Hoa Học Trò tròn 30 tuổi: Thời thanh xuân tươi đẹp của thế hệ 8x, 9x Việt Nam

Đã bao lâu rồi mình không còn cầm trên tay cuốn báo giấy mang tên Hoa Học Trò?

Đã từng là học trò thì chắc chắn ai cũng biết đến cái danh của tờ báo "hoa" dành riêng cho học trò với giá rẻ bèo 5 nghìn đồng một cuốn. Từng có một thời, cả thế hệ học trò 8x, 9x, thậm chí là cuối 7x cũng chỉ chờ đến ngày được cầm trên tay cuốn báo giấy thơm lừng với vô số những thông tin, hình ảnh đầy mới mẻ và thú vị, được phát hành định kỳ mỗi tuần một số.

Từ những ngày đầu ra mắt 15/10/1991, Hoa Học Trò và sau đó là 2!, Trà sữa cho tâm hồn, Thiên Thần Nhỏ,... tất cả đều đã trở thành người bạn tinh thần của các thế hệ học trò đúng như slogan của báo "Sự lựa chọn của thế hệ học trò mới". Hôm nay, Hoa Học Trò chính thức tròn 30 tuổi kể từ số báo đầu tiên và trở thành tờ báo có độ phủ sóng rộng nhất trong cộng đồng học sinh. 

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0
Hoa Học Trò chính thức tròn 30 tuổi kể từ số báo đầu tiên và gắn liền với thời thanh xuân tươi đẹp của thế hệ 8x, 9x

Dù thời vàng son của những trang báo dành cho lứa tuổi học trò đã qua đi, nhưng khi nhắc nhớ lại ai cũng phải bồi hồi và giật mình hỏi: Đã bao lâu rồi mình không còn cầm trên tay cuốn báo giấy mang tên Hoa Học Trò? 

Nhịn ăn… để mua báo! 

Sách báo giấy nói chung đã từng là một món ăn tinh thần không thể thiếu qua nhiều thế hệ độc giả của Việt Nam. Thay thế cho những chiếc smartphone chứa đựng cả thế giới trong tay như bây giờ thì những trang báo giấy chính là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu cho bạn đọc. 

Tụi học trò ngày ấy đứa nào cũng chờ đến sáng thứ 2 đầu tuần để chạy ù ra sạp báo mà mua cho mình một cuốn Hoa Học Trò mới tinh tươm với biết bao sự tò mò: Tuần này ai sẽ lên trang bìa? Có thần tượng yêu thích của mình trong số này không? Cung hoàng đạo tuần này sẽ nói gì về mình? Chuyện tình yêu gà bông số mới thú vị như thế nào? Anh Chánh Văn hay tâm sự tuổi hồng cho giới trẻ sẽ mang đến câu chuyện gì?

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0

Hoa Học Trò trong ký ức của những đứa trẻ đang "ấp úng làm người" nhiều thú vị như vậy đấy! Dù báo giấy tuy không đắt, nhưng để sở hữu một cuốn báo mới mỗi đầu tuần thì hầu như đứa nào cũng phải "cắn răng" nhịn ăn sáng để mua cho mình một quyển. 

"Mình bắt đầu 'nghiện' Hoa Học Trò từ những năm cấp 2, đến nay số báo cũ nhất mình từng giữ là của năm 2012. Sáng đầu tuần nào mình cũng phải mua báo, nhưng thường mình sẽ 'lén' mẹ để mua vì mẹ hay mắng mình mua báo về rồi chất đống đầy nhà chật chội, rồi phí tiền nữa. 

Vì vậy mà mình thường hay nhịn ăn sáng để dành ra 5.000 - 6.000 đồng mua báo Hoa Học Trò. Không mua được ở sạp thì mình mua trên trường bán. Nhưng kiểu gì cũng phải mua cho bằng được!" - Thanh Hà, sinh năm 1999, một độc giả ruột của Hoa Học Trò chia sẻ. 

Hoa Học Trò trong ký ức của những đứa trẻ đang "ấp úng làm người" chứa đựng rất nhiều điều thú vị

Không riêng Thanh Hà mà rất nhiều bạn trẻ thuở học đường vẫn thường áp dụng biện pháp khá "hại sức khỏe" này chỉ để sở hữu một cuốn báo giấy trên tay. Đó là chưa kể đến có những số báo đặc biệt mỗi tháng, với nhiều "ưu đãi khủng" kèm theo như tập san Idol Hàn Quốc, đĩa CD, sổ tay, móc khoá, gấu bông mini,... tương đương trị giá mấy chục nghìn. Đứa nào nhiều tiền thì mua khao cả đám cùng đọc, đứa nào ít tiền thì đọc ké,... không thì hùn tiền lại mua rồi thay phiên nhau mượn. Vậy mà vui ầm ĩ! 

