đặt ra.
Đặc biệt, xét về thị trường làm việc, những năm gần đây (giai đoạn 2020 đến 2022) đã có sự dịch chuyển sang trạng thái cân bằng. Thị trường đã từng trải qua những phen doanh nghiệp thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong nhiều lĩnh vực, tình trạng này ngày càng phai màu cho đến nay: sinh viên mọi ngành nghề từ khối tự nhiên đến xã hội đều có được cơ hội việc làm ở mức khá cao.
Ngoài ra, câu hỏi cho thấy yếu tố chủ quan từ người tạo ra câu hỏi và bộ phận kiểm duyệt cho phần thi ứng xử. Sự cách biệt giữa thế hệ "làm chủ" là các gen Y và giới trẻ hiện nay là gen Z tạo nên những thay đổi trong vòng sinh thái việc làm.
Thế hệ trẻ đang có xu hướng phát triển theo hướng tích lũy tri thức khi điều kiện sống được cải thiện nhiều. Họ kéo dài con đường học vấn thông qua nhiều phương thức như cao học và du học. Đồng thời, cá tính đặc biệt của gen Z tạo nên làn sóng nhưng "anh chủ", "chị chủ" trẻ tuổi trên thương trường Việt. Những thương hiệu thời trang nội địa hay sự phát triển của nghề TikToker cho thấy bước chuyển dịch tự chủ và độc lập của giới trẻ hiện nay. Do đó, vấn đề doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự không nằm ở tỷ lệ thất nghiệp "ảo" của sinh viên ra trường mà phần nào đến từ khoảng cách giữa hai thế hệ chủ chốt của nền kinh tế đương thời.
Sự dài dòng và lê thê từ câu trả lời của Mai Ngô đến từ việc "lỗi thời" của câu hỏi vì bản thân cô không đang sống trong xã hội mất cân bằng như vậy. Phải chăng, câu hỏi được đặt ra với cụm từ "trong tương lai" thay vì "hiện nay" thì sẽ tạm phù hợp hơn.
Cuối cùng, Kiều Loan có sai không?
Ngôi vị Á hậu 4 của Mai Ngô không thể nào "đổ lỗi" hoàn toàn cho câu hỏi của Á hậu Kiều Loan. Việc "ném đá" Kiều Loan, lẫn làn sóng tẩy chay Tân hoa hậu quả thực không hề khách quan nếu như theo dõi xuyên suốt cuộc thi. Mai Ngô là một gương mặt sáng giá và tiềm năng, chính bản thân cô cũng chia sẻ bản thân không còn gì tiếc nuối khi kết thúc hành trình tại Miss Grand Vietnam 2022. Nguyên văn:
"Một lần nữa quay trở lại vấn đề "bạo lực mạng xã hội".
Hơn ai hết Mai rất đồng cảm với Lona Kiều Loan về những gì em ấy phải hứng chịu sau đêm Chung Kết Toàn Quốc Miss Grand Việt Nam - Hoa Hậu Hoà Bình 2022 vừa qua và cảm thấy mình có trách nhiệm lên tiếng về việc này.
Đối với Mai, Lona là một cô gái tài năng và rất sáng trên sân khấu, ngoài đời em cũng rất thân thiện, dễ mến. Với tư cách BGK cuộc thi, Lona đã làm tròn trách nhiệm của mình. Mong mọi người hiểu rằng, trọng trách và áp lực dành cho em ấy là rất lớn.
Mai tôn trọng cảm nhận và ý kiến của khán giả, Mai chỉ mong mọi người hãy có cái nhìn tích cực hơn về sự việc cũng như dừng lại hành động tấn công Lona, bản thân Mai cũng rất quý Lona và hiểu rằng em ấy không hề làm gì sai!
Về phần kết quả chung cuộc, như đã tâm sự trong bài viết tối qua, chặng đường này đi được đến đây Mai chỉ cảm thấy hạnh phúc và biết ơn mà thôi. Mong mọi người hãy mừng cho Mai và luôn ủng hộ Mai đi tiếp chặng đường tương lai."
Trên trang cá nhân, á hậu Kiều Loan cũng giải thích: "Các câu hỏi được đặt và thông qua bởi ban tổ chức cuộc thi và ban cố vấn. Văn bản này được giữ kín đến phần thi ứng xử mới được giao đến ban giám khảo để đặt cho thí sinh. 5 giám khảo được bốc thăm trước sẽ được chọn câu hỏi theo thứ tự từ 1-5."
Do đó, Kiều Loan cho rằng bản thân là ban giám khảo nên phải tuân thủ theo hệ thống câu hỏi được ban tổ chức đã thông qua.
Nguồn: TH&PL