Gái Già Lắm Chiêu đã thay đổi định nghĩa về "nữ quyền" ra sao?
Gái Già Lắm Chiêu là thương hiệu mà khi nhắc đến người ta sẽ nhớ về hàng loạt tác phẩm "đắt đỏ" từ bối cảnh, thời trang, câu chuyện cho đến dàn diễn viên đẳng cấp. Trải qua 4 phần, Gái Già Lắm Chiêu không ít lần khiến khán giả há hốc mồm bởi độ chịu chơi và chịu chi qua từng thước phim. Từ đời sống hiện đại của các quý cô thành thị cho đến khung cảnh nên thơ, sang trọng của gia đình hào môn xứ Huế, tất cả được thể hiện chỉn chu từng chi tiết. Đẹp đẽ, lộng lẫy, sang trọng là thế, nhưng Gái Già Lắm Chiêu có phải là "vàng thật" của điện ảnh Việt?
"Vàng thật" được nhắc đến ở đây chính là giá trị cốt lõi mà Vũ Trụ Gái Già đã mang lại cho khán giả chứ không phải bất kỳ thứ "kim loại" nào khác đang đội lốt "mạ vàng".
Nói thẳng ra, Gái Già Lắm Chiêu vẫn có những lỗ hổng khó chấp nhận được. Tuy nhiên, khán giả có thể tạm gác lại những điều đó để khẳng định Gái Già Lắm Chiêu hay Vũ Trụ Gái Già đã thay đổi hình tượng phụ nữ Việt. Nhìn vào từng bức chân dung phụ nữ trong Gái Già Lắm Chiêu, bạn sẽ thấy được câu chuyện mà phụ nữ Việt ít nhiều đã trải qua. Bên cạnh đó phim còn vạch ra hình mẫu tương lai của phái đẹp mà ai cũng thèm khát có được.
Khi "gái Việt" còn "trẻ"
Áo Lụa Hà Đông, Cuộc Đời Của Yến hay Vợ Ba đều là những tác phẩm đậm dấu ấn khắc họa cuộc đời bất hạnh của đời phụ nữ. Ngay lúc này, hai chữ "phái yếu" đang dần dần ăn vào máu thịt của người Việt, vô hình chung điều đó khiến phụ nữ trở thành "người phải hy sinh".
Khi nhắc đến phụ nữ Việt, chúng ta sẽ nhớ đến điều gì? Hy sinh, dịu dàng, chịu thương chịu khó,... sao? Đúng thế, đã trải qua hơn nghìn năm, hình ảnh người phụ nữ Việt vẫn gắn liền với những cụm tưởng chừng đẹp đẽ lại là rào cản vô cùng to lớn.
Một trong những tác phẩm đầy tranh cãi về hình tượng phụ nữ xưa chính là Vợ Ba. Trái chiều là thế, nhưng Vợ Ba vẫn là một hiện thân chỉn chu cho "phái yếu" giữa thời kỳ phong kiến. Họ không thể tự quyết định cho cuộc đời của mình, chi tiết cô Tuyết bị nhà chồng trả về khiến cho ai nấy cũng đau lòng. Ngay lúc đó, không ai chấp nhận cô, và cô cũng không chấp nhận chính mình, chính vì thế cái chết là điều tất yếu.
Hay ở lĩnh vực truyền hình, hình ảnh người vợ, người mẹ tần tảo hy sinh vẫn được khai thác trong hàng loạt tác phẩm như Cây Táo Nở Hoa, Sống Chung Với Mẹ Chồng, Hương Vị Tình Thân, Thương Ngày Nắng Về... "Vợ chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về, không lấy đứa này thì lấy đứa khác!", đó là câu nói của bà Phương trong Sống Chung Với Mẹ Chồng.
Chẳng biết từ khi nào, phụ nữ như một món đồ mà ai muốn làm thế nào cũng được. Và Vân - một cô gái xinh đẹp, học thức và có chính kiến, vậy mà đôi lúc cũng đã ngã gục trước những định kiến khắc nghiệt của mẹ chồng. Điều này cho thấy, không phải ai cũng dám vượt qua được cái bóng của phụ nữ xưa kể cả người mạnh mẽ, quyết tâm nhất.
Tất cả những điều đó cho thấy, "nữ quyền" không đơn thuần là một cụm từ để bất kỳ ai nói đạo lý, cũng không phải là xu hướng. Nữ quyền là một hành trình khẳng định "quyền nữ" của phái đẹp (không phải "phái yếu"). Tôn vinh hay vạch trần, đó là tất cả những điều mà phim ảnh Việt đã và đang làm, vậy còn chứng minh thì sao?
