Tác giả Fuonk Nguyễn đã phát hành cuốn sách về Fashion Stylist nhằm chia sẻ những trải nghiệm thú vị trong gần 15 năm làm nghề của mình với các bạn trẻ.
Ngày 4/1, buổi ra mắt sách Fashion Stylist - Vén Màn Hậu Trường Của Những Bước Chân 4.0 của tác giả Fuonk Nguyen đã chính thức diễn ra tại TP.HCM. Fuonk Nguyễn hiện là Freelance Art Director kiêm Fashion Stylist, anh từng cộng tác với rất nhiều ngôi sao và nhãn hàng lớn tại Việt Nam. Không hề hoạt động thời trang chỉ bằng đam mê và năng khiếu, Fuonk Nguyễn còn theo học bài bản ngành Truyền thông và Công nghiệp Thời trang tại Đại học Nghệ thuật Lasalle (Singapore).
Cuốn sách đầu tay của Fuonk Nguyễn không chỉ kể lại hành trình trở thành một Fashion Stylist chuyên nghiệp của cá nhân anh, mà còn là những lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ đam mê thời trang. Hiện tại, các Stylist bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam nhiều hơn và Fashion Stylist đang là một nghề nghiệp "hot" với Gen Millennials, Gen Z.
Tuy nhiên, một trường lớp hay môn học cụ thể để hướng dẫn "vào nghề" Fashion Stylist vẫn còn hạn chế ở Việt Nam, nên cuốn sách của Fuonk Nguyễn sẽ là một cẩm nang hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu thêm về công việc này. Fashion Stylist là người làm công việc tư vấn và định hình phong cách thời trang, có gu thẩm mĩ vượt trội và khả năng nắm bắt xu hướng nhanh nhạy.
Cùng trò chuyện nhanh với Fashion Stylist Fuonk Nguyễn để hiểu thêm về công việc thú vị này!
Bất kỳ ngành nghề nào cũng có drama thôi!
Chia sẻ với , Fuonk Nguyễn cho biết: "Đây không phải là một cuốn sách 'bóc phốt' nghề Stylist hay Drama trong hậu trường làm việc với người nổi tiếng. Tôi chỉ muốn cung cấp thông tin cho các bạn trẻ về ngành nghề này từ bao quát đến chi tiết. Trong cuốn sách này có nhắc đến những nghệ sĩ, người nổi tiếng mà tôi từng làm việc, nhưng là nhắc tới dự án mà tôi từng cộng tác với họ".
"Không phải tôi từ chối nhắc đến drama trong công việc với người nổi tiếng, mà là chưa bao giờ tôi gây sự hay cãi lộn với nghệ sĩ, hay khách hàng mà mình từng hợp tác. Tôi không tránh drama mà hạn chế mức tối thiểu nhất những rắc rối mình có thể vướng phải. Thật ra bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ có drama thôi. Quan trọng là hướng nhìn của mình như thế nào" - Fuonk Nguyễn bày tỏ quan điểm về "drama" trong ngành Fashion Stylist.
Fuonk Nguyễn cũng chia sẻ, bất kỳ ngành nghề nào đang "hot", thì mọi người cũng sẽ dễ chú ý đến những nhân vật đang làm việc trong ngành nghề đó. Sau khi làm Fashion Stylist, cơ hội để phát triển lên Art Director, Creative Director hay KOL là hoàn toàn rộng mở. "Minh chứng thành công trong ngành Fashion Stylist thật sự rất nhiều, ví dụ như Kelbin Lei hay Hoàng Ku - các bạn đã trở thành những tên tuổi thực sự đắt giá. Sắp tới, Fashion Stylist cũng có thể làm giám khảo tại các gameshow, giảng viên trong trường đại học".
Bạn không thể một bước thành sao trong ngành này được
Đồng thời, Fuonk Nguyễn cũng đưa ra những quan sát của anh về các bạn trẻ - thể hệ Z vừa "chân ướt chân ráo" bước chân vào ngành Fashion Stylist: "Ngay từ trong cuốn sách, tôi có bày tỏ sự ghen tỵ với các bạn trẻ ngày nay, vì các bạn có quá nhiều cơ hội và thông tin để đến với nghề nhanh hơn. Nhưng thực tế, những thông tin chỉ mang tính hỗ trợ, còn bạn không thể một bước thành sao trong ngành này được.
Bắt buộc bạn phải có kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc, dần dần tạo cho mình uy tín và tiếng nói. Ai cũng có bước đệm là đi làm trợ lý, công việc phụ cho một ê-kíp chứ tôi chưa từng gặp ai một bước từ số 0 thành Fashion Stylist đình đám cả".
Có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hình ảnh/báo chí, từng làm việc với rất nhiều ngôi sao và nhãn hàng, nhưng Fuonk Nguyễn không ngại thừa nhận "vẫn nhận được rất nhiều năng lượng mới mẻ và học được từ các bạn trẻ". So với thế hệ của Founk Nguyễn, những bạn trẻ Gen Z đang là một làn gió mới cho ngành Fashion Stylist nhờ tinh thần cởi mở, tự tin và mạnh dạn.
Để trở thành một Fashion Stylist tốt, theo anh Fuonk Nguyễn, các bạn trẻ cần có cả kiến thức và kinh nghiệm thực tế: "Mỗi một người sẽ có một giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào trải nghiệm riêng. Sau khi làm thời trang được 4 - 5 năm, tôi muốn phát triển hơn nữa nhưng không biết làm như thế nào. Tôi thấy người ta làm được mà không biết mình cần bắt đầu từ đâu.
Sẽ tới một lúc nào đó, những người làm Fashion Stylist tự phát sẽ biết mình cần phải trau dồi kiến thức, học hành để đi đến nấc thang cao hơn của ngành này. Muốn đi xa thì phải có cái nền, phải thực sự nghiêm túc học, nếu không mình chỉ hoạt động trên bề mặt thôi".
Nguồn: TH&PL