Nhìn tình cảnh của showbiz Việt bây giờ chắc sẽ chẳng ai nghĩ đây đã từng là một làng giải trí sôi động, nhộn nhịp không ai bằng. Đã từng là nơi không ngày nào vắng bóng nhạc phim, nơi mà người ta vẫn thường hay đùa "cứ chớp mắt là bỏ lỡ".
2021 đã dần trôi về hồi kết, hơn 11 tháng qua showbiz Việt liên tục gồng mình gánh chịu vô số đòn tấn công, đòn nào đòn nấy không "knock out" thì cũng "chí mạng". Còn tổn thất ấy hả? Một câu không thể nào khái quát nổi.
Chắc chắn chưa bao giờ, một nơi rầm rộ náo nhiệt đầy sức sống như giới giải trí mà lại trải qua loại không khí tiêu điều buồn hiu, vắng lặng như bây giờ. Nghệ sĩ ngán ngẩm buồn "thúi ruột" còn khán giả sụt sùi nhớ về thời vàng son đã từng sôi động, tác phẩm ngập trời, đáng mong chờ biết bao nhiêu.
Trải qua nhiều biến cố, hơn cả trách móc dư vị đọng lại trong lòng khán giả chính là thở dài nhớ nhung. Nuối tiếc những ngày nô nức, rực rỡ hào quang trong quá khứ của showbiz Việt nói chung và các nghệ sĩ Việt nói riêng.
Trong một tâm thế lạc quan nhất, chúng ta hãy cùng nhìn nhận lại tất cả những trở ngại đang cản chân giới giải trí trong con đường "phục hồi". Không phải để nặng nề soi xét mà là để một cách tích cực nhất hy vọng sự hồi sinh, lần nữa phục hưng của độ nhộn nhịp, "rần rần" của nghệ thuật Việt.
Ngày đó liệu có còn xa hay? Bài viết này sẽ trả lời tất cả.
Tuy vết thương nhức nhối này cần được chữa lành trước khi showbiz nghĩ đến chuyện "hồi phục". Nhưng đáng tiếc thay, niềm tin lại là thứ không chỉ cần ngày một ngày hai để phục hồi!
Điều thiệt hại nặng nề nhất sau "đại dịch phốt" không gì khác chính là niềm tin đối với nghệ sĩ đã không cách nào còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Cũng dễ hiểu, khi mà những tên tuổi lớn, những trục cột mà khán giả đặt nhiều tin tưởng và kì vọng sụp đổ thì còn gì có thể thất vọng hơn nữa.
Không đâu xa, còn nhớ trước ngày tấm ảnh chứng minh tài khoản danh hài kì cựu Hoài Linh bị rò rỉ. Hầu hết cộng đồng fan đều một lòng chờ đợi và bảo vệ Hoài Linh. Với gần nửa cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, thương hiệu Hoài Linh gần như từ lâu đã là "bảo hiểm niềm tin" của khán giả đối với showbiz Việt.
Khi một tượng đài như thế gục ngã, dù sai nhiều hay sai ít, nó cũng mang theo lòng tin tưởng vốn dĩ mong manh của khán giả đổ sông đổ bể.
Oái oăm hơn, không chỉ mỗi Hoài Linh, một loạt cái tên sừng sỏ đình đám khác cũng bị "réo tên" từ ông hoàng Nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung cho đến Trấn Thành, Thuỷ Tiên,...
Mặc dù chẳng biết đúng sai ra sao, nhưng với hiệu ứng domino có từ "vụ Hoài Linh", khi cáo buộc nổ ra kéo theo đó là lời qua tiếng lại vùng vẫy, khán giả triệt để mất lòng tin theo kiểu "không có lửa làm sao có khói".
Đương nhiên, nghệ sĩ cũng đâu thể ngồi im trước các cáo buộc. Nhẹ là chứng minh bằng giấy tờ thư từ, nặng là chửi bới, chỉ thẳng mặt hâm he thề thốt. Hậu quả của "cá chết lưới rách" chính là tổn hại danh tiếng trầm trọng. Kéo theo đó là tâm lý "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" cực kỳ tàn nhẫn từ phía khán giả.
Biết bao nhiêu trường hợp khóc hét vì bị chỉ trích, đặt nghi án vô tội vạ, thấy từ thiện là tự động "nhảy số" văn mẫu nghi án đút tiền bỏ túi. Từ nhẹ là chửi bới, chỉ trích lăng mạ, tới nặng hơn là chì chiết, group anti, triệt đường sống.