Mua báo để hóng Idol!

Đôi khi đó còn là mục đích chính để tụi học trò mạnh tay chi tiền mua báo, miễn là có idol của mình, bao tiền cũng ưng! 

Tòa soạn "hiểu ý" tâm lý học trò, nên số nào cũng thiết kế đầy những hình ảnh xinh lung linh từ thần tượng xứ mình đến xứ ta. Nhưng nhiều nhất có lẽ là hình ảnh của những idol Hàn Quốc để chiều lòng độc giả giữa làn sóng Hallyu lúc bấy giờ. Những trang báo giữa luôn được tận dụng triệt để nhằm in hình idol làm poster, cứ thế mà khiến tụi học trò hí hửng, khoái chí rồi bứt ra dán lên đầy tường. 

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0

"Hơi xấu hổ khi nói ngày xưa mình mua báo Hoa Học Trò chủ yếu để 'đu idol' chứ không đọc báo bao nhiêu… Nhưng mà mình thấy vui lắm mỗi khi số đó có hình thần tượng của mình. Mình rất hâm mộ Super Junior, mà ngày đó tần suất xuất hiện của nhóm trên Hoa Học Trò hơi dày đặc, báo hại mình tốn cả mớ tiền. Mình cứ mua về rồi cắt ảnh ra dán treo đầy phòng ở nhà. Nghĩ lại thấy buồn cười ghê nhưng đó là tất cả những ký ức đẹp với mình" - Bạn Minh Châu, sinh năm 1998 kể lại kí ức "đu idol" cùng Hoa Học Trò của mình. 

Qua bao mùa phượng nở, phượng tàn, Hoa Học Trò gắn liền với học sinh bằng nhiều ký ức đẹp, lãng mạn và có phần ngây ngô của thuở học đường. Với những "signature" đặc trưng, tờ báo "vàng" luôn mang đến cho học trò những chuyên mục đặc sắc và thú vị nhất.

Tòa soạn "hiểu ý" tâm lý học trò, nên số nào cũng thiết kế đầy những hình ảnh xinh lung linh từ thần tượng xứ mình đến xứ ta

"Hoa Học Trò đối với mình là kỷ niệm của thời ngây ngô ở trường cấp hai. Nhớ lúc đó tờ báo 5.000 đồng một đứa mua cả đám chụm lại cùng xem, bàn sôi nổi thần tượng này, nghệ sĩ nọ, rồi lật ra trang sau để xem cung hoàng đạo, góc tâm sự. Mình còn nhớ, cuốn báo được chuyền đi khắp lớp trong giờ học, đứa này đọc xong đứa nọ mượn, tới lúc cuốn báo trở về tay chủ là 'bèo nhèo' luôn" - Kiều Anh, sinh năm 2000 kể lại. 

Tự hào nói mình từng có bài đăng trên báo Hoa Học Trò!

Hoa Học Trò là tờ báo tiên phong với cách thức: Độc giả là người viết cho nhau đọc! Ngay từ số đầu tiên, lời nhắn "Hoa Học Trò đơm nụ đầu" đã tạo cho độc giả học trò cảm giác thân quen, rồi mục "Nhật ký để ngỏ" rất hợp tuổi học đường thích viết lưu bút.

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0
Lời nhắn Hoa Học Trò đơm nụ trên số báo đầu tiên (Nguồn: Jap Tiên Sinh)

Từ ngạc nhiên, tò mò, đến háo hức,... học trò nhiều nơi có bài đăng lên báo Hoa Học Trò với mức nhuận "rủng rỉnh" từ làm thơ, viết truyện ngắn, truyện cười. Dạo đó, lũ học trò hay nói rằng: Có bài đăng lên báo Hoa Học Trò còn khó hơn cả việc được giấy khen.

"Ngày đó mình có tham gia chuyên mục "Thử tài của bạn" vì đã có sẵn hình ảnh để gợi ý cho học trò viết. Và mình nhớ mãi số báo 1104 từ năm 2015, mà đến giờ mình vẫn còn giữ, trong đó có chứa bài đăng đầu tiên của mình trên Hoa Học Trò. Dạo đó mình vui mất ngủ một tuần, đi đâu cũng khoe. Rồi mình tham gia viết nhiều hơn, được trao nhiều cơ hội hơn, và cũng vì duyên mà giờ mình đang là một CTV cứng của Hoa Học Trò cũng 4 năm rồi" - Lê Tấn Phát, một trong những thành viên trong gia đình chung của nhà Hoa hào hứng chia sẻ. 

