Hơn 130.000 hệ thống trường công tại Mỹ phải đưa ra quyết định khó khăn rằng mùa thu này nên học từ xa hay không. Một phân tích nhanh trong phạm vi 100 trường lớn nhất cho thấy ⅓ trong số đó đã chọn giảng dạy từ xa. Thay đổi này sẽ giúp hạn chế nhiễm COVID-19 mùa thu này. Nhưng việc này cũng đem lại sự không chắc chắn và stress - không tốt cho kết quả học tập của học sinh.
Học sinh bị stress bởi khối kiến thức ở trường, cố gắng duy trì cuộc sống xã hội, cũng như việc được nhận vào các trường đại học cao đẳng. Và đại dịch năm nay lại khiến stress tăng thêm một bậc, có thể gây ra rất nhiều rắc rối cho học sinh.
Emma Seppälä, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ cảm xúc thuộc Đại học Yale, giải thích rằng các mức độ stress cao hơn gây ra:
- Giảm tập trung
- Ít sáng tạo và đổi mới hơn
- Đưa ra quyết định kém hơn
- Nguy cơ kiệt sức cao hơn
- Học tập giảm sút
Để chống lại điều này, Amanda Fialk, một cộng sự và là lãnh đạo của Dịch vụ y tế tại The Dorm, gợi ý học sinh nên có một “bộ đồ nghề” chứa đựng những kỹ năng và kỹ thuật có thể dùng trong năm học này. Sau đây là 6 kỹ thuật làm giảm stress mà học sinh có thể sử dụng trong năm học đầy căng thẳng và khó nhằn này.
1. Tập thể dục
Trong lúc không còn các lớp Giáo dục thể chất tại trường thì việc dành thời gian tập thể dục là rất quan trọng. Tập thể dục là một cách giảm stress đã được chứng minh và khuyến khích vì nó làm giảm mức độ hormone căng thẳng cortisol, và phóng thích những hoá chất “tạo cảm giác thoải mái” trong cơ thể như endorphin. Phương pháp này không chỉ giúp kiểm soát căng thẳng mà nghiên cứu còn cho thấy sự tương quan rõ rệt giữa vận động thể chất và kết quả học tập.
Ví dụ, những học sinh thường hoạt động thể chất có khả năng đạt điểm A môn Toán hay Tiếng Anh cao hơn 20%, theo một nghiên cứu năm 2006. Và một nghiên cứu khác cũng cho thấy, những học sinh có điểm GPA trên 3.5 có khả năng tích cực hoạt động thể chất cao hơn 3 lần so với những bạn có điểm GPA thấp hơn. Điều này không nhất thiết có nghĩa là tập thể dục dẫn đến kết quả học tập tốt hơn, nhưng dường như có một mối liên hệ rõ rệt giữa hai việc này.
Đối với độ tuổi 6 - 17, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đề xuất tập những bài thể dục vừa phải ít nhất 60 phút mỗi ngày. Để giúp giải toả căng thẳng trong cả ngày, các học sinh có thể chia nhỏ 60 phút đó thành những buổi tập 10 - 15 phút vào sáng, trưa, chiều.
2. Tập thiền
Đối với những học sinh đang học từ xa năm nay, việc đưa ra quyết định có ý thức đặt điện thoại ra xa trong giờ học sẽ rất thực tế. Đó là nơi thiền có thể giúp tập trung và giảm căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy những người tập thiền có nhiều hoạt động hơn ở vùng vỏ não trước trán - khu vực não bộ xử lý việc đưa ra quyết định, hành vi xã hội và sự tập trung. Và các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng bạn có thể phát triển khả năng tập trung sâu này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Trong một nghiên cứu năm 2015, các học sinh đã được tập thiền chánh niệm 50 phút mỗi tuần trong vòng 18 tuần đầu năm học. Kết thúc nghiên cứu, các học sinh này đã cho thấy sự tập trung, trí nhớ và khả năng học tập đã được cải thiện dựa trên các bài tập qua máy tính.
Thử thách duy trì sự tập trung không phải chỉ ở học sinh. Tất cả chúng ta đều bị phân tâm ở lúc này hoặc lúc khác. Fialk nói, “Thiền có thể là một con đường tuyệt vời dẫn đến chăm sóc bản thân” và bạn có thể bắt đầu thiền ngay hôm nay bằng cách dễ dàng tải xuống một trong số những ứng dụng thiền thích hợp cho điện thoại của mình.
3. Ăn uống dinh dưỡng
Học sinh học từ xa sẽ không còn được sự hỗ trợ từ nhà ăn của trường trong việc giúp các bạn chọn những bữa ăn dinh dưỡng. Nhưng ăn đúng cách, như thực phẩm toàn phần, thực phẩm dạng sợi, là rất quan trọng đối với việc học. Điều này đặc biệt đúng với những lúc căng thẳng, khi mà việc lựa chọn những món lành mạnh thậm chí còn khó khăn hơn bởi vì thói quen ăn uống không tốt và stress thường đi đôi với nhau.