Liệu tình trạng này sẽ còn kéo dài? Chắc chắn.
Thế nhưng, ở một góc nhìn lạc quan hơn, hy vọng đây chính là dấu hiệu đầu khởi đầu cho quá trình hồi sinh và tái thiết lập lòng tin ở khán giả.
Điều duy nhất mà showbiz có thể làm để "vớt vát" chính là "nước chảy đá mòn", nỗ lực xây lại "hảo cảm" từ đầu.
Nếu hỏi nghề nào dở khóc dở cười với work from home nhất, câu trở lời không cần nghĩ chắc chắn là làm ca sĩ tại nhà!
Nhiều người đưa câu hỏi, chẳng phải nghệ thuật đang số hoá mạnh mẽ hay sao? Online thì có vấn đề gì?
Ôi không. Vấn đề nằm ở chỗ, nghệ thuật không phải là job "một thành viên" mà là teamwork. Quá trình sản xuất của hầu hết nghệ sĩ là sự đóng góp của một tập thể lớn, qua nhiều khâu. Giống như, chẳng có ai quay MV một mình?!
Có nghĩa là gì? Chính là với giãn cách xã hội đồng nghĩ showbiz Việt cũng phải đóng băng hoàn toàn.
Trong tình cảnh trớ trêu mà đáng ra nghệ sĩ cần phải tích cực phủ sóng mạnh mẽ bằng tác phẩm, lấy thành quả thoả lấp thị phi "trong nghề" thì lại đành lực bất tòng tâm vì phải ngồi ở nhà "chờ bị phán xét".
Đối với showbiz Việt, việc giữ "nhiệt" và giữ sự hiện diện của mình với khán giả là điều quan trọng bậc nhất. Bởi nó quyết định thành bại của một người nghệ sĩ. Sẽ ra sao nếu trong suốt 4 tháng, một thời gian quá dài chỉ "im hơi lặng tiếng", "nguội lặng" không một chút tăm hơi tác phẩm. Khán giả sẽ còn bao nhiêu người nhớ đến.
Trong cái đó, còn có cái "khó hơn", lên tiếng không được, im lặng không xong muốn phản kháng bằng nghệ thuật cũng chẳng có đường. Ở một khía cạnh khác, khán giả dù cho có yêu thương và hy vọng đến thế nào, nếu không có tác phẩm làm nền tảng thì lấy thì níu chân khán giả?
Và khán giả phải dựa vào đâu để tin tưởng sự cống hiến của nghệ sĩ? Hay gần hơn, khán giả có còn nhớ họ là ai trong một vườn hoa vô vàn sắc thái?
Không thể phủ nhận tâm lý chung của khán giả trong thời điểm bình thường mới này là rất không thuận lợi cho sự hồi phục của showbiz Việt.
Hơn 1 năm sống chung với dịch bệnh và hơn 4 tháng với giãn cách xã hội, một cách rõ ràng tâm lý của đại đa số khán giả đều chịu một áp lực rất lớn về cuộc sống và về kinh tế.
Điều đáng tiếc là điểm rơi cho thời điểm phù hợp nhất với giải trí lại là 4 tháng lockdown. Khi đó, gần như mọi sự tập trung của khán giả là hướng về mạng xã hội và dành 100% thời gian ở nhà, đó là khi mà đáng ra showbiz phải phát huy tối đa giá trị giải trí thì lại ngập trong thị phi.
"Khung giờ vàng" đã qua. Trong giai đoạn bình thường mới, với áp lực cuộc sống hậu đại dịch, thời điểm hoàn toàn không ủng hộ showbiz một chút nào khi mà điều được công chúng quan tâm đã chuyển sang câu chuyện kinh tế, phục hồi xã hội chứ còn nằm ở giải trí nữa.
Điều này có nghĩa, đây sẽ là thời gian cực kỳ khó khăn cho làng giải trí. Vừa không còn được đón nhận mặn mà, vừa không có được thời điểm vàng để phục khởi.
Điều showbiz Việt đang chờ đợi không chỉ là sự thay đổi của nghệ sĩ, sự tin tưởng của người xem mà còn là chờ đợi một luật lệ công khai, "một người cầm cân" để phân định đúng sai.
Khán giả cần thước đo độ trong sạch, cần điểm tựa lòng tin.