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0

Ai cũng từng trải qua tuổi học trò với biết bao kỷ niệm, nhưng chắc chắn đâu đó trên tay, trong chiếc cặp sách, hay trong hộc bàn,... đều có sự hiện diện của báo Hoa Học Trò với một khoảng trời riêng đặc biệt. Đâu đó còn là niềm tự hào làm rạng danh dòng họ khi được có tên chễm chệ trên tờ báo nức tiếng học trò thuở ấy.

Thời "vàng son" qua đi nhưng Hoa Học Trò vẫn mãi là: Sự lựa chọn của thế hệ học trò mới!

Thế hệ học trò ngày nay chẳng phải là những cô cậu học sinh 8x, 9x ngày xưa để có thể bồi hồi kể lại những gì đã cũ. Thậm chí những người gắn bó nhiều nhất với tờ báo này cũng đã mang danh xưng là Gen Z đời đầu của những năm 2000 - thời điểm mạng Internet bắt đầu phủ sóng và đứa học trò nào cũng sở hữu một chiếc Smartphone thời thượng trên tay.

Không cần phải chờ đến thứ hai đầu tuần mới đọc được tin tức, không cần chờ đến poster của báo mới có được hình idol, chỉ cần vài cú click chuột hoặc chạm nhẹ màn hình cảm ứng là giới trẻ có thể sở hữu cả thế giới trong tay. Từ đó, người ta cũng dần quên đi "nhiệm vụ" của những báo giấy. Hoa Học Trò cũng không ngoại lệ, như chính những bạn trẻ đã tham gia phỏng vấn bài viết này đều khẳng định: "Giờ mình đã không còn thói quen sưu tầm và đọc Hoa Học Trò nữa". 

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0

Là vì các bạn ấy không còn là học trò để đọc những tờ báo dành riêng cho thế hệ học trò hay vì dòng chảy của báo mạng và Internet đã "lấn lướt" những tờ báo tay này? Khó tồn tại giữa thời đại 4.0 là vấn đề mà tất cả những tờ báo in đều đang trăn trở. Nhưng mong rằng, lời chào tạm biệt vĩnh viễn sẽ không bao giờ đến, bởi còn đó những bạn đọc vẫn duy trì thói quen đọc báo in với những tin tức xác thực và độ tin cậy cao. 

Như chính Nguyễn Phương Mai - Thư ký tòa soạn Hoa học Trò đã viết: "Thế giới ngày nay không cần tin, mà cần tin minh bạch, Người đọc ngày nay đã bão hoà những câu chuyện riêng lẻ, nên họ cần một cái nhìn bao quát, tổng thể, khách quan, có chuyên sâu. Con người ngày nay đã bão hoà tự do ngôn luận trên không gian mạng, nên cái chúng ta cần là một tiếng nói nhân văn, tử tế và có trách nhiệm. Khi ai cũng có thể là nhà báo, thì nhà báo phải trở thành một chuyên gia nghiên cứu. Chỉ khi đó, độc giả mới trả tiền để đọc báo".

hoa hoc tro tron 30 tuoi thoi thanh xuan tuoi dep cua the he 8x 9x viet nam - anh 0

Hơn hết, Hoa Học Trò vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình, trở thành "sự lựa chọn của thế hệ học trò mới" với nội dung ngày càng mới lạ, "trendy" và có chiều sâu. Đỉnh cao dù đã qua đi nhưng Hoa Học Trò vẫn mãi là hiện thân đẹp nhất của ký ức học đường mà chưa có một tờ báo mạng nào ngày nay có thể thay thế được.

xin chúc mừng sinh nhật lần thứ 30 của báo Hoa Học Trò! 30 năm trôi qua, cũng là 30 năm ghi dấu trong tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả. Chúc "gia đình Hoa" sẽ mãi luôn là sự lựa chọn số 1 của thế hệ học trò mới trên chặng đường thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng của mình.

Gia tài tuổi trẻ vô giá của những khán giả mến mộ ca sĩ Phi Nhung

Người Hà Nội tận hưởng mùa thu đẹp nao lòng những ngày nới lỏng giãn cách

Tình yêu mùa dịch của chàng bộ đội và nàng tình nguyện viên: "Hẹn gặp lại nhau khi Sài Gòn hết dịch"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