Liệu về hay ở lại nước có phải là cách cống hiến duy nhất?
"Đường lên đỉnh Olympia" là một chương trình học thuật nổi tiếng và lâu đời do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Với phần thưởng cho người về nhất trong cuộc thi Chung kết năm hằng năm là học bổng toàn phần tại đại học Swinburne (Úc), câu chuyện các quán quân có về Việt Nam sống và làm việc hay không vẫn là một đề tài nóng hổi xoay quanh chương trình đã có 21 năm tuổi này.
Sau khi trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 21 kết thúc vào sáng ngày 14/11, sự quan tâm lúc này dồn về phía nhà vô địch Nguyễn Hoàng Khánh, những lời nói cũ lại xuất hiện "lại một nhân tài nữa cho nước Úc".
Tự bao giờ lại trở thành "Đường Lên Đỉnh Australia"?
Đó là câu nói phổ biến nhất trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội mỗi khi kết thúc một mùa Olympia với việc quán quân đã được gọi tên cùng học bổng trị giá $40,000 tại đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc). Trong suốt 21 năm đồng hành cùng các thế hệ học sinh Việt Nam, Đường lên đỉnh Olympia đã tìm ra 21 nhà leo núi xuất sắc nhất qua từng năm, xứng đáng với học bổng toàn phần như một hình thức chắp cánh cho các nhân tài ưu tú nước nhà.
Mặc dù vậy, việc chỉ có 2/18 quán quân trở về Việt Nam sinh sống và làm việc đã khiến dư luận xôn xao trong suốt nhiều năm qua, mỗi khi một mùa Olympia khép lại. Những người chiến thắng bỗng dưng lại phải nhận vô vàn lời chỉ trích vì vấn đề này, thậm chí ngay từ lúc họ còn chưa bắt đầu hành trình tại xứ sở chuột túi.
"Australia's Got Talents" hay "Tìm kiếm tài năng cho nước Úc", "chảy máu chất xám",… là những cụm từ dùng để chỉ trích các "nhân tài" đã chọn không quay về nước cống hiến sau những tháng năm dùi mài ở xứ người. Tuy nhiên, có lẽ việc "cống hiến" cho Tổ quốc ở đây đã được áp lên họ một cách có phần cực đoan và phiến diện.
Thật ra, việc cống hiến cho Tổ quốc có nhiều hình thức khác nhau và cách làm khác nhau để thực hiện. Các nhà quán quân Olympia trên thực tế luôn là những người có thành tích học tập xuất sắc tại Swinburne và sẽ không hề kỳ lạ nếu họ đã và đang làm việc cho những tập đoàn, công ty đình đám có trụ sở tại Úc.
Họ thực sự là những người con ưu tú của nước nhà và bản thân họ đang đại diện một phần cho hình ảnh của người Việt tại đất khách quê người. Chính tài năng và bản lĩnh của họ đã giúp hình ảnh của người Việt Nam được nâng tầm rõ rệt đối với các nước bạn. Bên cạnh đó, việc một số chuyên ngành học của các bạn quán quân tương đối mới mẻ và và chưa có nhiều cơ hội tại Việt Nam cũng đã khiến họ chọn ở lại Úc, nơi có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp hơn.
Nhân tài tại Việt Nam: Có thực sự khan hiếm đến thế?
Theo format hiện tại, Đường lên đỉnh Olympia mỗi năm cho "lên sóng" 144 bạn thí sinh từ khắp mọi miền trên cả nước. Lật ngược lại vấn đề, ngoài người giành được phần học bổng, 143 người còn lại không phải cũng là nhân tài hay sao? Bên cạnh đó, còn rất rất nhiều những học sinh tài năng nhưng không được chọn hoặc không đăng ký tham gia cuộc thi này, nhưng vẫn tỏa sáng và giành được rất nhiều giải thưởng ở các cuộc thi khác.
Đường lên đỉnh Olympia chưa bao giờ là thước đo để xác định nhân tài mà chỉ là một sân chơi tri thức giúp chúng ta phát hiện ra những tài năng để kịp thời bồi dưỡng và phát triển. Phạm trù của "nhân tài" thực ra rất rộng và rõ ràng chúng ta không nên dồn mọi trách nhiệm lên vai những bạn quán quân, chỉ đơn thuần vì họ quá tài năng và bản lĩnh.
Liệu những người chỉ trích có thực sự nghĩ đến sự đi lên của nước nhà hay chỉ đơn thuần là tìm kiếm một lý do để tấn công sự nghiệp và cuộc sống mỹ mãn của người khác?
Ngoài ra, nhìn vào tiến độ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, có thể dễ dàng nhận thấy rằng đội ngũ những con người tài năng tại Việt Nam vẫn đang làm rất tốt công việc của họ. Nhiều người mải mê đi tìm những thứ hào nhoáng từ bên ngoài mà không hề hay biết rằng luôn có những người nhiệt huyết và không ngừng cố gắng để xây dựng, đưa đất nước đi lên từng ngày.
Từ công nghệ 5G, đến những chiếc ô tô "Made in Vietnam", chúng ta đang từng bước vươn mình ra thế giới. Đứng sau những thành công đó, chắc chắn cũng là những nhân tài của đất nước, do đó, họ cũng xứng đáng với một sự công nhận đúng đắn hơn và hoàn toàn có thể san sẻ, gánh vác trách nhiệm "cống hiến cho Tổ Quốc".
Tạm kết
Cứ đến hẹn lại lên, sau khi trận chung kết tìm ra quán quân, cũng là lúc dư luận lại được phen xôn xao lo lắng về một cuộc "chảy máu chất xám" đều đặn của Việt Nam. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, mỗi cá nhân đều có cách cống hiến khác nhau cho Tổ quốc, bản thân họ cũng đều có sự nghiệp, cuộc sống của riêng mình và họ hoàn toàn xứng đáng với những điều đó.
Mặt khác, với những con người ngày đêm phấn đấu, xây dựng và nâng tầm đất nước trong suốt thời gian qua trên mọi lĩnh vực, họ cũng xứng đáng để được công nhận như những "nhân tài" của đất nước này, dù họ chưa bao giờ đòi hỏi điều đó!
Nhưng có lẽ điều bất ngờ được tân quán quân năm nay cho biết, cậu bạn sẽ không đi Úc, tiếp tục ở lại Việt Nam học tập và thực hiện những ước mơ trở thành một doanh nhân trong tương lai gần, đó là mong ước của cậu bạn. Chẳng ai biết đó là một câu trả lời "trốn tránh" cái mác của dư luận hay là mong muốn thực sự của Hoành Khánh. Nhưng để vượt qua 144 thí sinh để trở thành nhà leo núi giỏi nhất năm thì Hoành Khánh hoàn toàn xứng đáng được chắp cánh ước mơ với nhiều cơ hội lớn sẽ đến với mình.
Nguồn: TH&PL