Gái Già - "lắm chiêu"
Gái Già Lắm Chiêu - nghe cứ như phim hài nhỉ? Đúng, Gái Già Lắm Chiêu rất nhiều "trò" để gây cười nhưng cũng rất nhiều "chiêu" để suy ngẫm.
Bắt đầu với tác phẩm đầu tiên vào năm 2016, Gái Già Lắm Chiêu đã đưa Diễm My 9x tìm thấy đúng hình tượng phù hợp. Linh San - một quý cô thành thị sang chảnh, ngồi lên những chiếc siêu xe đắt đỏ, khoác lên mình BST của loạt hãng thời trang đắt đỏ, sở hữu trong tay tất cả tiền bạc, quyền lực. Đó là hình mẫu mà ai ai cũng muốn có được, thậm chí khao khát một lần được chạm vào.
Tự do, phóng khoáng và nói không với hôn nhân, tưởng chừng như Linh San chẳng còn thèm khát điều gì cả nhưng đến cuối cùng vì thiên chức làm mẹ cô không ngại "tung chiêu". Phần 1 của Gái Già Lắm Chiêu cho thấy một hình tượng hoàn hảo nhưng lại "bình thường". "Bình thường" ở đây, chính là khao khát muốn là phụ nữ trọn vẹn. Thay vì cam chịu, đổ lỗi số trời sao không thể cho mình khả năng làm mẹ, Linh San tự tin quyết tâm tìm kiếm người đàn ông giúp cô thực hiện thiên chức.
Bên cạnh đó, Gái Già Lắm Chiêu lựa chọn các độ tuổi của nhân vật khoảng tầm 30 đến 40 tuổi để cho thấy phụ nữ hiện đại lấy chồng sớm cũng được, lấy chồng muộn cũng được hoặc có thể không lấy chồng vẫn có thể thành công.
Đến với phần 2, câu chuyện vẫn như thế với Ms Q do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai - một host chương trình ăn khách rất thông minh và bất chấp thủ đoạn để có được điều mình mong muốn. Nếu Gái Già Lắm Chiêu 1 là "nền móng" thì phần 2 là "xi măng" làm dày thêm hình tượng phụ nữ mới trong lòng khán giả.
Đến với phần 3, Gái Già Lắm Chiêu lấy bối cảnh tại thành phố Huế mộng mơ nhưng lại quy củ và truyền thống. Vì sao lại lựa chọn Huế là nơi Ms Q thể hiện mình? Huế được cho là một trong những nơi mang đậm dấu ấn phong kiến, và con người ở đây cũng rất nề nếp, chính vì thế sự xuất hiện của Ms Q đã "phá vỡ" những lề lối xưa cũ. Không còn là câu chuyện yêu đương nam nữ, "gái già" ngày càng "lắm chiêu" hơn với câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu quen thuộc. Không đứng yên, chấp nhận từ bỏ tình yêu, Ms Q quyết định nói ra những suy nghĩ và khẳng định bất kỳ ai cũng không có quyền hạ thấp giá trị của cô.
Trải qua 3 phần, đến phần cuối cùng Gái Già Lắm Chiêu "càng cay" hơn để giải quyết triệt để những vấn đề của phụ nữ xưa âm ỉ cho đến nay. Vấn đề đó là một người đàn bà nuôi mộng "phong hậu" mà núp sau cái bóng tiểu thư nhà họ Lý để làm "tiểu tam" của Lý Lệ Hà hay khao khát quyền lực đến nỗi sắp đánh mất đi gia đình là Lý Linh. Cái kết của phim cũng chính là lời khép lại cho câu chuyện "nữ quyền" qua Gái Già Lắm Chiêu và mở ra một trang mới cho phụ nữ ở những dự án khác.
Tạm kết
Không còn mong mỏi, không còn trào lưu hay xu hướng, nữ quyền phải là định nghĩa "bất di bất dịch" dành cho con gái chúng mình. Cố vượt mặt nam giới, phải mạnh mẽ, thành công, chị đại, đó không phải là thông điệp dành cho phụ nữ hiện đại. Nữ quyền là tự tin và biết mình muốn làm gì, yêu ai, hạnh phúc ra sao. Yếu đuối hay mạnh mẽ, là bạn lựa chọn!
Nguồn: TH&PL