Một điều ngang ngược đang diễn ra chính là tất cả những thuyết âm mưu đang trôi trôi nổi nổi hoành hành khắp nơi toàn là… "nghe đồn", chẳng có lấy một nguồn thông tin chính thống hay bằng chứng để có thể tin tưởng.
Nghe là đủ để mường tượng ra nhân vật nào. Một nữ CEO đã lên tiếng tố hàng loạt cái tên nhất nhì làng giải trí với lý do "nằm mơ mơ thấy". Nhưng mà điều lạ lẫm chính là ai cũng tin, người người tin nhà nhà tin.
Câu hỏi đặt ra, liệu phải chăng vụ án Hoài Linh trúng hồng tâm? Hay là do chẳng có người phân định khiến khán giả đành lòng trao cho nhân vật này cái bảng chính nghĩa để dựa dẫm niềm tin sau sự sụp đổ của các trụ cột?
Hơn ai hết, khán giả là người nhớ nhung và chờ mong sự khoẻ lại của làng giải trí hơn cả. Trong bối cảnh sau bình thường mới, áp lực cuộc sống đè nặng, thời điểm mà giải trí nên tồn tại để phát huy giá trị của nó thì lại bấp bênh.
Điều khán giả chờ mong trong tương lai chính là một nền nghệ thuật phục hồi một cách "ngay hàng thẳng lối". Có lẽ, đã đến lúc nghệ thuật cần phải có luật.
Như mọi trò chơi khác, luật "chơi" cho nghệ sĩ, cho khán giả và cho cả những antifan. Để bảo vệ quyền lợi của các bên và bảo vệ chính nền nghệ thuật nước nhà khỏi những "chiến binh chính nghĩa" hay "kẻ ác đội lớp anh hùng".
Đã đến lúc quyền lực và vị trí của từng cá nhân cần được trả về đúng với chỗ của người đó. Và để phục hồi về lại trạng thái vinh quang như ngày xưa, làng giải trí cần được chấn chỉnh ngăn nắp bởi bên có thực quyền và chính khán giả.
Sau một "cuộc thanh lọc" có quá nhiều điều mà chúng ta cần phải nhìn lại, cần xắn tay áo lên mà vá đi những lỗ hổng. Vậy, sau giông bão, còn lại gì để hy vọng và chờ mong trên "bầu trời" showbiz Việt?
Đầu tiên, hãy cùng chờ đợi chiếc áo mới, lớn hơn và sạch đẹp hơn của nghệ thuật nước nhà. Trong thời kỳ thanh lọc những mảng tối màu, sự tiêu cực, sai trái một cách tất yếu sẽ phải bị đào thải.
Thế nhưng, đừng vội bi quan, bởi song hành cùng tiêu cực luôn có những điều tích cực, dễ thương vẫn đang xảy ra. Sau tất cả, chẳng phải chúng ta sẽ có một một showbiz Việt thận trọng, đề cao đạo đức và có trách nghiệm sau cuộc cách mạng này hay sao?
Cuối cùng, đừng vì những đốm đen li ti mà từ bỏ bức tranh nghệ thuật lớn. Tiêu cực và thị phi đen đúa của làng giải trí là không thể biện minh. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng vì thế mà đả đảo của một nền nghệ thuật bởi còn nhiều cái hẹn đang chờ được thực hiện, còn nhiều người nghệ sĩ chân chính đang chờ được đón nhận.
Sau tất cả, chuyện tái định hình showbiz việt không chỉ là trách nhiệm của nghệ sĩ mà công chúng và thậm chí là cả truyền thông.
Sau khi những cái tôi tồi bị chấn chỉnh và loại bỏ, tôi dám chắc Showbiz Việt sẽ lại hồi sinh với tấm áo sạch - đẹp và lành mạnh hơn nữa. Một cách lạc quan, tích cực và văn minh nhất, chúng ta từng vội "từ bỏ" mà hãy cùng chờ đợi sự chuyển giao thế hệ, chuyển giao tư tưởng trong "làm nghệ thuật". Cùng chờ một thế hệ có tài, có tâm có sắc, chân chính làm nghề.
Rồi một ngày nào đó, hy vọng sáng sớm mai thức dậy sẽ chẳng còn là một cái tên quen thuộc bị đẩy lên "đoạn đầu đài" chịu hành quyết, mà điều ta nhìn thấy sẽ là sự phục hưng rực rỡ của cả nền nghệ thuật Việt Nam.
Nguồn:TH&PL