“Để thực sự là ông hoàng, bà hoàng trong lòng công chúng, nghệ sĩ cần lao động nghệ thuật chăm chỉ, có ý thức cống hiến tài năng, trí tuệ và các sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị”.
Từ chuyện Đàm Vĩnh Hưng gây tranh cãi vì danh xưng "The King" trong buổi họp báo ra mắt phim tiểu sử "Hào Quang Rực Rỡ", vấn nạn loạn danh xưng trong showbiz lại được đưa ra bàn tán.
Theo Tiền Phong nhận định: "Một số nghệ sĩ, thậm chí những người không phải ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp ngộ nhận về những danh xưng hào nhoáng trong showbiz. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đến lúc cơ quan chức năng mạnh tay xử phạt để ngăn chặn những "hào quang giả tạo" trong giới giải trí".
Theo đó, không chỉ có trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng mà cách đây không lâu, một phụ nữ người Việt từng có thơ xuất bản ở nước ngoài tự nhận là "nhà thơ thế giới". Trong một chương trình, người này yêu cầu được giới thiệu bằng những danh xưng như: đại sứ trọn đời, Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao Liên minh các nhà thơ thế giới, Phó chủ tịch liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới…
Chưa hết, tình trạng loạn danh xưng trong showbiz còn thể hiện khi người mẫu nội y được coi là "nữ hoàng", một hot girl phát ngôn "cứ cầm micro lên là thành ca sĩ". Chính những điều này khiến công chúng ngán ngẩm.
Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang cho rằng "hào quang" của nghệ sĩ nằm ở sự thăng hoa trên sân khấu hay đến từ sự yêu thương của khán giả, thay vì những ngai vàng ảo.
"Để thực sự là ông hoàng, bà hoàng trong lòng công chúng, nghệ sĩ cần lao động nghệ thuật chăm chỉ, có ý thức cống hiến tài năng, trí tuệ và các sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị", nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang nói. Anh nhận định cách hành xử, phát ngôn và cống hiến của một số người thậm chí đi ngược với danh xưng họ tự nhận.
NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định những danh xưng trong giới giải trí không dựa vào cơ sở nào về nguyên tắc, pháp lý.
"Việc tự phong, tự đặt danh hiệu diễn ra ở rất nhiều nơi, kéo dài nhiều năm. Trong cơ chế thị trường, họ cố gắng đánh bóng thương hiệu để kéo doanh thu", NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ với Tiền Phong. Ông đề xuất cần có cơ chế, quy định của pháp luật để chấn chỉnh tình trạng này.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhắc lại vụ việc người mẫu nổi tiếng chỉ bằng câu "cạp đất mà ăn", hay thu hút sự quan tâm của dư luận bằng các chiêu trò lệch chuẩn, vi phạm đạo đức.
"Sự lộn xộn này được tiếp thêm sức mạnh bởi những chia sẻ, tung hô trên mạng xã hội, tạo ra những vầng hào quang giả tạo", TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng các kênh truyền thông cần nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm xã hội, tránh tạo điều kiện cho những danh xưng giả tạo này có điều kiện nảy nở, tràn lan, làm rối loạn thị trường giải trí cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu của công chúng.
"Đối với nghệ sĩ, việc sử dụng các danh xưng không xứng đáng có thể bị xem như một hành động tự đánh mất uy tín và chất lượng của mình. Nghệ sĩ cần đảm bảo rằng các tác phẩm của họ được đánh giá dựa trên giá trị nghệ thuật thực sự, không phải chỉ vì danh xưng hoặc các chiêu trò quảng cáo", ông cho biết.
"Nghệ sĩ cần có trách nhiệm và nhận thức rõ về vai trò và sức ảnh hưởng của mình, tránh sử dụng các danh xưng không xứng đáng và tôn trọng các giá trị đạo đức, tôn giáo và văn hóa của cộng đồng mà mình phục vụ. Đó là quan điểm của Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Nghệ sĩ cần đảm bảo rằng các tác phẩm của họ được đánh giá dựa trên giá trị nghệ thuật thực sự, không phải chỉ vì danh xưng hoặc các chiêu trò quảng cáo", PGS.TS Bùi Hoài Sơn.
NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ những sai phạm trong việc xưng danh cần quy định rõ trong Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trong quy định pháp lý. Đối tượng vi phạm phải giao cho đúng cơ quan chức năng xử lý.
"Nếu cơ quan cấp phép là Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục phải chịu trách nhiệm xử phạt những vi phạm này. Những đơn vị truyền thông cũng có một phần trách nhiệm. Cơ quan truyền thông nào đưa thông tin không đúng về danh xưng phải bị tính là quảng cáo sai sự thật", NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ. Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh quy định cần đi kèm với chế tài xử phạt, có chế tài, đơn vị chịu trách nhiệm xử lý phải vào cuộc ngay.
"Chúng ta cần phân vai, phân vở rõ ràng, đúng nơi, đúng chỗ để tránh việc loạn danh xưng. Mỗi vi phạm cần phải có mức xử phạt cụ thể. Ví dụ lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba vi phạm mức phạt sẽ khác nhau. Nếu cứ bắt nhái bỏ đĩa, phạt mấy triệu hay mấy trăm nghìn đồng thì không có nghĩa lý gì", NSND Lê Tiến Thọ đề xuất.
Nguồn: TH&PL