Fialk khuyến khích tập trung vào chế độ ăn uống như một trong những bước đầu tiên để giải quyết căng thẳng vì đó là một trong những việc dễ kiểm soát nhất. Một số cách hay để đảm bảo học sinh nạp được dinh dưỡng hợp lý trong suốt cả năm là đảm bảo các bạn đang ăn sáng, ăn nhẹ lành mạnh với các loại thực phẩm như trái cây, thanh ngũ cốc Granola bar. Tránh những thực phẩm chứa nhiều caffeine hoặc đường sau 2h chiều (trà không chứa caffeine là một giải pháp tuyệt vời thay thế cho cafe vào thời điểm này).
4. Ra ngoài
Không nghi ngờ gì nữa, một trong những phần thách thức nhất của đại dịch chính là bị kẹt ở nhà, và việc cách ly này có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh như chế độ ăn uống nghèo nàn hoặc ăn quá nhiều. Nhưng dành thời gian ra ngoài có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn, như một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa các hoạt động ngoài trời và kết quả học tập.
Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2020 thực hiện bởi Đại học Cornell đã kết luận rằng dành chỉ khoảng 10 phút ngoài trời đã giúp sinh viên hạnh phúc hơn và ít stress hơn. Những bạn dành nhiều khoảng 50 phút ở ngoài trời có biểu hiện giảm huyết áp và nhịp tim.
Điều quan trọng là các học sinh cần dành thời gian trong thời gian biểu của mình cho các hoạt động được phép trong thời gian cách ly xã hội như đi xe đạp, đi bộ và chơi thể thao. Thời gian không phải làm việc hay học hành này có thể giúp ích cho kết quả học tập của các bạn hơn là học thêm vài phút nữa.
5. Trò chuyện với bạn bè
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của trường học là tương tác xã hội. Nhiều học sinh cho thấy khi có bạn bè xung quanh, các bạn có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống, điều này có thể giúp mọi người dễ dàng vượt qua những khó khăn thử thách.
Ví dụ, một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng mọi người nhận thấy một ngọn đồi ít dốc hơn khi được bảo hãy chinh phục ngọn đồi cùng với sự góp mặt của một người bạn, so với những người tham gia một mình. Theo Mayo Clinic, dù leo đồi không so với đại dịch COVID-19 nhưng tình bạn cũng có thể giúp con người đối phó với sang chấn tâm lý.
Vì vậy trong thế giới cách ly xã hội, không thể phớt lờ yếu tố xã hội của trường học. Học sinh nên dành thời gian gọi cho bạn bè và làm bài tập cùng nhau qua máy tính - điều này không chỉ làm giảm stress mà còn giúp các bạn xử lý nó tốt hơn.
6. Rèn luyện lòng tự trắc ẩn
Thậm chí cả học sinh, giáo viên và phụ huynh cố gắng làm học kì này ít căng thẳng nhất có thể, ắt hẳn vẫn có những sai sót. Học sinh sẽ phải lập thời gian biểu mới, thử những thói quen mới và xem cái nào hiệu quả với mình. Đó là lý do tại sao điều quan trọng cần nhớ là thử và thất bại không chỉ là một phần của việc thích nghi với kỳ học bất thường này - nó còn là một phần của sự trưởng thành.
Tự trắc ẩn cũng cực kỳ có lợi cho đời sống tinh thần và mức độ căng thẳng. Kristen Neff, Phó Giáo sư Tâm lý học giáo dục tại UT Austin, đã nêu ra trong quyển sách Tự Trắc Ẩn của mình rằng những ai hay tự trắc ẩn có mức độ cortisol thấp hơn những ai hay tự chỉ trích bản thân. Nói một cách đơn giản, khi đối mặt với những tình huống thử thách, những người đã rèn được lòng tự trắc ẩn thì bình tĩnh hơn và ít stress hơn.
Neff tiếp tục báo cáo rằng tự trắc ẩn có thể khiến bạn cũng động lòng trắc ẩn với người khác hơn. Một nghiên cứu năm 2006 đã liên hệ giữa lòng tự trắc ẩn với sự lạc quan, sự tò mò và óc sáng kiến - tất cả những phẩm chất đáng giá đối với học sinh và đặc biệt quan trọng cần phải có lúc này.
Trong lúc học sinh đang phải vật lộn với thay đổi của tự nhiên năm nay, điều quan trọng là các bạn phải nỗ lực xây dựng những thói quen sẽ giúp các bạn duy trì sức khoẻ tinh thần, nhưng điều quan trọng hơn nữa là các bạn phải luôn có lòng trắc ẩn với bản thân cũng như với mọi người trong quá trình đó.
Nguồn: TH&PL