Phim chủ đề quân nhân luôn mang đến một sức hút đặc biệt với người xem.
Những năm gần đây đề tài quân nhân trở nên đặc biệt phổ biến trong phim truyền hình Hàn Quốc. Từ Hậu Duệ Mặt Trời, Hạ Cánh Nơi Anh đến D.P., những yếu tố văn hóa - xã hội nào khiến phim quân nhân ăn khách tại xứ sở kim chi?
Nghĩa vụ quân sự bắt buộc
Trái với các quốc gia có chế độ nghĩa vụ quân sự không bắt buộc như Hoa Kỳ và phần lớn nước châu Âu, Hàn Quốc có luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc vô cùng nghiêm ngặt. Không một ai được miễn trừ nghĩa vụ quân sự, dù là người có địa vị cao, hay người nổi tiếng trong ngành giải trí như diễn viên, ca sĩ, thần tượng. Chỉ có cơ hội miễn giảm, cho phép phục vụ cộng đồng thay vì hoạt động tại ngũ trong trường hợp không đảm bảo sức khỏe.
Điều này khiến cho tất cả nam giới của đất nước xứ kim chi đều mất hai năm thời gian trong đời để phục vụ quân đội, thay vì học tập hay lao động. So với cuộc sống thường nhật, cuộc sống tại ngũ dĩ nhiên thiếu thốn, gian khổ hơn nhiều, chưa kể đến trường hợp bị bắt nạt hoặc đối xử tệ.
Theo Luật hình sự Hàn Quốc, hành vi đào ngũ bị xử phạt lên đến 10 năm tù. Bộ phim D.P. lấy đề tài truy bắt lính đào ngũ, khắc họa cuộc sống hàng ngày của lính tại ngũ khi lên sóng trên Netflix đã dấy lên nhiều câu hỏi về vấn đề chính sách quân ngũ của đất nước này. Không ít người từng đi quân sự trước đó tỏ ra đồng tình, thấu hiểu với nỗi vất vả nhân vật phải chịu trong phim.
Chia cắt hai miền Nam Bắc là đề tài hấp dẫn
Không khó để phát hiện, Hàn Quốc và Triều Tiên có mối quan hệ tương đối căng thẳng qua nhiều thập kỷ vì khác biệt trong thể chế chính trị. Yếu tố này là lý do chính khiến Hàn Quốc duy trì quân số ổn định 550.000 người, với 2,7 triệu quân dự bị, và bắt buộc tất cả nam giới Hàn Quốc đi nghĩa vụ quân sự.
Do đó, việc đưa câu chuyện về hai người thuộc hai miền Nam - Bắc Hàn yêu nhau trong Hạ Cánh Nơi Anh tuy rằng rất hư cấu, nhưng lại "gãi đúng chỗ ngứa" vào đề tài quan trọng có thật, dễ dành được sự tò mò từ khán giả. Đồng thời, việc chia cắt hai miền Nam - Bắc đã tạo ra nhiều lời đồn đại không hồi kết về những bí ẩn phía sau, từ đó trở thành chất liệu đắt giá cho phim ảnh.
Cảnh hai nhân vật chính chia tay nhau ngay tại vĩ tuyến 17 trong tập cuối, với quân đội hai bên vĩ tuyến lăm le tay súng, khắc họa tình trạng căng thẳng, cũng như ước mơ hòa bình và khát khao được ở bên người thân hoàn toàn có thật của người dân Hàn Quốc.
Trọng nam khinh nữ
Bất chấp nền kinh tế phát triển, tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ và vấn đề bất bình đẳng giới tại Hàn Quốc còn rất nặng nề. Đây cũng là nước có chênh lệch mức lương giữa hai giới lớn nhất trong nhóm các nước phát triển. Hình ảnh nữ giới giữ vai trò quan trọng trong xã hội, như nữ chính là giám đốc công ty riêng trong Hạ Cánh Nơi Anh, là hiếm gặp trong thực tế, nhưng lại thể hiện đúng mong ước của phần đông nữ giới - đối tượng khán giả chính của dòng phim truyền hình lãng mạn.
Theo tổ chức phi chính phủ Korea Women's Hotline hoạt động trong hơn 35 năm, cứ 10 người gọi đến đường dây nóng thì có 4 người là nạn nhân của tình trạng bạo lực khi hẹn hò. Hơn 50% nam giới khi hẹn hò kiểm soát các hoạt động cá nhân của bạn gái, như gọi điện kiểm tra bạn gái đang ở với ai, hạn chế ra ngoài, gặp gỡ bạn bè hoặc đặt ra quy định về cách ăn mặc. Thậm chí họ không nhận thấy đó là dấu hiệu của hành vi bạo hành.
Do đó, việc một nữ chính được một người đàn ông chân thành bảo vệ, che chở, như trong Hạ cánh nơi anh hay Hậu Duệ Mặt Trời ngoài việc làm "rung rinh" trái tim thiếu nữ vốn có của chị em, cũng phần nào làm họ khuây khỏa trước cánh mày râu ngoài đời tương đối gia trưởng và độc đoán.
Nguồn: TH&PL