So với những chương trình truyền hình thực tế hay gameshow âm nhạc, thì chương trình về nhảy múa ở Việt Nam lại khá mờ nhạt.
Hy vọng le lói rồi "tắt lịm"
Khoảng 10 năm trước, giữa lúc thị trường gameshow truyền hình phát triển nhộn nhịp, các chương trình về nhảy múa đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, như một món ăn tinh thần mới lạ với khán giả truyền hình. Đồng thời, đây cũng là những sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ yêu thích nhảy múa hoặc có ước mơ trở thành vũ công chuyên nghiệp.
Có thể kể đến 2 cái tên đình đám nhất thời bấy giờ là "Bước Nhảy Hoàn Vũ" và "Thử thách cùng bước nhảy - So You Think You Can Dance". Ngoài ra, còn có một số gameshow nhảy múa khác ra đời cùng thời điểm như: Bước Nhảy Ngàn Cân, Vũ Điệu Xanh, Vũ Điệu Đam Mê", Bước Nhảy Xì Tin,… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những chương trình này cũng "lặn mất tăm" theo thời gian.
Đến vài năm trở lại đây, hàng loạt show nhảy đình đám của thế giới đã "đổ bộ" Việt Nam, với hy vọng có thể tái sinh lại thời kỳ huy hoàng của các nhóm nhảy và các vũ công.
Những cái tên đình đám không thể không nhắc đến là: "Street Dance" - một trong những gameshow hot nhất hành tinh hay "Nhóm nhảy siêu Việt" - phiên bản Việt hóa từ "America's Best Dance Crew", một chương trình rất nổi tiếng về nhảy múa của Mỹ và từng gây sốt toàn cầu. Bên cạnh đó, còn một số chương trình khác cũng rất được đầu tư như: Sàn Đấu Vũ Đạo, Dancing With Myself - Nhảy Đi Ngại Chi,....
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những chương trình này trên sóng truyền hình lại khá mờ nhạt, không bùng nổ, không gây được tiếng vang và không thu hút được đông đảo khán giả. Chưa hết, loạt gameshow nhảy múa ở Việt Nam trong khoảng 3 năm qua còn liên tục nhận về những chỉ số đáng thất vọng trên các nền tảng số.
Quy tụ nhiều cái tên hot là chưa đủ
Tính đến thời điểm này, một trong những sân chơi về nhảy múa chất lượng nhất vẫn là "Thử thách cùng bước nhảy - So You Think You Can Dance". Lần đầu xuất hiện năm 2012, gameshow này nhanh chóng chiếm được tình cảm của người xem bởi nó "sạch", không ồn ào hay chiêu trò.
Sức hút của mỗi tập phát sóng đến từ chính tài năng và sự nỗ lực của các thí sinh thông qua những thước phim về sự khổ luyện, vất vả hay những phút thăng hoa của các vũ công trên sân khấu.
Tuy nhiên, những chương trình hiện nay lại chưa làm tốt điều này, thường đào sâu những câu chuyện bên lề thay vì nội dung và chất lượng chuyên môn. Điển hình là "Street Dance Việt Nam" mùa đầu tiên, dù nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng Hip-hop và có sự góp mặt của rất nhiều dancer tài năng. Nhưng, khi nhắc đến chương trình, khán giả sẽ chỉ nhớ đến Chi Pu, Trọng Hiếu, Kay Trần, Bảo Anh, Trấn Thành và những câu chuyện xoay quanh họ…. chứ không phải thí sinh.
Cũng dễ hiểu khi chương trình đang khai thác nhiều thông tin xoay quanh các đội trưởng để tăng rating và tương tác. Tuy nhiên, điều này lại gây tác dụng ngược khiến các thí sinh - những người lẽ ra cần được chú ý - lại trở nên mờ nhạt. Khán giả không thể nhớ đến họ có kỹ năng gì, gương mặt ra sao, đấu với ai,.. Trong khi đó, những gì đến từ các đội trưởng lại viral.
Xét về góc độ chuyên môn, những gì mà 4 đội trưởng thể hiện tại chương trình cũng chưa được đánh giá cao. Ngoài Trọng Hiếu được đánh giá là "out trình" ngay từ tập đầu tiên thì các đội trưởng còn lại đều khiến khán giả hoài nghi và được cho là "quá sức" khi đảm nhiệm vai trò này.
"Sàn Đấu Vũ Đạo" cũng được dự đoán sẽ là một show cực hot khi quy tụ nhiều nhân tố trẻ đang được yêu thích thời điểm đó như tlinh, Hậu Hoàng, Liz Kim Cương,... Thế nhưng, đi ngược với kỳ vọng ban đầu, chương trình lại không tạo được tiếng vang. Nếu trước đây, "So You Think You Can Dance" hay các show về nhảy khác được khán giả chờ đợi mỗi tuần thì "Sàn Đấu Vũ Đạo" lại không được như vậy. Những màn trình diễn của thí sinh không được chia sẻ hay bàn luận nhiều trên mạng xã hội.
Hay một chương trình hiện đang lên sóng là "Nhảy Đi Ngại Chi" cũng gây nhiều thất vọng. Là phiên bản Việt hóa từ "Dancing With Myself" từng làm mưa làm gió tại Mỹ trong thời gian dài, "Nhảy Đi Ngại Chi" hướng đến tất cả đối tượng với mong muốn truyền cảm hứng và mang đến năng lượng tích cực thông qua âm nhạc và vũ đạo. Trong mỗi tập, các đối tượng thí sinh với những câu chuyện, cá tính, độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau sẽ bước ra từ những ô cửa và cháy hết mình với những điệu nhảy.
Tuy nhiên, tất cả những gì khán giả nhớ đến chương trình là những khoảnh khắc hài hước của dàn nghệ sĩ nổi tiếng: Minh Hằng, Diệu Nhi, Thanh Duy,... trong hậu trường. Đáng nói, sự đổ bộ của hàng loạt KOC, hot TikToker và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội dường như cũng đi lệch với format ban đầu của chương trình. Dù vậy nhưng dấu ấn của "Nhảy Đi Nhảy Chi" vẫn hoàn toàn mờ nhạt.
Không đủ sức cạnh tranh
Sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường gameshow ở Việt nam khiến những nhà sản xuất và nhà đầu tư buộc phải chọn lọc, "đầu tư" có trọng điểm vào những chương trình mang lại lợi nhuận cao. Ở thời điểm hiện tại, so với những chương trình truyền hình thực tế hay gameshow âm nhạc thì chương trình về nhảy múa dường như đã bị bỏ lại phía sau.
Với khán giả đại chúng, nghệ thuật nhảy múa vẫn là một điều gì đó xa lạ, khó tiếp cận. Đồng thời, gameshow về nhảy múa không đủ yếu tố đại chúng hay "chất liệu" để gây sốc cho khán giả như những lĩnh vực nghệ thuật khác.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến những show đình đám như "Street Dance" vẫn flop khi về Việt Nam. Dù văn hóa nhảy đường phố rất được ưa chuộng và cũng không còn xa lạ gì với giới trẻ. Tuy nhiên, điều này còn rất mới mẻ đối với khán giả đại chúng ở Việt Nam.
Họ chưa từng được tiếp xúc nên không thể biết hết hàng loạt thể loại trong Street Dance như: Breaking, Popping, Waacking, Locking, House Dance, Hip-hop Dance,.... Hơn nữa, càng không thể hiểu những kỹ thuật mà các tuyển thủ thể hiện trên sàn đấu để đánh giá nó hay, dở thế nào.
Nguồn: TH&PL